Dẫu công tác chống dịch còn nhọc trăm bề nhưng vì hiểu được tình cảnh hiện tại của bà con thành phố, Ban giám đốc Công an TPHCM (CATP) đã liên tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, địa phương tổ chức nhiều đợt cứu trợ đến những vùng xung yếu.
Từ ngày 8-7 đến ngày 20-8, Phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị (PX03) CATP đã phối hợp cùng Báo CATP phát động chương trình “Tiếp sức tuyến đầu chống dịch”, quyên góp được hơn 1.000 tấn gạo, hàng trăm tấn rau, củ quả, hàng chục ngàn thùng sữa, nước và rất rất nhiều các nhu yếu phẩm, trang thiết bị hỗ trợ chống dịch.
Sau thành công của chương trình, cộng với ý nghĩa thiết thực mang lại từ đợt vận động thứ nhất, Ban giám đốc CATP tiếp tục tin tưởng giao Phòng PX03 CATP và Báo CATP làm đầu mối phối hợp với công an ở tất cả các quận – huyện trên địa bàn thành phố, rà soát danh sách các hộ dân khó khăn về lương thực để tổ chức đợt hỗ trợ thứ hai, với tinh thần: “Ở đâu khó, ở đó có công an”!
Khi dân quý, dân tin…
Người đầu tiên mà Báo CATP gọi đến xin gạo cho dân trong đợt vận động thứ nhất là cô Nguyễn Thị Dậu (chủ tiệm Bánh Như Lan, đường Hàm Nghi, Q1). Tới lần quyên góp này, người tiên phong cũng xướng tên cô Dậu! Bao năm gầy dựng nên thương hiệu bánh Như Lan trứ danh là nhờ thành quả của chuỗi ngày miệt mài lao động không ngơi nghỉ.
Nhưng tận tâm can người phụ này, thành công ngày hôm nay bà có được, cũng nhờ vào sự thơm thảo của thành phố nghĩa tình. Vậy nên khi nhìn thấy mảnh đất đã làm nên bà gặp hoạn nạn, bà không thể ngó lơ.
Thượng tá Mai Văn Em (Phó tổng biên tập Báo CATP) cùng Thượng tá Phạm Đình Ngọc (Trưởng CAQ12) phụ nhau sắp nhu yếu phẩm trao cho người dân
Ai là bạn đọc lâu năm của Báo CATP, hẳn sẽ hiểu rõ những gì cô Dậu đã làm cho đời. Đâu chỉ trong cơn đại dịch bà Dậu mới ủng hộ hàng trăm tấn gạo. Suốt chục năm ròng, người phụ nữ đặc biệt này đã đồng hành xuyên suốt với hành trình kết nối yêu thương của Báo CATP, từ xây hàng trăm cây cầu ở miền Tây, tới cứu trợ các đợt hạn hán, bão lũ ở miền Trung… Tin màu áo người công an, quý ngòi bút của những phóng viên nhiệt huyết, hễ nơi đâu cần, hỏi tới cô Dậu là cô phát tâm không suy nghĩ.
Nhờ thế, không biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh đã được xoa dịu nỗi đau, để đáp lại, chỉ là một nụ cười xề xoà cùng cái phất tay lia lịa hễ mỗi lần nghe chúng tôi xin viết tặng cô một bài vinh danh. “Tụi bây cứ làm đi, cô trợ sức giúp cho người ta” – cô Dậu chỉ cần có thế.
Cô Nguyễn Thị Dậu (chủ tiệm Bánh Như Lan, đường Hàm Nghi, Q1) và những hỗ trợ đáng quý trong mùa dịch
“Hà hơi tiếp sức” cùng cô Dậu cũng là một con người có tấm lòng thơm thảo vô bờ - anh Trương Sỹ Bá (Chủ tịch Tập đoàn Tân Long). Thường ngày, chúng tôi chỉ gọi anh với cái tên thân mật là anh Bá, chứ hiếm khi nào trịnh trọng như cách viết trên mặt báo hôm nay.
Người đàn ông này luôn bình dân đến khó tả. Như những tấm lòng hiệp nghĩa đã từng cùng chúng tôi giúp đời, anh luôn tin yêu những gì lực lượng công an đã hy sinh cho đất nước. Bởi vậy, khi Báo CATP ngỏ lời xin 10 tấn gạo cho người dân khó khăn và tuyến đầu chống dịch, anh thuận tình ngay 20 tấn; xin 20 tấn, anh nhân lên thành gấp đôi. Lòng tốt đã được chắp cánh để bay cao!
Tập đoàn Tân Long trao tặng gạo cho các lực lượng lượng tuyến đầu chống dịch
Cứ thế, một nhân lên mười, mười nhân thành trăm... Trong đợt vận động thứ nhất, rất nhiều Mạnh thường quân thông qua nhịp cầu thiện nguyện của Báo CATP, đã ủng hộ hơn 1.000 tấn gạo, kèm theo rất, rất nhiều rau củ, sữa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị bảo hộ… Và nay, nhờ sự hợp sức tuyệt vời của những con người tuyệt vời, sẽ tiếp tục là 300 tấn gạo cho những ai còn đang khó khăn ở khắp hang cùng, ngõ hẻm trên mảnh đất nghĩa tình này.
Nương nhau kết thành sức mạnh
Thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc CATP, sáng 28-8, Phòng PX03 CATP và Báo CATP phối hợp với Công an Q12, Sở Tài nguyên và Môi trường TP… tổ chức lễ xuất quân, phát động chiến dịch giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Đây là ngày đầu tiên những túi gạo nằm trong chương trình "Ở đâu dân khó, ở đó có công an!" được chuyển tải đến các địa phương. Tận trong tim, chúng tôi gọi đó là những “hạt gạo nghĩa tình”.
Tại lễ xuất quân, Thượng tá Lê Viết Tiệp (Trưởng phòng PX03 CATP) cho biết, trong đợt tăng cường các biện pháp giãn cách và phòng chống dịch Covid-19 mới nhất, Đảng uỷ, Ban giám đốc CATP đã chỉ đạo Phòng PX03 và Báo CATP làm đầu mối, chủ vận động hơn 300 tấn gạo để hỗ trợ cho người dân trên địa bàn thành phố.
Thượng tá Lê Viết Tiệp (Trưởng phòng PX03 CATP) tại buổi lễ xuất quân
"Ban giám đốc CATP yêu cầu công an các địa phương chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực (CSKV) rà soát và lên danh sách các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ gấp để CATP, các lực lượng chức năng có biện pháp tiếp ứng kịp thời. Chương trình nhân văn này sẽ được thực hiện lần lượt từng địa phương, đầu tiên là Q12, tiếp sau đó là H.Nhà Bè, Q.Bình Tân, TP.Thủ Đức, rồi lan toả sang các địa bàn khác" - Thượng tá Lê Viết Tiệp thông tin.
Thượng tá Lê Viết Tiệp cùng tham gia trao tặng, hỗ trợ các phần quà ý nghĩa tới người dân trên địa bàn Q.12
Tiếp tục nói về ý nghĩa trong chỉ đạo chăm lo cho dân lần này của Ban giám đốc CATP, Thượng tá Lê Viết Tiệp nhấn mạnh, thông qua kế hoạch, CATP yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, lực lượng công an địa phương, cơ sở… sẽ thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận, lan toả hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CAND trong lòng dân.
CBCS CAQ.12 mang những phần quà đầu tiên trong tổng số 4.000 phần quà gửi đến người dân có hoàn cảnh khó khăn
“Bộ Công an đã có chỉ đạo, Ban giám đốc CATP cũng đã triển khai rất cụ thể đến từng đơn vị nghiệp vụ, công an các quận – huyện và TP.Thủ Đức về việc này. Lực lượng CAND ngoài là “Lá chắn phòng, chống dịch Covid-19 và là Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, còn phải là một kênh nắm bắt những cái khó, cái khổ của từng hộ dân trong mùa dịch để phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác chăm lo tốt cho bà con mình. Kế hoạch này cũng với một tinh thần, trách nhiệm như thế: Ở đâu dân khó, ở đó có công an!” – Thượng tá Tiệp nói.
“Quân với dân như cá với nước”, dù trong thời buổi nào nào thì câu nói ấy cũng là chân lý! Đại dịch xảy đến, hoành hành hơn một năm nay khiến bao mảnh đời khốn khổ. Đó là điều chẳng một ai mong muốn. Nhưng trong cơn bĩ cực, dân khổ một thì chính quyền, bác sỹ và nhất là lực lượng công an, phải khổ gấp bội phần. Chính quyền thành phố đã làm tất cả những gì có thể để để lo cho dân. Lãnh đạo các cấp đã quá nhiều đêm mất ngủ vì trước mắt họ, đường đi của dịch vẫn còn quá phức tạp! Áp lực không thể tả hết bằng lời!
Lực lượng CAND và những hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19
Chẳng có anh công an nào “mình đồng, da sắt” tới mức không biết mệt, khi phải trân mình ngoài trời suốt nhiều tháng ròng, chịu đựng đủ nắng mưa để chống dịch! Chồng xa vợ, mẹ xa con, tới chữ hiếu cũng không tròn vì bậc sinh thành mất không kịp về chịu tang… và còn nhiều, nhiều lắm những hy sinh, mất mát vô bờ bến! Nhưng vì trọng trách với nhân dân, họ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ!
Quân - dân một lòng! Dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi
Phải hiểu rằng cuộc chiến này không của riêng ai, nên những lúc cơ hàn nhất, luôn cần sự “tương thân tương ái” của những con người hiệp nghĩa và cả sự hợp tác bằng ý thức, “chung lưng đấu cật” của toàn dân! Nếu chúng ta biết nương nhau để kết thành sức mạnh thì đại nạn dù có lớn đến đâu, cũng sẽ sớm vượt qua…
(CAO) Sáng nay (28-8), Công an quận 12,
Báo Công an TPHCM, Phòng PX03 CATP và các đơn vị phối hợp tổ chức lễ xuất quân, phát động chiến dịch giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.