(CAO) Tại Phiên họp thứ 13 ngày 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Chính phủ chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha rừng, 1.863,94 ha đất lâm nghiệp và 1.537,23 ha đất trồng lúa để làm đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (Dự án).
Phiên họp thứ 13 ngày 11/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trình bày Tờ trình về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Dự án đi qua 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP.Cần Thơ.
Nghị quyết số 44/2022/QH15 có xác định nhu cầu sơ bộ sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha; giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước của Dự án đường bộ
cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Tờ trình kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật. Chỉ đạo UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa rà soát, điều chỉnh bổ sung diện tích đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh, cập nhật Dự án vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án trong quá trình thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai Dự án cần thống kê, kiểm đếm chính xác về loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất, về loại rừng, diện tích rừng; giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không để các đối tượng lợi dụng như khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn, chiếm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh (nếu có). Làm rõ nguyên nhân sự chênh lệch số liệu về chiếm dụng diện tích rừng, đất rừng và đất lúa giữa bước chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua.
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về chủ trương trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự phù hợp của Dự án đối với các quy hoạch có liên quan khi các quy hoạch này vẫn đang trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt.
Mặc dù Tờ trình số 248, Chính phủ đã tiếp thu, giải trình các nội dung nêu trên, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật nhu cầu sử dụng đất, rừng của Dự án vào các quy hoạch có liên quan để bảo đảm chặt chẽ các cơ sở, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng, rừng, đất trồng lúa nước hai vụ cho Dự án.
Nhiều ý kiến còn đề nghị, trong các bước tiếp theo khi triển khai thực hiện cần chú ý đến vấn đề có liên quan đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm sinh kế của người dân khi bị thu hồi đất rừng, đất lúa phục vụ Dự án.