Số ca F0 tại TPHCM đang "đi ngang"

Thứ Sáu, 30/07/2021 20:43

|

(CAO) Số ca F0 tại TPHCM đang đi ngang. Nếu thực hiện nghiêm các quy định, cộng thêm sự hợp tác đầy đủ của người dân thì tình hình dịch bệnh tại TP sẽ sớm ổn định và chuyển biến tích cực.

Chiều 30/7, tại Trung tâm Báo chí, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo.

Tham dự họp báo có Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Văn Hiếu; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Lê Văn Minh; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam; Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm....

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp báo tại Trung tâm Báo chí TPHCM. Ảnh: Khang Minh

Quan trọng nhất là thực hiện thật nghiêm các quy định

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, so với 2 ngày trước, tình hình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại TP không có nhiều thay đổi. TPHCM vẫn được đánh giá là đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh và kiên quyết. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, việc quan trọng nhất của TP hiện nay là làm sao thực hiện thật nghiêm các quy định mà TP đã ban hành và các Chỉ đạo mới nhất của Trung ương.

Lập biên bản 14.221 trường hợp vi phạm

Tại họp báo, Phó Giám đốc Sở TT-TT Từ Lương thông tin thêm, Văn phòng UBND TP cho biết, từ 9/7 đến 30/7, UBND 21 quận, huyện, TP Thủ Đức đã lập biên bản 14.221 trường hợp, bao gồm nhắc nhờ và xử phạt, chủ yếu là hành vi ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Còn theo thông tin từ Công an TP, từ 18h ngày 26/7 đến nay, tại 12 chốt cửa ngõ TP và 441 chốt tại các quận, huyện, TP Thủ Đức, 821 đội tuần tra cơ động đã kiểm tra 311.009 lượt phương tiện, lập biên bản 5.438 trường hợp, buộc quay đầu xe 13.608 trường hợp.

Nhìn từ biểu đồ dịch bệnh cho thấy, số ca F0 tại TPHCM đang đi ngang đúng như dự báo. Nếu thực hiện nghiêm các quy định, cộng thêm sự hợp tác đầy đủ của người dân, sự nỗ lực của các lực lượng thì tình hình dịch bệnh tại TP sẽ sớm ổn định và có chuyển biến tích cực. Do đó, lãnh đạo TP mong người dân chia sẻ, chung sức, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

Sau khi UBND TP ban hành công văn số 2468/UBND-VX ngày 23/7 về việc tăng cường các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Chỉ thị số 12/CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, TP đã có một loạt văn bản hướng dẫn và cụ thể hóa các quy định của văn bản này. Các văn bản hướng dẫn giúp lực lượng chức năng và người dân thực hiện nghiêm các quy định, tránh những phiền toái không đáng có.

Cùng đồng hành với TP, đã có rất nhiều sáng kiến đóp góp trong công tác phòng chống dịch hiện nay. Để hỗ trợ người nhiễm COVID-19 không triệu chứng có thể tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, TP đã tiếp nhận sáng kiến của Bộ Khoa học - Công nghệ, Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, triển khai mạng lưới tư vấn gồm chuyên gia y khoa, y bác sĩ, người có kiến thức về ngành y để tư vấn việc cách ly tại nhà từ xa thông qua hệ thống tổng đài của Trung ương và địa phương.

Các tình nguyện viên đang sinh sống trên địa bàn TP cũng được huy động để thăm khám, hướng dẫn, giúp người dân có thể tự chăm sóc sức khoẻ khi cách ly tại nhà.

Cùng đó, Sở Y tế và Sở Thông tin - Truyền thông sẽ phối hợp với mạng lưới trên, tạo một cơ chế nhịp nhàng để hỗ trợ những trường hợp diễn biến bất thường, giảm tải áp lực cho hệ thống y tế hiện nay.

Huy động tối đa lực lượng đẩy nhanh việc tiêm vắc xin

Tại họp báo, liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, tối 29/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn số 6118 về việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại TPHCM. Trong đó, Bộ Y tế đã cho phép TP tháo gỡ một số vướng mắc để tăng tốc tốc độ tiêm vắc xin.

TP đã cụ thể hoá văn bản này và sẽ ban hành văn bản hướng dẫn để lực lượng tiêm vắc xin có thể triển khai. Trong đó, việc tổ chức tiêm không phụ thuộc vào các đối tượng mà cần phủ nhanh, tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại TPHCM đều được tiêm chủng, ưu tiên tiêm trước cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp mắc bệnh lý nền.

TP đặt mục tiêu trong tháng 8 cơ bản phủ được 2/3 đối tượng trên 18 tuổi tại TP. Để làm được điều nay, cần khoảng 5 triệu liều vắc xin trong tháng 8. Nguồn vắc xin sẽ do Bộ Y tế cung cấp và đến từ các nhà tài trợ.

Về trình tự tiêm, các quận huyện và TP Thủ Đức sẽ thực hiện một các phù hợp, có quy củ và kết thúc nhanh chóng. TP sẽ huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng, toàn bộ lực lượng y tế công và tư, tổ chức tiêm một cách linh động, tại các điểm vừa cố định vừa lưu động để tiếp cận được hết các đối tượng. Ví dụ, các doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ sẽ được tiêm ngay tại nơi làm việc.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, quy trình tiêm đợt tới sẽ được đơn giản hóa chủ yếu ở công tác chuẩn bị trước tiêm. Theo đó, các địa phương sẽ phát phiếu đồng ý tiêm chủng và phiếu khai báo tiền sử bệnh tới người dân để khai báo trước. Khi đến điểm tiêm chủng, bác sĩ chỉ cần bổ sung thêm một vài thông tin là có thể tiến hành tiêm chủng, như vậy sẽ rút ngắn thời gian tiêm cho từng người.

Ngoài ra, việc quy định thời gian đợi sau tiêm cũng có thay đổi, đối với người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền, cần phải theo dõi sau tiêm 30 phút, còn đối với các trường hợp bình thường thì rút ngắn thời gian theo dõi còn 15 phút. Các quy trình tiêm chủng trong lúc tiêm, sau tiêm, cấp cứu vẫn thực hiện đúng theo quy định Bộ y tế để đảm bảo an toàn.

Về tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, thống kê từ 4 giờ ngày 22/7 đến 18 giờ ngày 29/7 số lượng người đã được tiêm là 452.339 người. Với tốc độ hiện nay, mỗi ngày TP tiêm thêm được cho khoảng trên 70.000 người.

Trong kế hoạch của chiến dịch tiêm vắc xin đợt 5 với 930.000 liều, đến nay TP đã đạt tỷ lệ trên 50%, từ nay đến cuối tuần sẽ đẩy nhanh tiến độ. Với sự phối hợp của Sở Y tế, các lực lượng và vai trò tổ chức của các quận - huyện, TP Thủ Đức, TP phấn đấu hoàn thành kế tiêm chủng đợt 5 trong vòng 2 tuần (sớm hơn 1 tuần so với dự kiến ban đầu).

“Ngay sau khi kết thúc đợt 5, TP sẽ tiếp tục triển khai đợt tiêm thứ 6, trên tinh thần vắc xin về đến đâu tiêm tới đó, nhằm mục tiêu trong tháng 8 tối thiểu có 2/3 người dân trong độ tuổi 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19”, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức khẳng định.

Chi phí vận chuyển cao, dẫn đến giá cả hàng hóa cao hơn

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương, hiện nay, các địa phương đang vào mùa thu hoạch, nguồn hàng dồi dào, cần tiêu thụ, nhưng việc vận chuyển từ các địa phương về TPHCM lại đang gặp khó khăn, dẫn đến việc tại TP bị thiếu hụt một số mặt hàng.

Về việc này, các Bộ ngành, địa phương đã có các chỉ đạo để điều chỉnh, giải quyết, tuy nhiên mức chi phí vận chuyển vẫn còn cao, dẫn đến giá cả hàng hóa cao hơn so với trước đây.

Thực tế hiện nay, vấn đề lớn nhất của TP là số lượng kênh phân phối và điểm bán để cung ứng và đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Trên địa bàn TP hiện có 27/239 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở vùng ven ngoại thành, các chợ nội thành hầu như ngưng hoạt động. Áp lực mua sắm của người dân dồn lên kênh phân phối hiện đại.

Mặc dù các hệ thống siêu thị đã tăng thời gian hoạt động từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Tuy nhiên, do việc tăng cường thực hiện giãn cách nên các siêu thị chỉ được hoạt động từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều, thời gian mua sắm của người dân ít lại, một số địa bàn có lượng điểm bán ít và dân cư đông dẫn đến cung ứng hàng hóa gặp khó khăn.

Trước tình hình này, Sở Công Thương đề xuất tăng cường xây dựng các phương án mở lại điểm bán lương thực thực phẩm, thiết yếu tại chợ truyền thống với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Với mô hình mẫu đang triển khai, Sở Công Thương đánh giá đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Do đó, Sở đang tích cực triển khai và đôn đốc các quận huyện triển khai theo mô hình thí điểm này.

Trường hợp các chợ không đủ điều kiện mở lại thì sẽ tổ chức điểm bán ở khu vực lân cận. Địa phương hỗ trợ tham gia, sử dụng đội ngũ nguồn tiểu thương ở các chợ; Sở Công Thương hỗ trợ giới thiệu nguồn hàng để tăng cường lượng hàng hóa tại các điểm bán hiện nay.

Một số hệ thống phân phối có thể bổ sung nguồn hàng bằng xe 2 bánh, các quận - huyện hỗ trợ sử dụng các phương tiện thích hợp để tiếp nhận hàng hóa từ các hệ thống phân phối đưa về cho người dân.

Đồng thời, chuyển đổi phương thức bán hàng, trước đây bán hàng trực tiếp và phát phiếu mua hàng cho người dân thì hiện nay sẽ thực hiện đăng ký mua hàng trước thông qua giỏ hàng trên các app của siêu thị…

Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức bán hàng lưu động tại một số điểm thực sự khó khăn, người dân không được cung ứng hàng hóa kịp thời; Sở đã tăng đầu xe bán hàng lưu động lên gấp đôi, ngày mai có khoảng 50 xe và sắp tới dự kiến tăng lên 100 xe để hỗ trợ cho các quận – huyện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang