Sớm lấy lại vị thế, hình ảnh của TPHCM trên nhiều phương diện

Thứ Ba, 16/11/2021 17:34

|

(CAO) Sáng 16/11, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 10, khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và Hóc Môn sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Tham dự tại điểm cầu Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Củ Chi có các ĐBQH: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Chính ủy Bộ Tư lệnh TP, Thiếu tướng Phan Văn Xựng.

Cùng dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cử tri tại buổi tiếp xúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tiếp tục quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đánh giá cao những kết quả công tác phòng chống dịch bệnh của TP; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Cử tri Trần Thị Cúc, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi cho rằng, thời gian qua TP nói chung, huyện Củ Chi nói riêng đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các cấp, ngành điều phối vaccine để tiêm vaccine kịp thời cho người dân, góp phần kiểm soát dịch bệnh, giảm số ca tử vong tại TP.

Theo cử tri Trần Thị Cúc, vaccine có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. Nước ta đã quan tâm đầu tư nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 nhưng đến nay chưa được cấp phép sản xuất. Vì vậy, các bộ ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm đầu tư nghiên cứu sớm về sản xuất, sử dụng vaccine nội địa để chủ động hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các cơ quan cần có cơ chế để tiếp cận nguồn thuốc điều Covid-19 làm sao đảm bảo đầy đủ giúp giảm ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19.

Cử tri Phan Thanh Vân, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi kiến nghị lãnh đạo Trung ương, TPHCM, huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời quan tâm điều phối vaccine về cho huyện để tiêm đủ 2 mũi vaccine cho trẻ 12-17 tuổi và sớm có vaccine cho trẻ 5-11 tuổi và tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu để lực lượng này yên tâm làm nhiệm vụ.

Liên quan vấn đề an sinh xã hội, Đại đức Thích Thiện Tâm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi cho rằng huyện Củ Chi là huyện ngoại thành, đời sống bà con đa phần là làm nông nghiệp. Thời gian qua, lãnh đạo các cấp đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp người dân huyện khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19.

Thời gian tới, lãnh đạo cần có những chính sách nhiều hơn nữa để giúp đỡ cho người dân tại huyện có cơ hội tiếp cận để phục hồi nền kinh tế.

Cử tri Trần Thị Cúc đặt câu hỏi với các đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tại buổi tiếp xúc, một số cử tri kiến nghị xem xét biên chế cán bộ cơ sở phù hợp quy mô dân số tại các xã, phường.

Cử tri Phan Văn Trung, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho rằng việc sắp xếp bộ máy địa phương tinh gọn, hiệu quả là cần thiết. Tuy nhiên, xã đang trong quá trình đô thị hóa 180.000 ha với 20.000 hộ với khoảng 75.000 nhân khẩu, nên thời gian qua công tác điều hành, quản lý Nhà nước của địa phương gặp nhiều khó khăn do nhân lực ít.

Cử tri Phan Văn Trung đề xuất cần xem xét thấu đáo, phù hợp thực tế của địa phương như tăng thêm cán bộ xã và có chế độ chính sách phù hợp để cán bộ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài.

Cũng về vấn đề nhân lực, cử tri Hồ Viết Dũng, huyện Hóc Môn cho rằng, công việc của y tế xã, phường rất nhiều, nhưng số lượng nhân lực rất ít nên khó đảm bảo được công việc.

Vì vậy cần tăng cường biên chế cho y tế xã phường; quan tâm chính sách chế độ cho cán bộ y tế cơ sở. Có chế độ luân chuyển bác sĩ, bác sĩ mới ra trường về y tế cơ sở; có quy định bác sĩ khi học ra trường hoặc quá trình làm việc phải về công tác tại trạm y tế xã, phường 2-3 năm.

Một số ý kiến kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm nghiên cứu đưa các em học sinh trở lại trường khi đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó là các cơ quan liên quan quan tâm vấn đề nhà ở xã hội, phát triển nông nghiệp.

3 trụ cột phòng chống dịch và phục hồi kinh tế

Tại buổi tiếp xúc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TP đã trải qua thời gian dài và rất khó khăn để ứng phó với đại dịch Covid-19. Với sự hỗ trợ của trung ương và đồng bào trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế, toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP đoàn kết, chung sức đồng lòng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch, duy trì được các hoạt động kinh tế - xã hội. Đến giờ này, TP đã đạt được những kết quả nhất định trong điều kiện rất khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của người dân.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu biểu tại buổi tiếp xúc

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, cùng với cả nước, TPHCM vẫn phải thực hiện song song các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. “Chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng tình hình dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Do vậy, TP vẫn không được lơ là và chủ quan mà phải tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch, để ổn định đời sống và mở dần các hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ” - đồng chí Phan Văn Mãi nói.

Liên quan đến vấn đề vaccine, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, đến thời điểm này, TP có tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cao, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa tiêm vaccine vì lý do sức khỏe, vì lý do này, lý do khác. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các xã, huyện tiếp tục tuyên truyền vận động để bà con yên tâm tiêm vaccine. Thời gian qua, những người tiêm vaccine khi bị nhiễm thì tỷ lệ chuyển nặng giảm đi và tỷ lệ tử vong giảm rõ rệt. Vì vậy, lãnh đạo TP mong muốn bà con cử tri tiếp tục tuyên truyền để những ai chưa tiêm vaccine thì đến cơ sở y tế gần nhất đăng ký để tiêm.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, bất cập nổi lên trong bộ máy hệ thống chính trị cơ sở nói chung và y tế cơ sở trong thời gian vừa qua đó là số lượng, quy mô bộ máy chưa tương xứng với quy mô dân số. Khi diễn ra tình hình dịch với số lượng rất hạn chế biên chế cơ sở, đặc biệt trạm y tế nên chúng ta ứng phó rất khó khăn và nhiều bất cập. TP đang hoàn thiện kế hoạch củng cố lại hệ thống y tế gồm 3 trụ cột: y tế cộng đồng, y tế điều trị, y tế phục hồi.

Đối với vấn đề nhà ở xã hội, đồng chí Phan Văn Mãi thông tin, có 3 trụ cột phòng chống dịch và phục hồi kinh tế: phòng chống dịch, phục hồi kinh tế và an sinh xã hội. Vấn đề nhà ở xã hội là một trong những nội dung trong trụ cột an sinh xã hội gồm: nhà ở, việc làm và hỗ trợ những người khó khăn (người nghèo, cận nghèo…).

Đối với nhà ở xã hội, UBND TP đang chỉ đạo ngành xây dựng phối hợp các ngành liên quan để triển khai kế hoạch phát triển nhà ở TP giai đoạn 2020 - 2025, trong đó phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp, nhà ở thay thế các nhà trên ven kênh rạch, nhà ở thay các chung cư cũ, nhà ở xã hội khác, nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu nhà ở của Nhân dân TP. Một số địa phương như TP Thủ Đức đã bắt đầu khởi động khởi công một số dự án nhà ở xã hội bằng nguồn lực xã hội. Thời gian tới, TP tập trung triển khai các dự án nhà ở này.

Bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục bao phủ vaccine cho người dân

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức tiếp xúc cử tri với các chuyên đề sâu giám sát về y tế, kinh tế, trực tiếp lắng nghe ý kiến cử tri TPHCM nói chung và cử tri 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn nói riêng với tinh thần rất nghiêm túc. Từ các cuộc tiếp xúc này, các ĐBQH đã lắng nghe trực tiếp, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phản ánh tới Quốc hội và các cơ quan chức năng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, trong năm 2021, Việt Nam đã đối mặt với dịch Covid-19 lần thứ 4 có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng dẫn tới hậu quả nặng nề. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với những mất mát lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM trong suốt thời gian dài qua. Đồng chí đánh giá cao tinh thần và nỗ lực của lãnh đạo TPHCM, của cấp huyện, đặc biệt là các tầng lớp Nhân dân TPHCM đã đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu TPHCM khôi phục, không để ách tắc lưu thông, chuỗi cung ứng hàng hóa và lao động giữa TPHCM và các tỉnh thành; khôi phục và phát triển doanh nghiệp bằng cách đối thoại và nắm bắt, tháo gỡ khó khăn ở từng dự án, từng nút thắt. Đồng chí lưu ý TPHCM tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục bao phủ vaccine cho người dân. Bên cạnh đó là tạo nguồn vaccine lớn để phủ 100% vaccine cho người dân, trước hết tập trung cho đô thị lớn, dễ lây nhiễm.

Chủ tịch nước cho rằng cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động hơn, giải quyết hiệu quả các công việc thuộc trách nhiệm của mình với tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp để cùng nhau cố gắng vượt qua các trở ngại. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng chống làn sóng dịch lần thứ 5 có thể xảy ra. Trong đó, củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, y tế gia đình phải được quan tâm một cách thấu đáo, không để tình huống xấu xảy ra.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trách nhiệm của TPHCM là cần lấy lại vị thế, hình ảnh của TPHCM trên nhiều phương diện. Vì vậy, TPHCM nên hướng tới nền kinh tế sáng tạo, trong đó chú ý hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các cải cách sâu, rộng, điều hành kịp thời. Bên cạnh đó là tiếp tục phát huy nguồn lực trong xã hội cho phát triển; triển khai mạnh mẽ hiệu quả chương trình tái cấu trúc kinh tế. Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, có chương trình nhà ở an toàn, sản xuất an toàn cho người dân.

Trao đổi về vấn đề cử tri quan tâm là chuyển quyền sử dụng đất mà cử tri phản ánh, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là vấn đề rất lớn nên cần khảo sát, đánh giá cụ thể các vướng mắc nào cần tháo gỡ và UBND TPHCM có chuyên đề, báo cáo với HĐND TPHCM có nghị quyết tháo gỡ. Đồng chí chia sẻ, Củ Chi và Hóc Môn là 2 huyện có dư địa đất đai lớn nhưng nhà ở của người dân còn khó khăn. Vì vậy cần có giải pháp phải đảm bảo môi trường sống và giải quyết được những vấn đề bức xúc của người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang