Chưa quy định cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Thứ Sáu, 14/06/2019 08:51

|

(CAO) Do chưa đạt sự đồng thuận cao, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xin phép bỏ quy định cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam ra khỏi dự luật Thi hành án hình sự trình Quốc hội thông qua.

Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vừa được thông qua với 91,53% đại biểu tán thành. Luật gồm 16 Chương, 207 Điều.

Chủ nhiệm UBTP Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình tiếp thu

Giải trình tiếp thu về tổ chức lao động cho phạm nhân (Điều 33), UBTVQH cho biết, nhiều ý kiến tán thành phương án quy định cho phép doanh nghiệp hợp tác với trại giam để tổ chức lao động cho phạm nhân theo hướng: doanh nghiệp tổ chức các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động.

Ngược lại, cũng có nhiều ý kiến không nhất trí phương án quy định nêu trên.

Khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội, UBTVQH cho rằng, đối với người bị phạt tù thì lao động là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.

“Để nâng cao hiệu quả công tác này thì việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân là cần thiết" - báo cáo nhấn mạnh và cho biết pháp luật hiện hành cho phép trại giam tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân.

Các khu này phải do trại giam trực tiếp đứng ra tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của trại giam.

Riêng đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động, qua xin ý kiến ĐBQH do chưa đạt được sự đồng thuận cao của ĐBQH (chưa đạt 50% tổng số ĐBQH) nên UBTVQH đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Liên quan đến việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân (Điều 34), có đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo Luật; có đại biểu đề nghị quy định rõ tỷ lệ (%) các mục chi từ kết quả lao động và xác định rõ “một phần công lao động của phạm nhân” tại điểm đ khoản 1 Điều 34.

Giải trình thêm, UBTVQH nêu rõ, việc phạm nhân lao động là nghĩa vụ bắt buộc, nhằm mục tiêu chính là giáo dục cải tạo, đồng thời, tạo điều kiện cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng.

“Thực tế, năng suất, hiệu quả lao động và giá trị thu được qua tổ chức lao động tại các trại giam rất hạn chế, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam” – UBTVQH giải trình.

Do đó, để phù hợp với điều kiện thực tế, dự thảo Luật quy định phạm nhân được hưởng một phần công lao động và giao Chính phủ quy định chi tiết về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân.

Về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân (Điều 27), nhiều ý kiến tán thành quy định tại Điều 27 theo hướng phạm nhân chỉ được hưởng các quyền được quy định trong Luật Thi hành án hình sự, đồng thời bổ sung đầy đủ các quyền của phạm nhân được hưởng vào Luật này.

Nhiều ý kiến khác đề nghị, ngoài quy định các quyền, nghĩa vụ cụ thể của phạm nhân thì cần có quy định mang tính nguyên tắc: “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ phạm nhân”.

Do ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH đã tổ chức xin ý kiến ĐBQH về hai phương án quy định nêu trên. Kết quả, đa số ý kiến tán thành phương án quy định tại khoản 3 Điều 27 của dự thảo Luật theo hướng: phạm nhân chỉ được hưởng các quyền quy định trong Luật Thi hành án hình sự.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại điểm e khoản 1 về quyền của phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện thực hiện giao dịch dân sự có thể ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp, phát sinh tranh chấp.

UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật quy định phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật trên cơ sở cân nhắc kỹ quy định của pháp luật về quyền dân sự nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của phạm nhân.

Hơn nữa, thực tiễn thi hành án phạt tù nhiều năm qua cũng cho phép phạm nhân thực hiện quyền này. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Về ý kiến cho rằng, thi hành án hình sự là giai đoạn cuối của quá trình tố tụng hình sự, vì vậy, cần bổ sung vào Điều 27 nội dung quy định quyền của phạm nhân có luật sư trợ giúp họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của phạm nhân trong giai đoạn này, UBTVQH báo cáo khá chi tiết việc này.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 22 của Luật Luật sư thì phạm vi hành nghề của luật sư gồm: thực hiện tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; thực hiện dịch vụ pháp lý khác và không có quy định loại trừ khách hàng là phạm nhân.

Thực tiễn thực hiện quy định này đối với phạm nhân không có vướng mắc. Để bảo đảm quyền của phạm nhân được nhận sự trợ giúp pháp lý của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, tại điểm đ khoản 1 Điều 27 dự thảo Luật đã quy định phạm nhân được gặp, liên lạc với tổ chức hoặc cá nhân (bao gồm cả luật sư).

Đồng thời, dự thảo Luật quy định quyền của phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện (luật sư, người được ủy quyền khác...) thực hiện các quyền, như: giao dịch dân sự (khoản 1 Điều 27); chuyển giao hoặc nhận tiền, tài sản (khoản 3 Điều 28, khoản 2 Điều 29); khiếu nại về thi hành án hình sự (khoản 1 Điều 180). Do đó, UBTVQH đề nghị không bổ sung quy định riêng về quyền của phạm nhân được nhận sự trợ giúp pháp lý của luật sư, trợ giúp viên pháp lý.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Điều 27 của dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung các nhóm quyền như: được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Biểu quyết riêng điều này, Quốc hội đã đồng ý thông qua với tỷ lệ 89,46%.

Bình luận (0)

Lên đầu trang