Anh hùng Bùi Quang Hảo kể chuyện đánh Mỹ

Thứ Sáu, 30/07/2021 11:44

|

(CATP) Ông sinh năm 1931 tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM. Trong suốt chiều dài 2 cuộc kháng chiến, ông đã sống, chiến đấu trên mảnh đất anh hùng được mệnh danh là "đất thép thành đồng". Năm 1978, ông Bùi Quang Hảo (bí danh Hai Mỏ) được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông nguyên là Phó giám đốc Công an TPHCM.

Đại tá Bùi Quang Hảo vừa qua đời chiều 28-7-2021 tại TPHCM, chúng tôi xin ghi lại một vài kỷ niệm khi cùng ông trò chuyện về những ngày kháng chiến oanh liệt.

Dân hay lắm!

Giọng chậm rãi, ông kể: Tôi hoạt động ở An Nhơn Tây. Đi theo kháng chiến từ lúc 16 tuổi, làm thư ký cho Bộ Việt minh của Ủy ban Kháng chiến xã, thời gian sau lên Văn phòng Tỉnh ủy với ông Ba Chiêu. Tôi ở trong nhà của Bí thư có hầm bí mật thông ra địa đạo. Ban ngày tôi và ông chui xuống đó, người nhà lấp miệng hầm lại, trưa giở lên ăn cơm, tối mới lên hoạt động. Vùng đó ban ngày Mỹ - ngụy làm chủ, ban đêm đến phiên mình. Sức dân đồng lòng giữ bí mật, bảo vệ, cho nên đối với dân, mình không bao giờ quên ơn được. Tết Mậu Thân địch bắn phá ác liệt, chúng tôi vẫn bám trụ với bộ đội và được dân nuôi giấu, chở che... Người dân cực kỳ tốt, ban ngày họ ra ruộng ven canh tác, mình đặt họ mua thóc, gạo để đó, tối mình ra tiếp tế chở vô. Tôi hết sức ấn tượng về sức dân và sự bảo vệ bí mật.

Tôi phụ trách An ninh, rồi chuyển qua phụ trách Binh vận. Vào chiến dịch Mậu Thân 1968, tôi được chuyển vùng 4 (từ đường số 8 xuống), hết sức ác liệt. Tôi vận động quần chúng ủng hộ, vận động lãnh đạo xã làm công tác hưởng ứng chiến dịch Mậu Thân. Trong chiến dịch này, tôi phụ trách công an (CA nằm trong xã Tân Thạnh Tây liên hệ với các du kích, CA để bao vây, kêu gọi cả trung đội địch ở đồn ấp Giữa ra đầu hàng, sau đó giải phóng được ấp Giữa.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Quang Hảo. Ảnh: Thuận Khanh

Địa bàn Củ Chi đối với ta và địch đều quan trọng, vì thế khi tới đây chúng quyết định giữ vùng tam giác sắt (Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát) để bảo vệ Sài Gòn nên đánh Củ Chi rất ác liệt và tuyên bố "diệt sạch, giết sạch" khu vực này. Còn đối với ta, Củ Chi là nơi Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và bộ đội đóng quân, tập trung tại đây. Trước tình hình địch oanh kích dữ dội nhưng nhân dân Củ Chi không khuất phục, xã nào cũng còn Đảng bộ lãnh đạo du kích chiến đấu. Ta đánh địch bằng chiến thuật du kích.

Năm 1961 thành lập An ninh khu (T4) (*) có đồng chí phụ trách hy sinh, tôi lên thay, làm Trưởng CA huyện Củ Chi cho đến năm 1965, với nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng và các cơ quan đầu não (khu ủy, bộ đội). Ở trên về phối hợp phát động quần chúng phòng dân, bảo mật. Chúng tôi đưa tề, lính ra kiểm điểm với dân. Dân phấn khởi, từ đó phong trào quần chúng lên cao.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Quang Hảo bên bức ảnh tập thể khi ông là Phó giám đốc Công an TPHCM. Ảnh: Thuận Khanh

Tôi chỉ đạo xã xây dựng căn cứ phân tán ra rồi gài mìn để đánh; tối ra ấp chiến lược tuyên truyền, xin gạo muối (chứ đâu còn hậu cần), chỉ đạo phân tán, bảo vệ lực lượng rồi gài, đánh trái. Đặc điểm ở đây tuy tình hình ác liệt nhưng có công trường ở Phú Mỹ Hưng chuyên môn làm trái; xã Nhuận Đức có chú Ba Nì gánh mìn đi đánh giặc, ông cài làm nổ xe tăng địch, có Anh hùng mìn gạt Tô Văn Đực...

Tôi may mắn không bị địch bắt nhưng chết hụt không biết bao lần. Bom đánh ngay chỗ tôi ở mấy lần nhưng không bị thương. Có lần đang ngồi ở nhà, nó thả miểng bung lên trúng mình nhưng cũng chỉ bị thương nhẹ, có lần máy bay bắn sụp hầm nhưng cũng không sao.

Chiến tranh quá ác liệt, tôi họp với Thường vụ Huyện ủy và quyết định dân mình lãnh đạo để họ ra giữ gìn bí mật trong xóm làng; còn đảng viên, đoàn viên, du kích, bộ đội ở lại đây, dù có ăn cỏ sống cũng phải bám trụ chiến đấu. Từ 1972-1973, tôi được điều về phụ trách an ninh Phân khu I, phân khu ác liệt nhất. Tôi về củng cố căn cứ, bộ phận bên sông lo gạo, thóc tiếp tế; tổ chức được B5 ven đô, trung đội vũ trang... Tôi ở trong căn cứ, lâu lâu ra gặp mấy anh em vùng ven. Hồi đó không vô sâu, ở ven mới công tác được. Anh em tiêu diệt nhiều địch, lực lượng An ninh hoạt động tốt, không quản ngại hy sinh, gian khổ.

Khi tiến về giải phóng Sải Gòn tháng 4-1975, tôi được phân công đi Bình Chánh, gần đến nơi, anh Mười Hương bảo về với anh Mười Thơ. Tôi dẫn đường anh Mười Thơ xuống Tân Thạnh Đông (lúc ấy mình đã giải phóng đồn đó rồi). Đến Cầu Xáng, Hóc Môn bị xe tăng làm sập, lúc đó anh Mười Thơ đi trước xuống chiếm Tòa hành chánh. Tôi bảo vệ, đi sau chiếm Ty Cảnh sát Gia Định, bắt được tên trưởng ty an ninh..

.(*) Khu Sài Gòn - Gia Định - T4, đồng chí Trần Hải Phụng - Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Hồng Đào (Tư Hồ) - Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy (Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam, tập 8 - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1965), Nhóm Nhân văn trẻ, NXB Trẻ, 2008, trang 218). Tiền thân của Công an TPHCM là Ban An ninh T4 hoạt động trong thời kỳ 1954-1975.

Bình luận (0)

Lên đầu trang