Quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có số ca COVID-19 cao nhất đợt dịch này

Thứ Tư, 21/07/2021 22:00

|

(CAO) Chiều 21/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM.

Chủ trì tại điểm cầu Văn phòng Thành ủy có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM. Tham dự tại Trung tâm Báo chí TP có các đồng chí: Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; đồng chí Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.

Các đại biểu tham dự buổi họp báo tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP
 

Gần 90% ca nhiễm trong khu phong tỏa, cách ly

Thông tin về tình hình dịch bệnh, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho biết, từ 6 giờ sáng 20/7 đến 6 giờ sáng 21/7, HCDC ghi nhận 5.480 trường hợp nghi nhiễm Covid - 19. Các ca nghi nghiễm này gần 90% nằm trong khu phong tỏa, cách ly.

Hơn 95% số ca trong các khu phong tỏa, cách ly là ở lần xét nghiệm thứ nhất, nên có thể suy đoán là đã nhiễm từ trước, chuyển từ F1 thành F0, không có cơ sở nói rằng lây nhiễm trong khu cách ly. Có 587 xuất viện trong ngày.

Về số ca mắc mới, nhiều nhất là huyện Bình Chánh có 840 ca, ít nhất là Củ Chi 17 ca. Suốt đợt dịch này, Bình Tân và Bình Chánh là hai quận, huyện chiếm tỷ lệ số ca cao nhất.

Riêng trong các khu chế xuất – khu công nghiệp, ngày hôm nay 21/7 ghi nhận 10 ca dương tính. Những ngày gần đây không phát sinh ổ dịch mới, vẫn là các ổ dịch cũ và đang dần ổn định.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, TPHCM hiện có tổng cộng 35 bệnh viện điều trị Covid-19. Trong đó đã xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến. Đồng thời, nhiều bệnh viện trung ương và nhiều bệnh viện trước đây không chuyên điều trị Covid-19 cũng chuyển sang điều trị Covid-19, với tổng cộng hơn 59.000 giường.

Bên cạnh đó, số bệnh nhân xuất viện trong mấy ngày qua là 4.837 trường hợp. Dự báo trong những ngày tới số xuất viện cũng tăng lên khoảng hơn 1.000 ca/ngày. Với hơn 35.000 ca trong tổng số hơn 59.000 giường, số giường vẫn còn đảm bảo được việc thu dung điều trị trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp hơn.

70-80% số F0 không có triệu chứng và không phải lúc nào cũng cần chăm sóc y tế

Về công tác tiêm chủng cũng đã được khởi động. Dự kiến, TPHCM được cấp 930.000 liều vaccine, tiêm trong 2-3 tuần, cần thiết có thể kéo dài hơn để đảm bảo an toàn, giãn cách. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn trên hết, sẽ không để xảy ra tình trạng như các đợt tiêm trước. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng thông tin thêm, đối tượng ưu tiên đợt này vẫn theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Nhưng với tình hình hiện nay, ngoài lực lượng tuyến đầu đã được ưu tiên trong đợt tiêm trước, hiện đối tượng cần được bảo vệ hàng đầu là người trên 65 tuổi và người mắc bệnh nền.

Chia sẻ về việc TPHCM áp dụng cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, xuất phát từ cơ sở khoa học, là dù biến chủng này lây lan nhanh, nhưng một điểm sáng là 70-80% số F0 không có triệu chứng và không phải lúc nào cũng cần chăm sóc y tế. Nếu được điều trị ở nơi thích hợp như ở nhà, hoặc các nơi cách ly tập trung quận huyện để theo dõi sức khỏe, từ đó TPHCM phân tầng điều trị là theo hướng đó. Như vậy là phù hợp. Lý do là vậy chứ không phải chỉ để giảm áp lực cho ngành y tế. Thực hiện việc này, cần thiết đi kèm những điều kiện hết sức nghiêm ngặt, đòi hỏi các lực lượng cần chung tay giám sát bên cạnh sự tuân thủ của người cách ly.

Lượng rau và trứng trong hệ thống phân phối luôn đầy đủ trên quầy kệ

Tại buổi họp báo, thông tin về công tác thu gom rác thải ở các khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, tổng khối lượng chất thải y tế, chất thải nguy hại phát sinh hàng ngày tại các khu này là trên 69 tấn mỗi ngày. Sở đã điều phối 4 đơn vị tham gia xử lý. Tổng số phương tiện huy động là trên 95 xe các loại, với 417 công nhân tham gia. Thời gian thu gom căn cứ vào khối lượng phát sinh của các khu, bình quân 1-6 lần/ngày. Sở cũng lập 2 nhóm thông tin nhanh, ứng dụng công nghệ để điều phối đơn vị xử lý cho kịp thời.

Liên quan đến các doanh nghiệp hoạt động sản xuất theo tiêu chí “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm” Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM (Hepza) Phạm Thanh Trực cho biết đơn vị đã nhận 618 hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn theo các tiêu chí này. Hepza cùng các đơn vị liên quan tiến hành thẩm định. Đến ngày 21/7, trong số 1.412 doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp có 479 doanh nghiệp đã được kiểm tra. Kết quả có 414 doanh nghiệp được phép hoạt động, 65 doanh nghiệp không đủ điều kiện an toàn để hoạt động. Số doanh nghiệp chưa được kiểm tra các đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra, thẩm định trong thời gian tới.

Theo đồng chí Phạm Thanh Trực, sau một thời gian thực hiện chủ trương này, có nhiều người lao động lúc đầu đồng thuận, nhưng vài ngày sau thấy điều kiện ở lại trong doanh nghiệp khó khăn hơn lại có nhu cầu đăng ký không tham gia nữa. Hepza đã yêu cầu nếu người lao động muốn ra ngoài, hoặc doanh nghiệp muốn bổ sung lao động từ bên ngoài vào để thay thế cũng phải đảm bảo quy định an toàn về y tế. Một tình huống khác phát sinh là chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn cùng ở với người lao động, Hepza đã chấn chỉnh tình trạng này.

Đối với việc cung cấp điện, Phó Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM Luân Quốc Hưng cho biết, hiện nay hơn 80% số đồng hộ điện được đo ghi từ xa, gần 20% khách hàng còn lại thì sẽ gọi điện cho khách hàng để tự ghi chỉ số. Phương án này nếu vẫn không thực hiện được thì sẽ tính trung bình các kỳ trước và bù trừ sau. Việc thu tiền điện chủ yếu qua các ví điện tử và các hình thức thanh toán khác. Đối với người già neo đơn, người khó khăn về kinh tế, ngành điện cam kết sẽ không ngừng cung cấp điện kể cả chưa có khả năng thanh toán. Đồng chí Luân Quốc Hưng khuyến cáo người dân thực hiện 4 đúng: đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng nhu cầu để tránh tiền điện tăng cao để có thể tiết kiệm điện một cách tốt nhất.

Liên quan đến tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu những ngày qua, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, ghi nhận lượng hàng về TPHCM ngày một tăng lên. Trong khi đó, sức mua trên thị trường giảm, lượng người mua sắm ở chợ, siêu thị giảm hẳn, không còn tình trạng xếp hàng kéo dài, giỏ hàng cũng giảm hẳn. Lượng hàng cung ứng tăng lên, trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm xuống, nên tình hình tương đối ổn định.

Theo đồng chí Nguyễn Nguyên Phương, vừa qua Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử tổ công tác tiền phương vào TPHCM để hỗ trợ TPHCM tìm kiếm nguồn hàng và cung ứng hàng hóa. Sở Công thương đã làm việc với tổ công tác này, đăng ký nhu cầu các mặt hàng cần thiết có khả năng thiếu. Sở đã rà soát và đăng ký lượng rau khoảng 1.500 tấn, trứng gia cầm khoảng 300.000 trứng. Sau khi các tổ công tác cung cấp danh sách các nhà cung ứng ở các địa phương, Sở Công thương các tỉnh cũng liên hệ với TPHCM để thông tin về các mặt hàng có dấu hiệu dư thừa ở các địa phương, cần kết nối cung ứng hàng hóa. Riêng mặt hàng trứng, Đồng Nai liên hệ, đề nghị TPHCM đăng ký lượng trứng cần thiết để chia sẻ cho TPHCM. Trong ngày 21/7, lượng rau và trứng trong hệ thống phân phối luôn đầy đủ trên quầy kệ.

Tại buổi họp báo, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM, Thượng tá Huỳnh Quang Tiến cho biết, từ ngày 9/7 đến 12 giờ ngày 21/7, tại các chốt trạm, lực lượng công an TP kiểm tra 1,3 triệu lượt phương tiện, trên 1,5 triệu lượt người. Công an TP phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra xử phạt vi phạm với gần 4.500 trường hợp.

Theo Phó Giám đốc Sở TT-TT Từ Lương, thông tin từ Văn phòng UBND TPHCM cho biết, bên cạnh kết quả xử lý vi phạm của Công an TPHCM, UBND 21 quận huyện và TP Thủ Đức đã lập 1.186 đoàn kiểm tra, xử phạt 5.582 trường hợp, với số tiền 14,5 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang