TPHCM: Người dân nào chưa nhận hỗ trợ, thông tin ngay để được nhận

Thứ Năm, 05/08/2021 19:24

|

(CAO) Với nguồn lực của ngân sách nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và nguồn xã hội hóa, người dân TPHCM có thể yên tâm, ai chưa nhận hỗ trợ có thể thông tin đến các kênh để được nhận hỗ trợ từ TP.

Chiều 5/8, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo trực tuyến cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Tại điểm cầu Thành uỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi chủ trì họp báo. Chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP có Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức và Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Lê Văn Minh.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP. Ảnh: Khang Minh

Các loại vắc xin đều ghi nhận tỷ lệ hiệu quả bảo vệ khá giống nhau

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, TP đang tiến hành công tác tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi sống trên địa bàn TP, bao gồm cả công dân nước ngoài.

Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ đầu đợt tiêm thứ 5 cho tới nay (không bao gồm số lượng tiêm tại các cơ quan y tế trung ương trên địa bàn TP, được cấp vắc xin trực tiếp từ Bộ Y tế), TP đã tiêm cho 1.301.662 người. Trong đó, 207.297 người trong nhóm 65 tuổi trở lên và có bệnh lý nền, 1.094.366 người ở nhóm còn lại.

Riêng trong ngày 4/8, có 184.256 người được tiêm, trong đó, 501 trường hợp phản ứng nhẹ, không có trường hợp phản ứng nặng. Số lượng tiêm chủng liên tục tăng dần trong những ngày qua.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức tại cuộc họp báo

Trả lời phóng viên về thông tin TPHCM có đề xuất Bộ Y tế cấp thêm 5,5 triệu liều vắc xin trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, TP đặt mục tiêu tối thiểu có 70% số người 18 tuổi trở lên đang sinh sống trên địa bàn.

Các vắc xin hiện đang có mặt tại TPHCM đều được Bộ y tế cấp phép lưu hành và là các loại vắc xin phải tiêm 2 mũi, tùy theo thời gian quy định về khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2. Ví dụ, Astrazenneca từ 8 -12 tuần, Pfizer từ 3 - 4 tuần, Moderna khoảng 4 tuần.

Trên số lượng đó, đến cuối tháng 8, ngoài những người sẽ được tiêm mũi đầu tiên, TP cần phải tiêm thêm 800.000 đến 1 triệu liều vắc xin Astrazeneca cho những người đã tiêm mũi 1; khoảng 200.000 người tiêm vắc xin Moderna mũi 2.

Các loại vắc xin này yêu cầu lưu trữ ngặt nghèo, từ khi rã đông cho đến lúc hết hạn sử dụng chỉ có 1 tháng, do đó Sở Y tế đã có văn bản nhắc để khẩn trương tăng tốc độ tiêm và ngày 8/8 vẫn trong thời gian an toàn của vắc xin.

“Các loại vắc xin đang cấp phép sử dụng tại TPHCM (Astrazeneca, Moderna, Pfizer, Vero Cell) đều ghi nhận tỷ lệ hiệu quả bảo vệ khá giống nhau. Theo đó, những người tiêm đủ 2 liều có thể có tỷ lệ nhỏ mắc lại COVID-19 nhưng tỷ lệ trở nặng rất thấp, tỷ lệ tử vong gần như bằng 0. Đó là lý do quan trọng để đẩy mạnh tiêm vắc xin trên toàn TP”, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Số ca tử vong tại TPHCM là 2.105 trường hợp

Theo đại diện Sở Y tế, từ 6 giờ 00 ngày 4/8 đến 18 giờ 00 cùng ngày, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP ghi nhận 2.349 trường hợp dương tính với SAR-CoV-2. Số ca nhiễm trong cộng đồng thống kê từ ngày 27/4 đến nay là 108.370 trường hợp. Trong đó, số ca nhiễm Bộ Y tế công bố (cho đến ngày 4/8) là 106.021.

Về tình hình điều trị, tính đến 7 giờ 00 ngày 5/8, tại các bệnh viện được Sở Y tế phân công điều trị COVID-19, số bệnh nhận đang điều trị là 33.378 trường hợp. Trong đó, 2.070 người bệnh đang được hỗ trợ hô hấp, 1.331 ca bệnh nặng. Trong 1.331 bệnh nhân nặng, 1.277 trường hợp thở máy, 39 người bệnh cần lọc máu và 15 ca sử dụng ECMO. Số ca tử vong tại TPHCM tính đến nay là 2.105 trường hợp (chiếm tỉ lệ 1,94%).

Hiện nay, tại TPHCM có 193 cơ sở cách ly F0, phân bố tại TP Thủ Đức và các quận huyện. Các cơ sở này đảm nhận nhiệm vụ cách ly và điều trị F0 tại tầng 1 với 53.617 giường. Từ đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19.

Theo Sở Y tế, từ tầng 2 trở đi (trong mô hình tháp điều trị 5 tầng), trên địa bàn TP có 55 cơ sở (bao gồm cả các bệnh viện ngoài công lập đã chuyển đổi công năng 1 phần hoặc toàn bộ sang điều trị COVID-19). Cụ thể, tầng 2 có 16 bệnh viện dã chiến thu dung, tầng 3 gồm 20 bệnh viện, tầng 4 có 15 bệnh viện và tầng 5 gồm 4 bệnh viện.

Thông tin về số liệu bệnh nhân đang điều trị tại các tầng, theo Sở Y tế, số bệnh nhân hiện tại của các tầng là 33.378 trường hợp. Trong đó, tầng 2 đã tiếp nhận 23.305 bệnh nhân, tầng 3 có 4.385 người bệnh, tầng 4 gồm 4.238 ca, tầng 5 đang điều trị 1.450 trường hợp.

Liên quan đến kế hoạch tổ chức liên thông chuyển bệnh giữa các tầng điều trị, Sở Y tế cho biết đã ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình trong các trường hợp mắc COVID-19 đến các bệnh viện được phân công điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo phân tầng điều trị, tầng 1 chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền; tầng 2 (điều trị các trường hợp Covid-19 có triệu chứng, và điều trị các bệnh lý nền kèm theo); tầng 3 điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp có triệu chứng trung bình và nặng; tầng 4 điều trị bệnh nhân COVID-19 có kèm bệnh lý nền nặng hoặc bệnh lý đi kèm như: bệnh thận, viêm gan, tai biến mạch máu não; tầng 5 có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch..

Triển khai hỗ trợ đợt 2 cho người dân

Thông tin tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, sau khi hoàn thành hỗ trợ đợt 1, TP đang tiến hành triển khai hỗ trợ đợt 2 cho người lao động không có giao kết hợp đồng và gặp khó khăn do COVID-19, dự kiến thực hiện trong 30 ngày với mức hỗ trợ 1 lần 1,5 triệu/người/30 ngày, số người lao động dự kiến được hỗ trợ theo thống kê là 334.192 người, dự toán kinh phí là hơn 501 tỷ đồng từ ngân sách TP.

Đối với người nghèo, cận nghèo, hộ lao động nghèo đang sống trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực bị phong tỏa, là những trường hợp gặp khó khăn do việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp 1 lần là 1,5 triệu đồng/người, trong đó nguồn từ ngân sách TP là 1 triệu, từ nguồn xã hội hóa là 500 nghìn đồng. Dự kiến có 90.585 hộ được hưởng chính sách, trong đó có 52.561 hộ nghèo và 28.024 hộ cận nghèo. “Trên thực tế, tất cả các hộ sẽ được hỗ trợ theo đối tượng chứ ko giới hạn số lượng”, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức khẳng định.

Số lượng các hộ trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu phong tỏa khoảng 170.000 hộ. Tổng kinh phí hỗ trợ dự trù là hơn 390 tỷ đồng, nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách TP là hơn 260 tỷ và kinh phí xã hội hóa là hơn 130 tỷ đồng.

Test nhanh tại nhà nếu dương tính báo ngay y tế

Hiện nay có 2 cách test nhanh là test kháng thể (lấy mẫu xét nghiệm bằng máu) và kháng nguyên (lấy mẫu xét nghiệm bằng dịch hầu).

Trong đó, test nhanh kháng nguyên phổ biến trên thị trường với cách sử dụng khá đơn giản. Người dân hoàn toàn có thể tự test tại nhà. Tuy nhiên, độ chính xác test nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu, do đó người dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi thực hiện test. B

ên cạnh đó, cần thận trọng khi mua sản phẩm test nhanh để đảm bảo chất lượng. Hiện tại, test nhanh có bán tại các cửa hàng trang thiết bị y tế hoặc hiệu thuốc được cấp phép bán trang thiết bị y tế, người dân chỉ nên mua các sản phẩm nằm trong danh mục Bộ y tế ban hành và mua ở nơi được cấp phép.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức lưu ý, khi người dân thực hiện test nhanh tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì cần bình tĩnh liên hệ ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ. Nếu âm tính thì cũng không nên chủ quan vì vẫn có xác xuất sai số nhất định, cần tiếp tục tuân thủ biện pháp 5K để đảm bảo phòng chống dịch.

Với trường hợp có triệu chứng của COVID-19, ngay cả khi test nhanh có kết quả âm tính thì vẫn cần liên lạc với cơ sở y tế để được theo dõi thêm.

Quy trình 6 bước xử lý trường hợp người tử vong

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường, căn cứ vào hướng dẫn 636 ngày 12/2/2020 và hướng dẫn 2223 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, quy trình xử lý đối với trường hợp người tử vong do bị bệnh sẽ gồm 6 bước. Tại tất cả các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế, các đơn vị đều buộc phải tuân thủ quy trình xử lý một cách nghiêm ngặt.

Trên địa bàn TPHCM, bệnh nhân tử vong do COVID-19 được hoả táng tại cơ sở Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân). Cơ sở này hiện nay hoạt động 24/24 để đảm bảo đáp ứng nhu cầu xử lý.

Về chi phí, cơ sở hoả táng Bình Hưng Hoà do nhà nước quản lý, giao cho Công ty Môi trường đô thị điều hành. Do đó, không có việc tăng giá, ngưng tiếp nhận các trường hợp có nhu cầu hoả táng.

Với trường hợp người từ vong không có người thân hoặc người thân đang ở khu phong tỏa, phần tro cốt sẽ do Công ty Môi trường Đô thị lưu giữ và thông tin về gia đình. Đơn vị này sẽ trao lại cho gia đình khi có người tiếp nhận.

“Hiện nay, trong quá trình xử lý các trường hợp tử vong do COVID-19 vẫn còn tồn tại một số bất cập. Sở đã tiếp nhận những thông tin phản ánh và đang điều chỉnh những vướng mắc cho phù hợp”, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết thêm.

Liên quan đến việc hỗ trợ hỏa táng và lưu trữ tro cốt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi thông tin thêm, chế độ chính sách hỗ trợ của TP trong phòng chống dịch COVID-19 có chế độ hỗ trợ cho người nghèo. Có thể quy định vẫn chưa đủ và bao quát hết, tuy nhiên chủ trương của TP sẽ hỗ trợ đối với những gia đình không may có người mất bằng ngân sách của TP hoặc nguồn xã hội hóa. “Đây là việc thiêng liêng, cần được làm chu đáo”, Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho biết.

2 vấn đề Ban chỉ đạo và các cấp cần tập trung

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đánh giá, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện của cơ quan các cấp và ý thức tự chấp hành của người dân đều có chuyển biến tích cực. Các hoạt động chính như giãn cách, điều trị, chăm lo người dân đã được vận hành bài bản, đi vào nề nếp, giải quyết được nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, các cộng đồng tự quản được phát huy, việc xây dựng "vùng xanh" ở các địa bàn đã có kết quả tốt. TP sẽ tiếp tục theo dõi, thúc đẩy người dân tham gia để mở rộng thêm nhiều "vùng xanh trên toàn TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi chỉ ra 2 vấn đề mà ban chỉ đạo và các cấp lưu tâm tập trung. Thứ nhất là công tác tiếp nhận điều trị, thực tế cho thấy, số lượng người cần điều trị và chuyển nặng đều tăng, trong khi nguồn lực và cơ sở vật chất có hạn, dẫn đến áp lực ngày càng lớn. Trong đó, tầng 3 và 4 của tháp điều trị là tầng chịu áp lực lớn nhất.

Để giải quyết vấn đề này, TP đang tập trung tổ chức lại, phối hợp tốt hơn, cải tiến quy trình để mở rộng không gian tiếp nhận, bên cạnh đó liên thông các tầng để tối ưu việc điều trị. Những giải pháp được cập nhật hàng ngày, không ngừng cải thiện và nâng cao năng lực tiếp nhận điều trị tại các cơ sở.

Vấn đề thứ 2 là sức ép đối với đời sống của người dân khi thực hiện giãn cách dài, các dịch vụ kinh doanh dừng hoạt động, người dân không có thu nhập hoặc tích lũy cạn kiệt. Về vấn đề này, TP đang tập trung huy động các nguồn lực và đưa ra các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh, tất cả người dân có mặt tại TP lúc này đều sẽ được hỗ trợ không chỉ 1 tuần mà nhiều tuần. TP sẵn sàng trích quỹ dự trữ để hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Bên cạnh đó, TP cũng ghi nhận những nghĩa cử cao đẹp của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện, mạng lưới an sinh xã hội đã hỗ trợ người dân với tinh thần tương thân tương ái.

“Với nguồn lực của ngân sách nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và nguồn xã hội hóa, người dân có thể yên tâm, trường hợp nào chưa tiếp nhận hỗ trợ có thể thông tin đến các kênh để được nhận hỗ trợ từ TP”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi khẳng định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang