Bước chân thầm lặng "sưởi ấm" làm rộn ràng xóm nhỏ đìu hiu
Trưa. Xóm vắng. Buồn thiu...
Những vũng sình nằm lỗ chỗ trên con đường mòn độc đạo, lộ ra vết tích của trận mưa lớn đêm qua. Mây đen vẫn đang lởn vởn trên bầu trời vốn đã không mấy sáng sủa suốt mấy tuần qua. Đại dịch dai dẳng khiến chính quyền thành phố vừa tăng cường siết chặt một đợt giãn cách mới, ai ở nơi nào phải ở yên nơi đó. Nhà cách nhà chỉ biết ngó mắt nhìn nhau. Xóm nhỏ thường ngày đã quạnh quẽ, giờ càng xơ xác, đìu hiu...
Dãy trọ nơi má Hường tá túc không có số nhà, má chỉ biết ở ấp 2, xã Long Thới, huyện Nhà Bè. Hai tháng rồi má nghỉ làm, "rảnh rang" vì dịch, chỉ biết quẩn quanh trong gác trọ chật hẹp, nơi có 4 bức tường là bạn. Thằng con trai duy nhất làm trên trung tâm thành phố, thường khi vẫn về thăm má hai bận mỗi tuần. Giờ, cũng đành chịu vì nơi nào mà không rào chắn, dây giăng (!).
Buổi lễ xuất quân
Rồi ai lo cho má Hường trong những ngày khốn khó? Cũng may, nhờ có chú Chiến công an xã chạy đôn chạy đáo suốt hơn tháng qua. Lúc thì bịch gạo, khi bó rau, chai mắm... nên má vẫn no bụng trong cơn dịch dã. Mà có phải mình má đâu, cả dãy trọ nghèo này, nếu không có sự nhiệt thành của lực lượng công an xã Long Thới thì khó lòng trụ nổi qua truông này.
"Cho con hỏi, nhà má Hường ở đâu?" - Chưa kịp trả lời má đã đưa một người đàn ông mặc quân phục ngành công an nhắc đến tên mình. Anh thay má trả lời: "Đây, má đây. Là má đây!". Hỏi ra mới biết, con người có tướng tá đạo mạo, giọng nói trầm ấm và rất lễ phép ấy, là đồng chí Trưởng Công an huyện Nhà Bè, thượng tá Lê Văn Hải. Má Hường mừng rơn, mừng đến mức nước mắt sụt sùi vì quá bất ngờ với sự viếng thăm không được báo trước này. Bao nhiêu nỗi lòng của người đàn bà sống neo đơn, thui thủi đối phó với dịch bệnh hiểm nguy, tự nhiên trào nước mắt.
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng phát biểu chỉ đạo tại Lễ xuất quân
Các chiến sĩ nhận lệnh tại lễ xuất quân giúp dân nghèo
Thượng tá Hải vẫn đứng đó, anh nghe hết nỗi niềm không chỉ của mỗi má Hường, và những bà con sống trong dãy trọ này một cách chăm chú. Đoạn, thượng tá Hải hỏi: "Rồi bà con có thấy chính quyền, lực lượng công an xã lo cho mình đầy đủ trách nhiệm chưa?". Nghe tới đó, tất cả cùng đồng thanh hô to: "Có!". Nhưng dịch sẽ còn phức tạp và khó lường lắm! Biết bao nhiêu để gọi là đủ với những con người sống ngụ cư bị "kẹt" trong muôn vàn khó khăn của dịch dã.
Chính vì thế, những bịch gạo, bó rau và nhu yếu phẩm thấm đẫm nghĩa tình hôm nay do đích thân đồng chí Trưởng công an huyện mang đến hỗ trợ, sẽ là cứu cánh rất kịp thời, tiếp thêm sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần để bà con vượt qua đại dịch.
"Công an TP đã có chỉ đạo rồi, sẽ không để một bà con nào bị đói và không khước từ bất cứ ai. Thiếu tới đâu thì còn công an cơ sở nắm bắt tới đó và sẽ thông báo lên Phòng PX03 CATP, Báo CATP để có phương án cứu trợ kịp thời. Mọi người chỉ cần đồng hành với chúng tôi chống dịch bằng ý thức tuân thủ các chỉ thị của TPHCM" - nghe xong, cả dãy trọ vỗ tay đồng thuận. Xóm nhỏ trong phút chốc quên đi sự buồn tẻ, nhờ được sưởi ấm bằng trái tim của những người chiến sĩ vì dân.
Chợt nhớ lại lời phát biểu của đồng chí đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc CATP trong lễ xuất quân. Chiến thắng dịch sẽ là chiến thắng của nhân dân. Mỗi cán bộ chiến sĩ phải nhớ lời Bác dạy, nếu được nhân dân hoàn toàn ủng hộ thì cuộc chiến này sẽ hoàn toàn thắng lợi.
Thượng tá Lê Văn Hải xúc động khi đọc bài viết "Quyết tâm không để dân đói" trên Báo CATP, số ra sáng 31-8
Một lòng sát cánh
Đúng như những gì mà Trưởng Công an huyện Nhà Bè đã chia sẻ, số gạo cùng nhu yếu phẩm nói trên nằm trong chương trình "Công an TPHCM - Hạt gạo nghĩa tình" mà mới đây, Ban giám đốc CATP đã chỉ đạo Phòng PX03 và Báo CATP phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an 21 quận - huyện và TP.Thủ Đức cùng vận động, điều phối để chăm lo cho người dân đang gặp khó khăn, cần hỗ trợ cấp bách trên địa bàn TPHCM trong mùa dịch.
Sáng 31-8, chương trình "Công an TPHCM - Hạt gạo nghĩa tình" đã đến với người dân huyện Nhà Bè, sau khi chương trình đã hỗ trợ cho Q12 với tổng số lượng hơn 2.000 phần gồm: 10 tấn gạo, 20 tấn rau củ quả, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế khác. Tại buổi lễ xuất quân triển khai kế hoạch chăm lo cho người dân, đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc CATP cho biết, hiện nay thành phố đang siết chặt giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đó”, người dân không thể tự mua nhu yếu phẩm phục vụ đời sống.
Đặc biệt, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì nay lại càng khó khăn hơn. "Thời điểm này có tính chất quan trọng, quyết định cho thắng lợi của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Do đó, lực lượng công an tại địa phương phải thực hiện nhiệm vụ kép là vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa tập trung rà soát, hỗ trợ kịp thời để người dân yên tâm ở nhà chống dịch", đại tá Nguyễn Thanh Hưởng nhấn mạnh.
Nghĩa tình người chiến sĩ CAND được toả sáng trong dãy trọ nghèo
Thay mặt Ban giám đốc CATP, đại tá Nguyễn Thanh Hưởng đã trao 30 phần quà trị giá 30 triệu đồng cho 30 CBCS Công an huyện Nhà Bè, trao tặng 1.800 khẩu trang cho lực lượng đang làm nhiệm vụ trên địa bàn huyện. Đồng thời, 2.000 phần quà (trong đó có 1.000 phần quà từ nguồn hỗ trợ từ Huyện ủy huyện Nhà Bè) cũng được Công an huyện Nhà Bè trực tiếp chuyển đến người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Từng túi gạo, bó rau được mang đến cho dân, không chỉ là mồ hôi công sức mà tận sâu bên trong, còn là tấm lòng hiếu nghĩa mà những người lính công an dành cho dân. Từ sự quán triệt tinh thần chỉ đạo lo cho dân chí tình, chí nghĩa của Ban giám đốc CATP, chúng tôi, những người thực hiện chương trình này nguyện sẽ tiếp tục lan toả cuộc hành trình nhân văn, để thêm nhiều người được chở che giữa muôn vàn khốn khó...
Thượng tá Lê Văn Hải, Trưởng Công an huyện Nhà Bè và các chiến sĩ Công an huyện xách gạo và nhu yếu phẩm vào tận xóm nghèo
Dẫu công tác chống dịch còn nhọc trăm bề nhưng vì hiểu được tình cảnh hiện tại của bà con thành phố, Ban giám đốc Công an TPHCM (CATP) đã liên tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, địa phương tổ chức nhiều đợt cứu trợ đến những vùng xung yếu.
Từ ngày 8-7 đến ngày 20-8, Phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị (PX03) CATP đã phối hợp cùng Báo CATP phát động chương trình "tiếp sức tuyến đầu chống dịch", quyên góp được hơn 1.000 tấn gạo, hàng trăm tấn rau, củ quả, hàng chục ngàn thùng sữa, nước và rất, rất nhiều các nhu yếu phẩm, trang thiết bị hỗ trợ chống dịch.
Sau thành công, cộng với ý nghĩa thiết thực mang lại từ đợt vận động thứ nhất, Ban giám đốc CATP tiếp tục tin tưởng giao Phòng PX03 CATP và Báo CATP làm đầu mối phối hợp với công an ở tất cả các quận - huyện trên địa bàn thành phố, rà soát danh sách các hộ dân khó khăn về lương thực để tổ chức đợt hỗ trợ thứ hai.
Yêu cầu mà Ban giám đốc CATP đưa ra là tiếp tục phát huy, nhân rộng, có chiều sâu hơn nữa cả về mặt quy mô, tính thiết thực và ý nghĩa của kế hoạch chăm lo cho người dân lần thứ hai này, với tinh thần: "Ở đâu khó, ở đó có công an"! Từ đó, toát lên hình ảnh người chiến sỹ Công an Nhân dân vì nhân dân phục vụ, trở thành "Lá chắn thép trong công tác phòng chống dịch bệnh và là Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội". Dù trong dịch dã nguy nan thì quân - dân vẫn một lòng sát cánh!
Những anh Công an xã được dân thương
Đã 2 tháng nay, Trung tá Đoàn Văn Sang, Trưởng Công an xã Long Thới (huyện Nhà Bè) chưa được gặp mặt con nhỏ. Hạnh phúc ngày thường tưởng chừng đơn sơ, nhưng giờ quá đỗi cao xa. Làm sao anh có thể tìm được niềm vui riêng khi cơn đại dịch vẫn đang hoành hành và người dân trên địa bàn anh quản lý còn đang chới những nỗi lo? "Dịch dã đau thương, đồng đội còn vất vả ngoài chốt trực, người dân còn đang gồng gánh lo toan thì mình còn trách nhiệm" - trung tá Sang bộc bạch.
Tính từ đầu dịch tới giờ, xã Long Thới do anh quản lý có đến 552 ca F0, tổng cộng 46 khu bị phong toả (đến nay đã gỡ phong toả, còn lại 15 điểm với hơn 500 hộ dân vẫn đang kiểm soát chặt). Khối lượng công việc và áp lực dành cho lực lượng công an xã là rất lớn, bởi đây chính là lực lượng bám sát trực tiếp với dân và theo sát những biến động liên tục, khó lường trong đường đi của "con virus nguy hiểm".
Trung tá Đoàn Văn Sang
Phải "lánh" mặt vợ con nhưng dân thì luôn gần để nắm bắt tình hình, từ đó chủ động tính toán phương án hỗ trợ, chăm lo, bảo vệ... Từ khi TPHCM áp dụng các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội, lực lượng công an xã được giao thêm nhiệm vụ khá đặt biệt là... làm "shipper", đi chợ giúp dân. Ấy vậy, nhờ sự chịu khó, chân thành, anh em Công an xã Long Thới luôn được dân thương! Chiều 31-8, khi đoàn tặng quà chúng tôi chuẩn bị rời đi, thấy má Hường bịn rịn, chúng tôi hỏi bâng quơ: "Trong số các anh công an này, má quý ai nhất?". Không chần chừ, má chỉ tay về trung tá Đoàn Văn Sang. Khoảnh khắc ấy chúng tôi hiểu rằng, sống với dân, được dân thương, dân quý, chỉ cần bấy nhiêu là đủ!
Trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, Công an xã Long Thới còn có thêm tấm gương khác, anh được người dân yêu quý hay gọi bằng một cái tên thân thương là "anh đại uý bao đồng": đồng chí đại úy Nguyễn Văn Nhãn. Đại uý Nhãn xưa nay vốn giỏi công tác dân vậ nên khi dịch đến, hiểu được gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền của mỗi nhà, đại uý Nhãn đã phát huy tốt thế mạnh của mình, cất công vận động mạnh thường quân quyên góp lo cho nhiều bà con trên địa bàn.
Nghe tin ở xã có anh Tiền Văn Quang (SN 1983; tạm trú ở ấp 1) bị bệnh ung thư gan, mất không đủ tiền lo hậu sự, đại uý Nhãn vừa bỏ tiền túi, vừa vận động thêm các Mạnh thường quân đóng góp lo chi phí hỏa táng, rồi vận chuyển người đàn ông xấu số về quê ở đất mũi Cà Mau chôn cất. Tấm lòng nhân hậu của người chiến sỹ công an Nguyễn Văn Nhãn được người dân trên địa bàn xã Long Thới không ngớt ngợi khen.