F0 trên địa bàn TPHCM đang tăng và nhiều hơn số liệu thống kê

Thứ Bảy, 13/11/2021 16:54

|

(CAO) Phát biểu tại cuộc họp giao ban sáng 13/11 với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và góp ý dự thảo của UBND TP về triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, dựa trên đánh giá tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây, có thể thấy, số F0 trên địa bàn TP đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê.

Tỷ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong tăng nhẹ

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy cho biết, mặc dù đã phát hiện các ca dương tính qua tầm soát tại bệnh viện, xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm nhưng chúng ta không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng.

Qua phân tích của Sở Y tế tại cuộc họp, tỉ lệ F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ là trên 90%, riêng tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện.

“Nếu tình trạng này cứ kéo mãi thì không ổn. Do đó, từng địa bàn cần tính toán lại con số này để có phấn đấu, điều chỉnh bằng hành động” Bí thư Thành ủy lưu ý.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp

Từ diễn biến trên, theo lãnh đạo Thành ủy nhận định, tình hình F0 hiện tại của TPHCM đang tương tự thời kì đầu TP thực hiện Chỉ thị 10 (cuối tháng 6/2021), khá giống tình trạng Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8 cũng như xu hướng diễn biến của dịch bệnh của thế giới hiện nay.

Tức là, nhiều nước dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vắc xin tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát. Do đó, các địa phương cần lưu ý và nhìn lại để có tính toán hợp lý.

Bàn về lý do khiến số lượng F0 gia tăng, Bí thư Thành ủy cho biết, nguyên nhân thấy rõ nhất là TP không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát và kéo giảm như mong muốn.

Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát,… Vì vậy, Sở Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá. Riêng các địa phương khi phát hiện F0 phải điều tra nguồn lây để có biện pháp kéo giảm.

Trước diễn biến dịch bệnh như hiện tại, có 2 vấn đề buộc TP phải suy nghĩ. Thứ nhất, số lượng F0 có thể tăng đến mức độ nào? Thứ 2, tỉ lệ ca tử vong TP có thể chấp nhận là bao nhiêu?

Bí thư Thành ủy cho rằng, so với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 10, TPHCM đã có tỉ lệ phủ vắc xin cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, chính quyền TP không được vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra ngoài cộng đồng. “Nếu từng người dân đều chủ quan thì sẽ dẫn đến hậu quả”, ông nhấn mạnh.

Hiện tại, mục tiêu chính của chúng ta là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi phát triển kinh tế, xã hội; phục hồi đời sống, sinh hoạt của cộng đồng. Trong đó, việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân được đặt lên trên hết.

“Quan điểm quốc gia là thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả. Làm như thế nào, thích ứng linh hoạt ra sao cho an toàn và hiệu quả, đó cũng là thử thách”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết.

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy hoan nghênh Ban chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là địa phương đã bám sát các chỉ đạo của cấp trên. Ngành y tế cũng được đánh giá cao về tính chủ động, quyết tâm hành động và hành động quyết liệt, tạo ra những sản phẩm, hành động cụ thể.

Riêng 2 địa phương được giao nhiệm vụ thí điểm, lãnh đạo Thành ủy cho rằng, quận 7 và TP Thủ Đức đã mang tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết tâm và có những sáng kiến, sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Huy động sức mạnh các nguồn lực công, tư, thiện nguyện

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu, tất cả các quy định, Nghị quyết, Chỉ thị, chủ trương, chính sách từ cấp trên phải được cụ thể thành các văn bản, trong đó nêu rõ quy định, tiêu chí, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của từng cá nhân, đơn vị. Nhờ vậy, mỗi người đều biết ai phải làm gì, làm tới đâu và làm như thế nào.

Cụ thể, tại các cơ sở kinh doanh, cần có bộ tiêu chí kiểm soát cụ thể, quy định rõ ràng chủ cửa hàng phải làm gì, khách đến cửa hàng kiểm soát ra sao, mình giám sát như thế nào, khi vi phạm sẽ xử lý những gì,… Từ đó, mỗi người biết được nhiệm vụ của bản thân để làm đúng và chấp hành.

Về củng cố hệ thống y tế, Bí thư Thành ủy đề nghị Sở Y tế tiếp tục hoàn thiện các quy định, kịp thời báo cáo với cấp trên. Trong đó, cần đề cập chế độ chính sách trạm y tế, tổ y tế cộng đồng; phương án huy động sức mạnh các nguồn lực công, tư, thiện nguyện; quy định rõ về vắc xin, xét nghiệm, thuốc, đường dây nóng, công tác thu dung điều trị;…

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn F0 tại nhà cần được thực hiện rõ ràng, giúp người dân hiểu nên làm gì khi biết bản thân nhiễm bệnh. Các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra số F0 đang điều trị tại nhà để quản lý và hỗ trợ.

Trước thực trạng ngành y tế phải bàn giao lại trường học cho các cơ sở giáo dục dẫn đến việc thu dung khó khăn, địa phương cần tính toán phục hồi lại các bệnh viện dã chiến. Bởi, số F0 là lao động tự do, sinh sống tại khu nhà trọ không có điều kiện cách ly tại TPHCM còn rất nhiều.

Đối với công tác truyền thông, việc này phải gắn với kiểm tra, giám sát, quản lý chặt và củng cố. Công tác truyền thông phải chặt chẽ và nhạy bén. Báo chí nên phân công đến từng địa bàn để lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, lãnh đạo Thành ủy yêu cầu, nhóm thuộc về kinh tế xã hội cần quan tâm, bám sát đời sống, nhu cầu thực tế của người dân, đặt người dân là mục tiêu, trung tâm để phục vụ. Từ đó, tạo thuận lợi trong đời sống, sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng.

Chính quyền quản lý cần tìm cách đáp ứng nhu cầu nêu trên. Tuy nhiên, cần đáp ứng ra sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngành y tế, công an cần có góp ý kịp thời để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ban Chỉ đạo cấp quận, huyện có nhiệm vụ cụ thể hóa công việc của mình, cần đặt ra tình huống, sức chống chịu của đơn vị bằng cách đưa ra nhiều kịch bản khác nhau. Theo Bí thư Thành ủy, để hạn chế, kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những biện pháp quan trọng, hàng đầu.

“Đây là thử thách đối với chúng ta trong giai đoạn này. Tôi tin tưởng các đồng chí trong quá trình thực hiện phải có sáng kiến, sáng tạo, luôn nghĩ tới trách nhiệm để hoàn thành, phân công cụ thể, điều hành bài bản và thực hiện có hiệu quả”, người đứng đầu Thành ủy kì vọng.

Chăm lo cuộc sống F0, F1 cũng như những người trong gia đình

Tiếp thu ý kiến của Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, tất cả mọi việc cần phải được cụ thể hóa. Quy định rõ ràng, giao nhiệm vụ cụ thể, công tác thông tin - truyền thông đủ chiều rộng và chiều sâu.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức phát biểu tại cuộc họp

Về Y tế, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và trình UBND TP các quy định. Trong đó, trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với F0 cần được rõ ràng. Đồng thời, cũng cần quan tâm, chăm lo toàn diện đến cuộc sống F0, F1 cũng như những người trong gia đình.

Những vấn đề liên quan các mối quan hệ tạo ra nguồn lây lớn cũng cần được đánh giá kĩ lưỡng. Lấy ví dụ về tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Cần Giờ, trên thực tế giám sát và làm việc với địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, tình hình chưa đến mức căng như màu cam mà huyện này đang được đánh giá.

"Nếu thực hiện tốt các quy trình, những F0 ghi nhận ở huyện Cần Giờ liệu có thực sự thuộc về huyện này hay không? Bởi lẽ, phần lớn các trường hợp trên được xác định tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, sau đó báo về cho huyện và chuyển về địa phương quản lý", từ nhận định này, lãnh đạo UBND TP đề nghị Sở Y tế nghiên cứu, hướng dẫn kỹ lưỡng các đơn vị, địa phương và có phân tích, đánh giá lại cho chính xác.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo, Sở Y tế cùng một số bộ phận khác để phân tích thông tin trên các kênh truyền thông. Đồng thời, lấy ý kiến các chuyên gia để truyền thông theo cách thức phù hợp nhằm tạo ra những thông tin vừa đúng vừa mang lại lợi ích trong công tác phòng, chống dịch của TP.

Đề xuất hàng quán trên toàn TPHCM được bán thức uống có cồn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang