Thủ tướng phát biểu tại buổi gặp mặt với lãnh đạo các cơ quan báo chí- Ảnh: Kim Ngân
Đây là dịp để những người làm báo Việt Nam chia sẻ với Thủ tướng những trăn trở về nghề, nhất là khi Quy hoạch báo chí đã được đặt ra.
Điểm lại chặng đường hoạt động của báo chí 90 năm qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định, qua hai cuộc kháng chiến, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí đã cổ vũ toàn dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. "Những người làm báo cách mạng Việt Nam đóng góp vào sự thắng lợi chung, người làm báo có quyền tự hào về những đóng góp của mình trong chặng đường qua" - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, hiện cả nước có hơn 30.000 người làm trong cơ quan báo chí, trong đó có 18.000 người được cấp thẻ, 90% nhà báo có trình độ đại học, sau đại học. Phẩm chất đạo đức chính trị của các nhà báo ngày càng được nâng cao. “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, báo chí đã có sự lớn mạnh” – Bộ trưởng Son cho biết.
Môi trường hoạt động báo chí tại Việt Nam đang ngày càng đa dạng
Với vai trò của mình, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, báo chí đã giúp nhân dân giám sát và phản biện xã hội, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, trong vấn đề Biển Đông, báo chí đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự trân trọng và tự hào về quá trình phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam suốt 90 năm qua, một giai đoạn mà đất nước liên tục trải qua những bước ngoặt lịch sử quan trọng. Trong chặng đường đó, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức năng nhiệm vụ được giao phó.
“Từ sự hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ đóng góp to lớn của mình, đội ngũ báo chí đã lớn mạnh, trưởng thành, cả về ý thức chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ” - người đứng đầu Chính phủ trân trọng ghi nhận, đồng thời khẳng định nhiều tờ báo, cơ quan truyền thông, phóng viên, nhà báo được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, tôn trọng, ngưỡng mộ và quý mến.
Cũng tại buổi gặp mặt, Thủ tướng xúc động bày tỏ sự tri ân đối với các thế hệ làm báo Việt Nam, nơi đó có nhiều nhà báo đã hy sinh cả xương máu của mình để hoàn thành sứ mệnh được giao, đảm bảo thông tin nhanh, kịp thời, chính xác đến nhân dân, mang lại lợi ích cho đất nước, dân tộc.
Chỉ ra các nhiệm vụ cho báo chí trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ mong muốn đội ngũ làm báo tiếp tục đề cao trách nhiệm, tiếp tục phát huy thành tựu đạt được, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước, tạo đồng thuận xã hội, nhân dân về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.
“Với tinh thần tất cả vì đất nước, tôi mong muốn các nhà báo tiếp tục đề cao trách nhiệm với xã hội, nghĩa vụ với Tổ quốc, trước hết với tư cách một công dân” – Thủ tướng nói.
Về phía các cơ quan chức năng, Thủ tướng đề nghị chủ động cung cấp thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác để báo chí làm nhiệm vụ tốt hơn, đồng thời thực hiện tốt quyền được thông tin của người dân.
Về quy hoạch báo chí, Thủ tướng Chính phủ cho biết mục đích là để báo chí làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ, tốt hơn vai trò của mình, đảm bảo phát triển nhanh, vững chắc.
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin Truyền thông làm việc với các cơ quan báo chí để lắng nghe các đề xuất sắp xếp, giải pháp và lộ trình phát triển ra sao để Thủ tướng có cơ sở phê duyệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
“Yêu cầu trong sắp xếp là không thể đẩy ra đường các nhà báo, phóng viên. Quy hoạch phải ổn định và hiệu quả” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Cùng với quy hoạch báo chí, Thủ tướng cho biết việc sửa đổi Luật báo chí đang được soạn thảo cũng nhằm để báo chí phát triển hiệu quả, thuận lợi, đảm bảo quyền tự do ngôn luận như Hiến pháp quy định.
Thủ tướng chụp ảnh cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí- Ảnh: Kim Ngân.
Cũng tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đã lắng nghe ý kiến tâm huyết của nhiều nhà báo đại diện cho các thế hệ làm báo Việt Nam. Các ý kiến bày tỏ mong muốn Thủ tướng sẽ chỉ đạo để có cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí nhanh, kịp thời hơn, tránh tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy trong việc này.