Quốc hội sẽ họp chuyên đề để linh hoạt giải quyết các vấn đề cấp bách

Thứ Bảy, 13/11/2021 14:40

|

(CAO) Phiên họp diễn ra nhằm xem xét, xử lý linh hoạt các vấn đề cấp bách đặt ra từ yêu cầu thực tiễn.

Sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 sáng nay (13/11), dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo thông tin kết quả kỳ họp.

Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội nhận được đề nghị đánh giá về những đổi mới và thành công của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Nêu quan điểm, ông Cường nhận định, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.

Toàn cảnh buổi họp báo

“Kết quả của phiên chất vấn này sẽ là tiền đề quan trọng để cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động giám sát tối cao thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn” - ông Cường nhìn nhận.

Theo ông Cường, qua theo dõi, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội. Phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia giải trình, làm rõ nội dung đều đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 2 luật cùng nhiều Nghị quyết quan trọng; cho ý kiến 5 dự án Luật khác.

Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến các vấn đề thuộc lĩnh vực các bộ phục trách. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020; xem xét các Báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Vẫn tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét các Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021...

“Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn, có trọng tâm, trọng điểm, có định lượng cụ thể để giao cho các cơ quan chức năng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết, giám sát hậu chất vấn và phải có giải trình rõ ràng” - ông Cường nói.

Chỉ ra điểm mới của kỳ họp này là phiên chất vấn có sự kết hợp cả hai hình thức chất vấn trực tiếp và chất vấn trực tuyến, ông Cường so sánh, các kỳ họp trước đây chỉ có hình thức chất vấn trực tiếp tại Hội trường.

“Từ kinh nghiệm này, trên cơ sở tiếp tục xem xét và hoàn thiện những yêu cầu của chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát hậu chất vấn, Quốc hội vừa thích ứng linh hoạt, vừa đảm bảo yêu cầu và có những đổi mới, qua đó cho thấy Quốc hội luôn bắt nhịp hơi thở cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó” – Tổng Thư ký Quốc hội bình luận.

Đề cập đến phiên họp chuyên đề của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ có phiên họp chuyên đề dự kiến vào cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu tháng 1/2022.

“Văn phòng Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật” – ông Cường cho biết và khẳng định, nếu Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đầy đủ theo quy định pháp luật, đặc biệt đảm bảo chất lượng thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức phiên họp chuyên đề này, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Điều này, theo ông Cường, cũng nằm trong quá trình hoàn thiện Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhất là nội quy kỳ họp.

“Nếu tổ chức phiên họp chuyên đề vào tháng 12 tới thì năm nay sẽ có 4 kỳ họp, như vậy Quốc hội sẽ linh hoạt hơn để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra” - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhìn nhận.

Theo ông, nếu chỉ tổ chức kỳ họp 6 tháng 1 lần, với nhiều vấn đề cần giải quyết theo thẩm quyền của Quốc hội thì có thể sẽ làm chậm tốc độ phát triển của đất nước. Vì lẽ đó, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, việc linh hoạt tổ chức kỳ họp như hiện nay là cần thiết và hợp lý.

Trước phần hỏi – đáp tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn đã thông tin đến báo chí về kết quả kỳ họp.

Theo đó, trong 16,5 ngày làm việc, với 2 đợt họp kết hợp giữa trực tuyến và tập trung, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình đề ra.

“Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ các đại biểu Quốc hội là người đại diện của Nhân dân, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân giám sát chặt chẽ” – ông Tuấn nhận định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang