Nhiều quyết sách cho giai đoạn “bình thường mới”

Thứ Hai, 15/11/2021 09:56  | Hải Triều

|

(CATP) Cuối tuần qua, Quốc hội đã kết thúc hơn 16 ngày làm việc với nhiều quyết sách quan trọng được ban hành. Với các quyết sách này, Quốc hội thể hiện sự đồng hành cùng cơ quan hành pháp bước vào giai đoạn mới.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã dành một phút mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịchCovid-19. Phút mặc niệm đó còn để khởi đầu cho một kỳ họp trách nhiệm, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân giữa thời dịch bệnh.

Không phải ngẫu nhiên, Covid-19 trở thành chủ đề nổi bật tại nghị trường, trong mọiphiên thảo luận về các vấn đề quan trọng của quốc gia. Nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, kháchquan được đúc kết từ thực tiễn đã được đại biểu mang tới diễn đàn Quốc hội.

Nhìn nhận “chúng ta đã đi qua chặng đường cam go, thử thách trong cuộc chiến sinh tử với đại dịch Covid-19”, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) khẳng định, lịch sử sẽ còn nhắc nhớ đến đại dịch này như mộtchương không thể nào quên với tất cả thương đau, nhưng cũng tỏa sáng tinh thần trách nhiệm, với đức hy sinh, tình thương yêu cao cả của con người.

Tuy nhiên, đại biểu Thắng cũng chỉ ra rất nhiều bất cập phát sinh, từ việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch, đến các chính sách cách ly người nghi nhiễm hay việc thực hiện chính sách hỗtrợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội

“Tại sao một bộ phận nhân dân có nhu cầu và điều kiện để sẵn sàng trang trải chi phí dịch vụ để được chọn nơi cách ly, chữa bệnh tốt hơn lại chưa được đáp ứng. Tại sao một bộ phận người dân có điều kiện lại không có cơ hội để từ chối nhận gói hỗ trợ? Tại sao các cơ sở y tế tư nhân các cơ sở y tế công lập, đội ngũ y bác sĩ lại quá sức, quá mỏng trong cuộc chiến chống dịch Covid này...?” - ông Thắng đặt ra hang loạt câu hỏi, để rồi kết thúc bằng một câu hỏi có tính bao quát: “Chúng ta đang thiếu nguồn lực hay còn thiếu cả cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp?”.

Từ góc nhìn của một người trong ngành, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) yêu cầu phải xem lại thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở. “Chúng ta phải có phân bổ như thế nào để thực sự đáp ứng với quy mô dân cư chứ không phải là chỉ trên vấn đề là phân chia về địa lý” – bà Lan yêu cầu.

Hạn chế của y tế cơ sở, theo nữ đại biểu, không chỉ là vấn đề về tiền, mà còn là vấn đề về nhân lực. “Chúng ta có cái bệnh viện chưa đến mức là bệnh viện, chúng ta có trung tâm y tế dự phòng què quặt và chúng ta có phòng y tế chỉ làm được công việc hành chính” - đại biểu nêu thực tế.

Vẫn là “góc nhìn nội bộ”, đại biểu Lan chỉ ra dịch bệnh là “phép thử” với công tác điều trị, “chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết, chúng ta chỉ tập trung vào phòng, chống dịch Covid là không đủ”. Từ cảnh báo này, đại biểu của TPHCM day dứt: “Tất cả những gì chúng ta đã phải trả giá trong thời gian vừa qua chính là hệ quả để lại, khi mà hệ thống y tế của chúng ta chưa đủ mạnh. Mà chưa đủ mạnh thì bên cạnh lỗi chủ quan của mỗi người còn có lỗi của chủ trương, của chính sách”.

Bất cập xã hội khác, được đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) phản ánh, đó là đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ vào khu vực phía Nam, mà ở đó tình trạng chuyển dịch lao động từ các tỉnh, thành phố lớn về nông thôn đang làm phát sinh nguy cơ mất cân đối về cung - cầu lao động.

Chưa hết, đại biểu phân tích, khu vực này hiện đang phải đối diện với thực trạng dịch bệnh tái bùng phát ở mức độ cao hơn bên cạnh nhiều thách thức lớn khi cùng lúc phải xử lý, giải quyết những vấn đề khó về kinh tế, y tế, giáo dục, lao động, việc làm cũng như về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, biến đổi khí hậu...

Cũng từ Vĩnh Long, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của đại dịch Covid-19 đến quyền trẻ em, nhóm người yếu thế.

Và quyết đáp từ Quốc hội

“Thay đổi tư duy” trong chống dịch là cụm từ được Thủ tướng Chính phủ không ít lần nhắc đến. Nhưng “thay đổi tư duy” không phải chỉ là lời nói mà đã được thể hiện bằng các chính sách cụ thể và được hiện thực hóa bằng hành động. Và để đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự đồng tâm.

Bằng chứng cho sự đồng tâm ấy là những quyết sách quan trọng được ban hành từ cơ quan quyền lực tối cao, với mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của nhân dân. Nhân dân - vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu bảo vệ trong cuộc chiến gian nan này.

Nhìn lại nội dung nhiều nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua sẽ thấy rõ điều đó. Chưa bao giờ mà các yêu cầu phòng, chống dịch “phủ bóng” nhiều đến thế trong các văn bản của Quốc hội, từ yêu cầu thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đến việc đề nghị hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống dịch; từ nhắc nhở về sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế đến khuyến nghị có kế hoạch để chủ động về vắc-xin và thuốc điều trị bệnh Covid-19...

Quốc hội bấm nút thông qua nhiều quyết sách quan trọng

Căn cứ từ thực tiễn, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch Covid-19, củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng. Quốc hội cũng không quên yêu cầu thực hiện khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch.

Đáng chú ý, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã giao Chính phủ, trên cơ sở tổng kết công tác phòng, chống dịch thời gian qua, kinh nghiệm quốc tế và những bài học đắt giá đúc kết được, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch.

Trong chiến lược tổng thể mà lãnh đạo Quốc hội đề cập đến có kế hoạch phân bổ, sử dụng vắcxin nói chung và cho người cao tuổi, nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp việc tiêm vắc-xin cho trẻ em; có việc xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, tuyệt đối không để lúng túng, bị động, bất ngờ với những tình huống mà theo ông, có thể còn phức tạp hơn so với thời gian trước đây.

Với kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển. Việc rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trường học cũng là các yêu cầu cấp thiết được Quốc hội đặt ra...

Rõ ràng, có rất nhiều vấn đề từ thực tiễn chống dịch Covid-19 đã được các đại biểu phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng, qua đó xây dựng, hình thành các chính sách. Thực tiễn đã cho thấy, để có được thành quả “cơ bản kiểm soát dịch bệnh” hiện nay đã có nhiều mất mát, hy sinh, trả bằng giá đắt. Vì thế, để tiến về phía trước với niềm tin và sự quyết tâm, cần thiết phải “sốc lại hành trang” mà ở đó các quyết đáp của Quốc hội là “hành trang” không thể thiếu.

NÂNG MỨC ĐỂ LẠI CHO NGÂN SÁCH TPHCM LÊN 21%

Sau 16,5 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Kỳ họp này, theo nhìn nhận của Chủ tịch Quốc hội, “dù rút ngắn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng”. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 2 luật cùng nhiều nghị quyết quan trọng; xem xét, cho ý kiến 5 luật khác.

Bên cạnh việc dành 2,5 ngày chất vấn Thủ tướng và 4 Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.

Đặc biệt, với Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 đã được thông qua trước phiên bế mạc, Quốc hội đồng ý để lại thêm 3% cho ngân sách TPHCM (từ 18% lên 21%). Giải trình nội dung này trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủyban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phản ánh, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị xem xét tăng tỷ lệ để lại cho một số địa phương có điều tiết về NSTW bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Hồi đáp các ý kiến này, UBTVQH cho biết, theo quy định của Luật NSNN, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng tỷ lệ điều tiết về NSTW. Tuy nhiên, một số địa phương có điều tiết về NSTW, nhu cầu chi lớn về hệ thống hạ tầng đô thị, phải tự đảm bảo các chế độ chính sách mới tăng thêm trong thời kỳ ổn định ngân sách và đảm bảo cho cả số dân ngoại tỉnh đến học tập, làm việc và sinh sống trên địa bàn.

Vì vậy, để bảo đảm nguồn lực cho các địa phương này, Chính phủ đã trình Quốc hội dành 16.748 tỷ đồng hỗ trợ 10 địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cụ thể, TPHCM được tăng tỷ lệ để lại cho NSĐP thêm 3% (từ 18% lên 21%) để có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng vai trò đầu tàu của nền kinh tế.Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021 tỷ lệ điều tiết là 35%; năm 2022 nếu tính theo đúng định mức còn 29%, giảm 6%. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho thành phố Hà Nội, tỷ lệ để lại cho NSĐP sẽ chỉ giảm 3%.

Bình Dương giữ tỷ lệ điều tiết 36%. Các địa phương còn lại (gồm cả Hà Nam và Ninh Bình), hỗ trợ bảo đảm tỷ lệ điều tiết về NSĐP giảm không quá 9% so với giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Phú Cường, dự phòng NSTW năm 2021 cũng đã hỗ trợ một số địa phương chi cho công tác phòng chống dịch, như TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... Vẫn theo ông Cường, việc xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho các địa phương năm 2022 xây dựng trên cơ sở thực tế phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19, chỉ áp dụng cho năm ngân sách 2022. Từ năm 2023 căn cứ tình hình thực tế sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang