Quốc hội đồng ý tăng tỷ lệ để lại cho ngân sách TPHCM lên 21%

Thứ Bảy, 13/11/2021 11:51

|

(CAO) Tỷ lệ để lại cho ngân sách TPHCM tăng từ 18% lên 21%. Nguồn lực này sẽ giúp TP phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng vai trò đầu tàu của nền kinh tế.

Chốt tổng chi năm 2022 là 1.087.032 tỷ đồng

Tại Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 được thông qua sáng 13/11, Quốc hội đã quyết định tổng số thu và chi ngân sách trung ương năm 2022.

Theo đó, tổng thu ngân sách trung ương là 739.132 tỷ đồng, tổng thu ngân sách địa phương là 672.568 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày dự thảo Nghị quyết

Tổng chi ngân sách trung ương là 1.087.032 tỷ đồng, trong đó dự toán 359.982 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Trước đó, báo cáo giải trình về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phản ánh, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị xem xét tăng tỷ lệ để lại cho một số địa phương có điều tiết về NSTW bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Về việc này, ông Cường cho biết, theo quy định của Luật NSNN, sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng tỷ lệ điều tiết về NSTW. Tuy nhiên, một số địa phương có điều tiết về NSTW, nhu cầu chi lớn về hệ thống hạ tầng đô thị, phải tự đảm bảo các chế độ chính sách mới tăng thêm trong thời kỳ ổn định ngân sách và đảm bảo cho cả số dân ngoại tỉnh đến học tập, làm việc và sinh sống trên địa bàn.

Vì vậy, để bảo đảm nguồn lực cho các địa phương này, Chính phủ đã trình Quốc hội dành 16.748 tỷ đồng hỗ trợ 10 địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cụ thể, TPHCM được tăng tỷ lệ để lại cho NSĐP thêm 3% (từ 18% lên 21%) để có thêm nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng vai trò đầu tàu của nền kinh tế.

Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2021 tỷ lệ điều tiết là 35%; năm 2022 nếu tính theo đúng định mức còn 29%, giảm 6%. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho TP. Hà Nội, tỷ lệ để lại cho NSĐP sẽ chỉ giảm 3%.

Bình Dương giữ tỷ lệ điều tiết 36%. Các địa phương còn lại (gồm cả Hà Nam và Ninh Bình), hỗ trợ bảo đảm tỷ lệ điều tiết về NSĐP giảm không quá 9% so với giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, dự phòng NSTW năm 2021 cũng đã hỗ trợ một số địa phương chi cho công tác phòng chống dịch, như TPHCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…

Vẫn theo ông Cường, việc xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho các địa phương năm 2022 xây dựng trên cơ sở thực tế phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, chỉ áp dụng cho năm ngân sách 2022; từ năm 2023 căn cứ tình hình thực tế sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Bố trí 842,5 tỷ đồng cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Qua Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết

Đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách xác định được nhiệm vụ nhưng chưa đủ cơ sở để phân bổ, Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, phân bổ cụ thể theo đúng quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng được giao quy định cụ thể việc thu, nộp và sử dụng phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô thống nhất trong cả nước, bao gồm cả đường bộ thuộc Trung ương quản lý và đường bộ thuộc địa phương quản lý; thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỷ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ.

Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Nghị quyết cũng quy định năm 2022, bố trí 842,5 tỷ đồng cho Bộ Công an để chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và 1.966 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ này từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông do ngành Công an thực hiện.

Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ số bổ sung có mục tiêu, bảo đảm công bằng, hiệu quả giữa các địa phương.

Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Hướng dẫn tiết kiệm tối thiểu 15% chi thường xuyên ngoài chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương và các khoản chi trực tiếp cho con người đối với các cơ quan hành chính nhà nước đang được áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của đơn vị theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước.

Chính phủ cũng được giao xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022) của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 1/3/2022.

Bình luận (0)

Lên đầu trang