Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu đánh giá rất cao Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Quốc hội; cũng như Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Các đại biểu cho rằng Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng đã khá thẳng thắn về những gì đạt được, chưa đạt được cũng như những biện pháp giải quyết trong thời gian tới.
Quan cảnh họp phiên toàn thể tại hội trường
Tồn tại, yếu kém do công tác cán bộ
Góp ý vào báo cáo của Chính phủ, các ý kiến đi thẳng vào những vấn đề còn tồn tại hiện nay như vấn đề tái cơ cấu kinh tế chưa xuống tới địa phương, giải quyết nợ xấu, công tác cán bộ, tình trạng thất thoát, tham nhũng lãng phí…
Lý giải cho những tồn tại, yếu kém hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng, chủ trương, biện pháp thì đều rất đúng, nhưng đến khâu thực hiện thì không tốt mà gốc rễ chính là vấn đề công tác cán bộ. Mặc dù Chính phủ tuyên bố xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phát triển, nhưng mới chuyển biến ở các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành chứ liệu đã đến được từng cán bộ công chức, xuống tới địa phương chưa, hay mỗi người vẫn cứ đủng đỉnh?
Do vậy, bộ máy hành chính thì phình ra ngày càng cồng kềnh nhưng không hiệu quả, đặc biệt không xác định rõ được vai trò của mỗi tổ chức, mỗi cấp ngành, thậm chí từng vị trí công tác, cũng bởi vậy mà mặc dù chỉ tiêu thì đạt, nhưng chưa cao.
Đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) cho rằng, so với cách đây 20 - 30 năm thì bộ máy hành chính của ta đã phình ra tới 20% và trong đó có nhiều bộ phận thừa không cần thiết và tạo ra gánh nặng cho ngân sách cũng như gây khó khăn cho việc tập trung nguồn lực tái cơ cấu.
“Tôi thấy nhiều Ban chỉ đạo thực sự không cần thiết”- ông Thống cho biết. Ông cũng nói rằng làm Trưởng của 3 Ban chỉ đạo, và “nếu có thẩm quyền tôi cũng đề nghị xóa luôn”. Đại biểu Phan Việt Cường (Quảng Nam) cũng chung quan điểm: “Bộ máy cồng kềnh, chất lượng phục vụ chưa cao, có những việc có thể giải quyết trong 1 ngày nhưng kéo dài hàng tuần, có khi cả tháng, dẫn đến bức xúc trong nhân dân”.
Sẽ xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân trong các dự án đầu tư kém hiệu quả
Qua 2 ngày thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị Bộ Công thương báo cáo giải trình về các dự án: giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ và các dự án về ethanol, cồn sinh học đang có nguy cơ tồn đọng và các vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời, sẽ có khả năng kém hiệu quả gây ra nguy cơ mất vốn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải tình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội
Thay mặt Bộ Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh báo cáo giải trình cho rằng, không chỉ có 5 dự án này mà còn một số dự án khác cũng tiềm ẩn những nguy cơ này. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các dự án này đều diễn ra trong thời gian rất dài so với quá trình đầu tư của dự án đã được phê duyệt.
Đồng thời trong quá trình thực hiện có rất nhiều vướng mắc; các thay đổi cả về bối cảnh của thị trường cũng như cả các vấn đề cụ thể trong từng dự án và đã có sự chỉ đạo của các cơ quan các cấp của Nhà nước cũng tháo gỡ, tuy nhiên vẫn chưa đạt được hiệu quả.
“Bộ Công Thương đang cùng các bộ, ngành tổng hợp, đánh giá, rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án này, có báo cáo cụ thể với Chính phủ về đánh giá thực trạng hiện nay của dự án; quá trình điều hành thực hiện các dự án đầu tư này; vai trò cũng như trách nhiệm của các cấp quản lý cũng như của các chủ đầu tư; xác định rõ những biện pháp, giải pháp để giải quyết thực hiện dự án này theo nguyên tắc bảo vệ và giữ gìn lợi ích của Nhà nước cũng như hiệu quả của đồng vốn của Nhà nước.
Đồng thời, có phương án giải quyết triệt để, để đảm bảo không thất thoát thêm vốn của Nhà nước, phù hợp với những nguyên tắc của kinh tế thị trường và hiệu quả, mục tiêu, đầu tư của dự án; phải xác định làm rõ trách nhiệm của tất cả các cá nhân cũng như đơn vị có liên quan để từ đó có biện pháp xem xét, xử lý” – Bộ trưởng Trần Anh Tuấn nói.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Anh Tuấn, qua 5 dự án này, chúng ta sẽ phải rạch ròi và làm rõ hơn nữa trong công tác quản lý các nguồn lực đầu tư của nhà nước, đã bộc lộ qua những dự án này những sự khiếm khuyết và lỗ hổng trong quản lý nhà nước; trách nhiệm của các bộ chủ quản cũng như các bộ chuyên ngành trong chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nhà nước.
Liên quan đến vấn đề về phát triển năng lượng cũng như đảm bảo môi trường cho nhiệt điện, thủy điện mà một số đại biểu đã đề cập, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đây là một lĩnh vực rất ưu tiên của ngành công thương do các nguồn năng lượng từ đây vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng để đảm bảo cân đối cung cầu cho phát triển của đất nước cả về kinh tế, xã hội và tiêu dùng.
Tuy nhiên, bộc lộ trên thực tế thời gian vừa qua chính là vấn đề thiết bị cũng như các tổng thầu, các nhà thầu thực hiện không chấp hành và không có điều kiện để thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến thiết bị công nghệ đó. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ đầu tư trong thực hiện pháp luật nhà nước về bảo vệ môi trường.