Khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023: Tăng cường năng lực nội sinh, tạo động lực tăng trưởng

Thứ Ba, 19/09/2023 10:03

|

(CAO) Từ thực tế qua các cuộc khủng hoảng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định, bền vững...

Vượt “cơn gió ngược”

450 đại biểu đã có mặt tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 sáng nay (19/9) để cùng tìm giải pháp “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Được tổ chức thường niên, Diễn đàn là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, nhiệm kỳ 2021-2025 đã đi qua nửa chặng đường trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều nước trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng âm, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 cũng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2021, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nhận diện rõ thực trạng, dự báo các nguy cơ và kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, các Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo nên động lực, củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để hiện thực hóa những chủ trương, đường lối sáng suốt của Đảng, góp phần đưa Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.

“Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong hơn 10 năm qua. Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế…” – Chủ tịch Quốc hội khái quát.

Tiếp nối những thành công của Diễn đàn năm 2021, nhiều đề xuất, gợi mở chính sách tại Diễn đàn Kinh tế -Xã hội 2022 đã được nghiên cứu, chọn lọc kịp thời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thăm quan gian trưng bày giới thiệu về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội

“Nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện” – ông Huệ khẳng định.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

Sức chịu đựng của doanh nghiệp đã bị bào mòn

Ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được thời gian qua, nhưng Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm. “Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Đáng chú ý, nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực lớn từ bên ngoài.

“Đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo” – ông Huệ cảnh báo.

Quang cảnh phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023

Trong nước, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra. Dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng.

Thị trường lao động gặp khó khăn khi doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm ca. Trong nước chưa có nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, quy mô lớn đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tổ chức các chuỗi cung ứng, hệ sinh thái sản xuất nội địa.

Doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ sản xuất thấp, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào.

Năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế và ngày càng bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết trước tác động bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

Nhấn mạnh các vấn đề trên vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023. (Ảnh: TTXVN)

Từ thực tế qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội khẳng định tầm quan trọng và vai trò quyết định của nội lực, tính tự chủ trong phát triển kinh tế.

Ông nêu rõ, tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định, bền vững, giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, chống chịu trước các cú sốc, khủng hoảng từ bên ngoài, đồng thời giúp nền kinh tế tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.

“Một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài” – Chủ tịch Quốc hội nhắc lại và cho rằng chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các diễn giả và đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận thật ngắn gọn, tập trung, đi thẳng vào các nội dung cốt lõi và trọng tâm, đề xuất những giải pháp cụ thể và thiết thực.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 diễn ra trong 1 ngày với phiên khai mạc, phiên thảo luận toàn thể và 2 phiên chuyên đề.

Ngoài điểm cầu chính ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Diễn đàn còn kết nối với sáu điểm cầu của các học viện, trường đại học trong nước.

Gợi ý thảo luận, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các phiên thảo luận tại Diễn đàn cần tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn, cụ thể là dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo?

Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay thực sự là như thế nào? Dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025?

Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025?

Bình luận (0)

Lên đầu trang