Thay đổi tư duy chống dịch

Thứ Năm, 02/09/2021 11:50

|

(CATP) Chính phủ đang thay đổi phương pháp phòng chống dịch Covid-19, thể hiện tính năng động và sát thực tế. Chỉ một ngày sau trên cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát công tác chống dịch tại TPHCM và Bình Dương, Đồng Nai. Trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, Thủ tướng đã đi đến tận cấp phường, các đơn vị cơ sở để kiểm tra mọi hoạt động của công tác xét nghiệm, kiểm soát, dập dịch, điều trị và cả công tác an sinh từng hộ dân.

"Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh"

Tác phong sâu sát của người đứng đầu Chính phủ không chỉ để nắm bắt thông tin sinh động từ dân, từ cơ sở mà còn gửi lời cảnh báo đến các cấp phòng chống dịch cơ sở rằng chống dịch là phải đến tận người dân, bởi người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Chính gần dân, sát thực tế, Thủ tướng đã đưa ra quan điểm "các xã, phường phải là pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Phải bảo đảm cho người dân được tiếp cận hệ thống y tế nhanh nhất ngay từ cơ sở". Quan điểm và hành động ngay lập tức. Hơn 400 trạm y tế lưu động hình thành ở phường, xã tại TPHCM là một điển hình, để người dân tiếp cận y tế nhanh nhất. Các trạm y tế lưu động ở TPHCM trong hơn một tuần qua đã phát huy tác dụng tốt nhất, chăm sóc cho hơn 85.000 F0 đang điều trị tại nhà, cứu sống rất nhiều người. Đó là hiệu quả của một quyết định làm thay đổi công tác điều trị các bệnh nhân Covid-19, đặc biệt giúp giảm tải rõ rệt cho các tuyến điều trị phía trên, để dành nguồn lực cho các F0 nặng và nguy kịch, góp phần hạn chế thấp nhất các ca tử vong.

Chiều 31-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Đặc biệt, khi kiểm tra công tác ứng trực phòng chống dịch tại UBND phường Thanh Xuân Trung, trụ sở địa phương này vắng người trực, lại khuyết bí thư phường cả tháng qua. Thủ tướng đã phê bình tình trạng này trong công tác phòng dịch, trong khi địa bàn là "vùng đỏ”!

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công tác chống dịch tại Hà Nội hôm 31-8 Ảnh: TTXVN

Sáng 29-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố. Thủ tướng đã phân tích diễn biến dịch bệnh trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế, phải xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự đoán và Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên".

Đây là bước ngoặt trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch của Thủ tướng và Chính phủ khi thấy bản chất của đại dịch này, "phải sống chung lâu dài với dịch", có nghĩa là chấp nhận sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2. Đây là quan điểm khoa học, tin cậy. Virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt và vẫn đang tiếp tục sản sinh ra nhiều biến thể không lường được. Cách tiếp cận khoa học nhất vẫn phải theo phương châm vaccine + công nghệ + 5k. Chúng ta sẽ phải sống chung với virus, khi nào dịch sắp lên đỉnh, đe dọa hệ thống bệnh viện quá tải thì sẽ tiến hành phong tỏa. Còn nếu tình trạng các ca nhập viện thấp, khả dĩ không làm quá tải hệ thống y tế thì có thể từng bước mở cửa.

Các nhà lãnh đạo đang lắng nghe các nhà khoa học. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng từng phát biểu "... đếm ca mắc Covid không còn có ý nghĩa lớn..., phải tập trung điều trị, hạn chế ca tử vong...". Cách nghĩ như vậy là khoa học, thực tế, để dồn sức hạn chế các ca tử vong trong điều kiện dịch hiện nay ở TPHCM.

Kỳ vọng mở cửa

Ngày 15-9 là cột mốc mà người dân và chính quyền TPHCM đều hướng tới sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội. TP đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, từng bước mở cửa lại nền kinh tế đã "đóng băng" nhiều tháng qua. Kỳ vọng của TPHCM là phải tiêm nhanh mũi 2 để chuẩn bị "sống chung với dịch" - "sống chung với virus" như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cô Nguyễn Thị Dậu (chủ tiệm bánh Như Lan, đường Hàm Nghi, Q1) đã có những hỗ trợ đáng quý trong mùa dịch

Nếu bắt đầu tăng tốc tiêm mũi 2 ngay từ bây giờ, đến ngày 15-9 TPHCM có thể tiêm được 2 triệu liều để đạt tỷ lệ 30% dân số từ 18 tuổi trở lên và đến giữa tháng 10 có thể đạt tỷ lệ 80%. Như vậy, giả sử dịch được kiểm soát vào giữa tháng 9, TPHCM có thể bắt đầu tính các bước nới lỏng và đến giữa tháng 10, đa số hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng hoạt động trở lại khi hầu hết người dân đã tiêm 2 mũi. Thậm chí, nếu chắt chiu các kinh nghiệm của các nước mở cửa trước và đạt 80 - 90% dân số tiêm mũi 1, cũng có thể mở cửa nền kinh tế.

Sống chung có điều kiện và mở cửa từng giai đoạn tùy theo tình hình kiểm soát dịch là cách làm Chính phủ đang hướng tới để thực hiện mục tiêu kép hiệu quả nhất, khi mà nền kinh tế chúng ta đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Trong cuộc hội thảo mới đây, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN khẳng định, các nước trên thế giới đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã phủ vaccine cho toàn bộ dân số cần tiêm. Vì vậy không thể duy trì phong tỏa trong thời gian dài.

Đại diện Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng thừa nhận nhân loại sẽ phải "sống chung với đại dịch" và nền kinh tế Việt Nam cũng phải thích nghi. Tất cả cho thấy các doanh nghiệp FDI hay trong nước cũng đang tìm các biện pháp sống chung với dịch, và ưu tiên hàng đầu vẫn là tiêm phủ kín vaccine trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tiêm nhanh vaccine mũi 2 - vẫn là lối thoát duy nhất để "rã băng" cho TPHCM bước vào cuộc sống trong tình trạng bình thường mới.

Tương tự, các doanh nghiệp đầu tư ngước ngoài cũng đang lo ngại nếu phong tỏa kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư và các hoạt động sản xuất, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi mà nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đạt đỉnh. Các doanh nghiệp đang tìm cách sống chung với dịch, như với quan điểm của Thủ tướng là "phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp".

Trong cuộc họp hôm 30-8, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu rất đáng lưu ý: "Không thể TP cứ phải thực hiện Chỉ thị 16 mãi được nhưng cũng không thể nới rộng khi chúng ta chưa đủ điều kiện. Phải đủ điều kiện cần và đủ tương đối mới có thể nới rộng các giải pháp...". Điều kiện đó các nhà lãnh đạo đều thấy là phải kiểm soát được dịch bệnh khả dĩ, đặc biệt phủ vaccine cho TPHCM và các tỉnh trong tâm dịch, tiến đến phủ vaccine cả nước, đạt ít nhất 70 - 80%, để đạt miễn dịch cộng đồng. Mức phấn đấu để đạt miễn dịch cộng đồng ở TPHCM có thể là trong tháng 10 hoặc tháng 11; cả nước phải đến đầu năm 2021, với điều kiện cung ứng đủ vaccine.

Kinh nghiệm của các nước đi trước trong việc mở cửa sống chung với dịch Covid-19 là rất quý báu. Ưu thế của chúng ta là đi sau, kể cả kinh nghiệm đi sau rất hữu ích của Thái Lan.

Bình luận (0)

Lên đầu trang