Công an TPHCM: Quyết liệt giữ bình yên cho người dân đón Tết

Thứ Hai, 24/01/2022 09:52

|

(CAO) Sáng 23-1, Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (CSGT-TT), Công an TP.Thủ Đức, TPHCM đã tổ chức lễ phát động ra quân thực hiện cao điểm tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo, ban chỉ huy Đội CSGT - TT các khu vực trên địa bàn TP.Thủ Đức cùng cán bộ chiến sĩ. Bên cạnh đó, tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng... diễn ra hết sức phức tạp, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.

Uống rượu bia, không lái xe

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó trưởng Công an TP.Thủ Đức cho biết, năm 2021, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn TP.Thủ Đức được giữ vững, ổn định, thông suốt, không xảy ra tình trạng đua xe trái phép, tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng, tình hình ùn ứ, ùn tắc giao thông được kéo giảm. Tai nạn giao thông (TNGT) được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí, không xảy ra tai nạn rất nghiêm trọng và tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

CSGT ra quân thực hiện cao điểm giữ vững TTATGT trên địa bàn

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn TP.Thủ Đức xảy ra 24 vụ TNGT, làm chết 12 người, bị thương 12 người. Trong đó, tai nạn từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 8 vụ, làm chết 10 người, bị thương 2 người. Va chạm xảy ra 12 vụ, bị thương 10 người. So với cùng kỳ năm 2021 số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương tăng cao. Trong tổng số 22 vụ TNGT có 3 vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra làm chết 6 người và làm 2 người bị thương.

Năm 2021, Phòng PC08 đã kiểm tra phát hiện trên 550.000 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước trên 327 tỉ đồng, tước GPLX trên 43.000 trường hợp, tạm giữ trên 61.000 phương tiện các loại. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT CATP đã ghi hình, trích xuất hoàn thiện hồ sơ 112.400 trường hợp vi phạm Luật giao thông trong đó có trên 26.000 trường hợp thực hiện quyết định (đạt 23,46%) thu vào Kho bạc Nhà nước số tiền gần 29 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị ghi hình, trích xuất hoàn thiện hồ sơ trên 100.000 trường hợp vi phạm Luật giao thông trong đó gần 25.000 trường hợp thực hiện quyết định (đạt 24,26%) thu vào Kho bạc Nhà nước số tiền trên 27,5 tỉ đồng.

Công an TP.Thủ Đức đã triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn TP.Thủ Đức. Qua gần 2 tuần triển khai thực hiện, các đơn vị đã quán triệt cho cán bộ chiến sĩ thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo tinh thần và nội dung thông báo. Tiếp tục ra quân đồng loạt trên các tuyến đường thành phố, tập trung kiểm soát các phương tiện, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, lồng ghép các nội dung tuyên truyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phát động 100% cán bộ chiến sĩ đăng tải chia sẻ trên trang mạng xã hội Facebook, Zalo cá nhân các nội dung tuyên truyền Luật giao thông đường bộ. Tổ chức các tổ tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, giải đáp các quy định của pháp luật tại các bến cảng, bến xe khách trên địa bàn thành phố. Đặc biệt tổ chức tuyên tuyền, vận động chủ kinh doanh nhà hàng, quán ăn đặt bảng pa nô gắn với slogan "Vì sự an toàn của mọi người. Không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia".

Kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa

Sau lễ ra quân, các tổ của Đội CSGT-TT, Công an TP.Thủ Đức đã nhanh chóng lên xe thực hiện cao điểm tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho người dân. Tại tổ 1, cán bộ chiến sĩ phát tờ rơi tuyên truyền, giải đáp, hướng dẫn các quy định Luật giao thông tại Bến xe Miền Đông mới (phường Long Bình, TP.Thủ Đức) cho các tài xế xe khách, xe tải...

Tập trung kéo giảm tai nạn, ùn tắc dịp Tết

Trước đó, ngày 22-1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), CA TPHCM cho biết, đã tổ chức mở cao điểm, huy động tối đa lực lượng, tập trung các giải pháp kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông tại 3 cụm trên địa bàn TP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Sáng cùng ngày, tại các cụm gồm: Huyện Bình Chánh chủ trì phối hợp với quận Bình Tân, Đội CSGT An Lạc, Phú Lâm, Tân Túc, Đa Phước; Huyện Củ Chi chủ trì phối hợp với quận 12, Hóc Môn, Đội CSGT An Sương, Trạm CSGT Tây Bắc và CA TP.Thủ Đức chủ trì phối hợp với Đội Rạch Chiếc, Cát Lái, Hàng Xanh, Bình Triệu đã tổ chức lễ ra quân. Tại 3 cụm này, lãnh đạo của Phòng PC08 cùng ban chỉ huy CA TP.Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi; Ban ATGT các quận huyện, TP.Thủ Đức dự phát biểu chỉ đạo.

Đội CSGT Hàng Xanh cũng đã phối hợp cùng CA phường 26, quận Bình Thạnh và Thanh tra Giao thông tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, ma túy và phòng, chống dịch Covid-19 ở khu vực Bến xe Miền Đông. Khi các tài xế di chuyển rời Bến xe Miền Đông, nếu lực lượng phát hiện nghi vấn thì sẽ mời vào kiểm tra nồng độ cồn, ma túy... Ghi nhận của phóng viên trong gần 2 giờ, lực lượng đã kiểm tra hàng chục tài xế xe khách ra khỏi bến xe.

Kiểm tra nồng độ cồn và ma túy tài xế tại bến xe

Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng Phòng PC08, CA TPHCM cho biết, năm 2021, lực lượng CSGT TP luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của sát sao của lãnh đạo Bộ CA, Cục CSGT, Thành ủy, UBND TPHCM, CA TPHCM, sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ của CATP, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đối với lực lượng CSGT TP trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng một phần không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Đặc biệt là vấn đề sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo nên những thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với công tác công an, song cùng với chính quyền và nhân dân Thành phố, lực lượng Công an TP nói chung và lực lượng CSGT Thành phố nói riêng đã nỗ lực không ngừng nghỉ, chủ động trên mọi mặt trận, trên mọi lĩnh vực và trên mọi phương diện để luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị mà các cấp lãnh đạo đã tin tưởng giao phó.

Giảm các "điểm đen" TNGT

Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 là một trong những thách thức lớn nhất và chưa có tiền lệ trong những năm qua đối với người dân Thành phố nói chung và lực lượng CSGT nói riêng. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, Công an TP, lực lượng CSGT TP đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức thiết lập các chốt trạm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại các địa bàn giáp ranh thành phố, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, không để lây lan dịch bệnh ảnh hưởng kéo dài trên địa bàn thành phố.

Phòng PC08 đã tham mưu Ban Giám đốc CATP tổ chức triển khai bố trí chốt trạm kiểm soát ở 3 giai đoạn theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên tại 51 chốt trạm kiểm soát giáp ranh thành phố và 280 chốt trạm kiểm soát khu vực nội bộ thành phố. Kết quả thực hiện tại 12 chốt, trạm kiểm soát Thành phố: đã kiểm soát hơn 4 triệu lượt phương tiện; Tổng kiểm tra trên 15 triệu người Kết quả xử lý: lập biên bản 152; nhắc nhở 2.285. Đã thẩm định, tham mưu cho các cấp lãnh đạo tổ chức cấp phát 121.139 Giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được cấp phát. Đã xử lý trên 34.000 trường hợp vi phạm không chấp hành Chỉ thị 16 và trên 200 trường hợp vi phạm không mang khẩu trang.

Sau khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, Phòng PC08 đã tạo điều kiện và ghi nhận có khoảng 134.000 người dân từ tỉnh khác vào TPHCM làm việc hoặc đi về nhà; 190.000 người dân tạm trú tại TPHCM về tỉnh khác và 214.000 người dân từ tỉnh quá cảnh qua TPHCM để đi về tỉnh khác.

Lực lượng CSGT phát tài liệu tuyên truyền về ATGT

Trưởng Phòng PC08 cho biết, trong năm 2021, lực lượng CSGT TP đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh mạnh mẽ, có hiệu quả với hành vi tụ tập chạy xe gây rối TTCC, đã tham mưu Ban Giám đốc CATP tổ chức triển khai có hiệu quả các quy trình, phương án, biện pháp phòng, chống đua xe, đặc biệt Phòng PC08 đã thành lập Tổ phòng chống đua xe của Phòng PC08 với nhiều CBCS có kinh nghiệm, không ngại gian khổ, không ngại khó khăn, đã tiến hành xử lý hành chính nhiều trường hợp thanh thiếu niên tụ tập, kể cả tiến hành khởi tố theo đúng quy định pháp luật, nhận được sự ủng hộ của người dân.

Lực lượng CSGT TPHCM đã kéo giảm 1.160 vụ (-40%), giảm 87 người chết (-15,5%), giảm 998 người bị thương (-49%) so với cùng kỳ năm 2020. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP không xảy ra ùn tắc giao thông (so với cùng kỳ không tăng giảm), lực lượng CSGT thành phố ghi nhân xảy ra 7 vụ ùn ứ giao thông trên địa bàn Thành phố (so với cùng kỳ tăng 2 vụ). Nguyên nhân xảy ra ùn ứ giao thông: Do người dân về quê dịp Lễ, Tết (2 vụ), do TNGT (3 vụ), do phương tiện chết hư hỏng (1 vụ), dvlập chốt phòng dịch Covid-19 (1 vụ), do xe ôtô đâm vào dải phân cách (1 vụ). Để đạt được kết quả như trên, lực lượng CSGT thành phố đã chỉ đạo xử lý các tình huống phát sinh tại khu vực phức tạp về TTATGT kịp thời, hiệu quả, đảm bảo phối hợp giải quyết nhanh chóng.

Đầu năm 2021 trên địa bàn thành phố có 6 điểm đen tai nạn giao thông và phát sinh 1 điểm đen mới (Nút giao thông đường dẫn cao tốc Bình Thuận - Chợ Đệm - đường Võ Trần Chí, huyện Bình Chánh)... như vậy tổng số điểm đen hiện nay trên địa bàn TP là 4 điểm, hiện đang theo dõi và chuyển hoá. Số điểm nguy cơ ùn tắc giao thông hiện tại là 18 điểm. Phòng đã tham mưu cho Ban Giám đốc CATP 7 kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo từng chuyên đề, 3 kế hoạch cao điểm trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán, trong đợt dịch Covid-19 và khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát

Thượng tá Nguyễn Đình Dương cho biết, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2021, cũng như đảm bảo ANTT trong dịp Tết Nguyên đán thì đơn vị tiếp tục triển khai chủ động khảo sát, lập danh sách, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành triển khai, tổ chức thực hiện các phương án phân luồng, điều hòa giao thông tại các cửa ngõ Thành phố để đảm bảo giao thông thông suốt, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông. Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, cổ vũ, chạy xe gây rối trật tự công cộng; triển khai đảm bảo an toàn các hoạt động lễ hội trong dịp tết và phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, TTATGT phục vụ cho nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT kết hợp nội dung đảm bảo TTATGT-TTXH dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các lễ hội đầu Xuân 2022 theo chỉ đạo của CATP, cũng như sự chủ động của đơn vị nhằm hạn chế thấp nhất các vụ TNGT, UTGT trên địa bàn thành phố.

Dự báo tình hình TTATGT trong những ngày sau Tết Nguyên đán sẽ phức tạp, đặc biệt tập trung tại các khu vực cửa ngõ, khu vực bến xe, ga tàu, do người dân trở lại TP để làm việc, học tập; do đó tập trung triển khai lực lượng kiểm tra, tập trung xử lý các phương tiện vận chuyển hành khách tại các khu vực bến xe, các tuyến đường huyết mạch tập trung các phương tiện vận chuyển hành khách, đồng thời tiếp tục triển khai tổng kiểm tra hành chính về ban đêm để thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh trấn áp tội phạm trên địa bàn thành phố. Tổ chức kiểm tra công tác ứng trực tại các đơn vị, không bố trí nghỉ phép, nghỉ bù để đảm bảo quản số huy động xử lý nhanh các vụ việc phức tạp về TTATGT...

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kéo giảm TNGT, tham mưu cho Ban Giám đốc CATP, lãnh đạo thành phố chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp cùng thực hiện công tác kéo giảm TNGT, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, tạo tham gia giao thông và phát hiện giải quyết ngay từ đầu các đối tượng có dấu hiệu nhen nhóm tham gia các hoạt động tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng, góp phân duy trì đảm bảo TTATGT trên địa bàn TP. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định của Luật giao thông đường bộ, các nghị định có liên quan, các quy định về giao thông đường bộ, đường sắt thông qua các phương tiện truyền thông như: Mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, báo, đài...

Lừa đảo qua mạng gia tăng

Mới đây, chị N.T.N (SN 1988, trú quận Gò Vấp) là một trong những người mất gần 630 triệu đồng vì lỡ nhấn vào đường links hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, trang web có thiết kế giống với ứng dụng "Smart Banking" của ngân hàng BIDV, yêu cầu người dùng đăng nhập vào tài khoản. Khi N. vừa hoàn thành đăng nhập thì đường link yêu cầu tiếp tục cung cấp mã OTP được tổng đài ngân hàng chuyển về. Chỉ trong vòng vài phút, số tiền trong tài khoản của N. bị trừ 2 lần. Lần đầu là 499,6 triệu đồng và lần 2 là 126 triệu đồng.

Với thủ đoạn giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thì đây là loại tội phạm có tổ chức, chúng sử dụng công nghệ chuyển đổi cuộc gọi Internet thành cuộc gọi thoại, gọi điện giả danh các cán bộ cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Bưu điện... thông báo người dân có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, như: ma túy, "rửa tiền", tai nạn giao thông..., chúng làm giả các lệnh bắt, quyết định khởi tố của cơ quan công an để đe dọa, sau đó yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại hệ điều hành Android để tải và cài đặt ứng dụng có tên "Bộ Công an" do các đối tượng cung cấp.

Thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức bán hàng, mua hàng thì đối tượng vào vai người bán hàng với thủ đoạn cung cấp các mặt hàng tốt nhưng giá rẻ, hời để đánh vào tâm lý, lòng tham của bị hại, sau khi bị hại chuyển tiền cọc hàng xong thì chặn liên lạc với bị hại. Ngoài ra, đối tượng còn có thể vào vai người mua hàng, để người bị hại tin, đối tượng sẽ gửi cho bị hại một đường link (có tên giống với ngân hàng), yêu cầu bị hại đăng nhập vào đường link điền thông tin về số tài khoản, mật khẩu, mã OTP để nhận tiền cọc; bị hại nhập xong thì đối tượng đã chiếm đoạt quyền sử dụng ứng dụng Internet Banking và tự động chuyển tiền từ tài khoản của bị hại sang tài khoản của đối tượng.

Cần cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Còn với bọn tội phạm lừa đảo qua các mạng xã hội, đối tượng chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị... sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber... thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.

Thủ đoạn "mạo danh ngân hàng cho vay" thì đánh vào tâm lý của bị hại "làm hồ sơ online, tiền vay được duyệt nhanh chóng, lãi suất cực thấp", các đối tượng thường sẽ tạo các trang trên Facebook, zalo và các mạng xã hội khác, chạy quảng cáo để tiếp cận được nhiều người. Nhóm đối tượng sau khi thuyết phục được bị hại vay thường sẽ gửi các đường link kết nối với CH Play để bị hại tải các ứng dụng này về điện thoại và làm theo hướng dẫn của App...

Làm gì để phòng ngừa?

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua không gian mạng thì người dân khi nhận các tin nhắn SMS từ phía ngân hàng mà có cảnh báo về những hoạt động bất thường liên quan đến tài khoản cá nhân mà có những dấu hiệu nghi vấn thì người dân cần bình tĩnh gọi lên tổng đài chính thức (hotline) của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin SMS mới nhận là đúng hay sai; phản ánh nội dung các tin nhắn vừa nhận được là từ đâu mà có. Sử dụng số tổng đài (hotline) của ngân hàng được công khai chính thức trên trang web của ngân hàng.

Không công khai các thông tin cá nhân như ngày, tháng, năm sinh, số CMND/CCCD, số điện thoại, tài khoản ngân hàng... lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; khi chia sẽ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẽ công khai.

Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, Smart Banking và có biện pháp quản lý, bảo mật các thông tin này; tuyệt đối không cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào. Ghi nhớ các trang web chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thường được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn); đối với các trang web đăng ký giống tên nhưng đuôi khác như (.vip), (.top), (.cc), (.com)... đều là giả mạo.

Khi nhận được các cuộc gọi điện thoại lạ tự xưng đại diện ngân hàng hay tổ chức liên quan thì lấy lý do thoái thác gọi lại sau để có thời gian kiểm tra lại thông tin số điện thoại trên có đúng số điện thoại ngân hàng hay tổ chức liên quan; không truy cập vào các đường dẫn (link) giả mạo ngân hàng khi chưa kiểm chứng. Nếu nhận được các tin nhắn, cuộc gọi của các đối tượng giả mạo tự xưng là Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát..., người dân phải hết sức cảnh giác, bình tĩnh, thận trọng, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu các đối tượng này gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến công an địa phương nơi mình cư trú hoặc yêu cầu liên hệ với cảnh sát khu vực; tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng trên.

Khi có nhu cầu vay tiền, người dân nên liên hệ với các chi nhánh ngân hàng gần nhất để làm thủ tục vay. Tuyệt đối không làm thủ tục vay tiền với các đối tượng thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh bị lừa đảo đóng các khoản "phí vay".

Bình luận (0)

Lên đầu trang