Thúc đẩy phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế

Thứ Bảy, 13/11/2021 09:52

|

(CAO) Cùng với đó, Nghị quyết định hướng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, xây dựng mạng lưới đô thị vùng tạo động lực cho phát triển, tăng cường liên kết với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ.

Với tỷ lệ tán thành 92,18%, sáng nay (13/11) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

Nêu một số mục tiêu quan trọng, Nghị quyết yêu cầu bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH 

Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nghị quyết cũng yêu cầu bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%.

Trong định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050, Nghị quyết nêu rõ sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh, hoàn thành mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Vẫn theo Nghị quyết, không gian sử dụng đất được phân bổ dựa trên tiềm năng của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế hành lang kinh tế ven biển và 06 vùng kinh tế - xã hội, bảo đảm cân đối được yêu cầu an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; bảo đảm cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.

Định hướng không gian sử dụng đất theo vùng lãnh thổ cũng đã được xác định rõ tại nghị quyết này.

Với vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết xác định nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Thúc đẩy phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế; phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TPHCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á; tập trung phát triển cảng biển Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển container trung chuyển quốc tế; xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái đạt hiệu quả cao về xã hội và môi trường; bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn.

Nghị quyết định hướng vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản; phát triển chuỗi giá trị về nông nghiệp đối với 03 sản phẩm chủ lực của vùng về thủy sản, trái cây và lúa gạo; vùng trọng điểm về trồng lúa tại khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên; vùng trồng cây ăn quả ven sông Tiền, sông Hậu và khu vực cù lao; vùng nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển từ Tiền Giang đến Hà Tiên.

Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, xây dựng mạng lưới đô thị vùng tạo động lực cho phát triển, tăng cường liên kết với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, kết nối nội vùng và liên vùng, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thuỷ lợi, đê điều…

Tại nghị quyết, Quốc hội yêu cầu công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Nghị quyết cũng nêu rõ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất.

Về chính sách, thể chế, yêu cầu tại nghị quyết là Sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan (trong đó có chính sách về tài chính đất đai) để bảo đảm sự đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai. Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội.

Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tạo không gian cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, tạo quỹ đất ở vùng phụ cận dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn để đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu từ đất đai.

Bình luận (0)

Lên đầu trang