Thế hệ thứ tư luôn nhớ chú Võ Văn Kiệt

Thứ Ba, 15/11/2022 15:01

|

(CAO) Những năm đầu giải phóng tôi làm công tác thiếu nhi và sau đó làm Bí thư Thành đoàn TPHCM. Lúc đó chú Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy TP và sự quan tâm của chú đối với tuổi trẻ làm chúng tôi tự nhủ - nếu được thì dành cả đời làm công tác thiếu nhi. Và đã có không ít cán bộ phụ trách Đội nghĩ như thế.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với thiếu nhi (ảnh tư liệu)

Sự chăm lo của chú đối với công tác thiếu nhi hết sức sâu sát, cụ thể. Chú và lãnh đạo TPHCM đã dành những ngôi nhà đẹp nhất để làm nơi sinh hoạt thiếu nhi, dành cả công viên riêng để thiếu nhi đến vui chơi, cắm trại, dành cả ngôi nhà chú đang ở để làm nhà trẻ. Chú đã lo cho tuổi trẻ có nhiều sách báo, thiếu nhi có tờ báo và nhà xuất bản riêng. Chú đã tham gia nhiều hoạt động của thiếu nhi và cũng thường xuyên góp giấy vụn cùng với phong trào kế hoạch nhỏ. Chú đã gặp gỡ kịp thời các em nhỏ biết giúp bạn, cứu người như Mạc Văn Sơn cõng bạn đi học, như Vũ Phương đã liều mình cứu bạn khỏi hiểm nguy trên đường ray xe lửa…

Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, Đại hội Tổng phụ trách Đội, Đại hội Thanh niên tiên tiến… được chú coi trọng như một ngày hội lớn. Chú lắng nghe và trân trọng từng gương điển hình, để ý đến từng sáng kiến. Có lần chú mời tất cả Tổng phụ trách Đội vào Hội trường Thống nhất chiêu đãi. Buffet thời đó là quá sang đối với chúng tôi. Câu nói “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán của các em” làm chúng tôi nhớ mãi.

Những năm sau này, khi chú làm Thủ tướng, có lần chú nói với tôi: Trong đời chú, làm chủ tọa nhiều hội nghị, nhiều lần ngồi ghế chủ tịch đoàn nhưng có lẽ một trong những kỷ niệm đáng nhớ là ngồi chung chủ tịch đoàn với “Bảy đầu bò”. “Bảy đầu bò” là biệt danh của Tô Ngọc Thanh – một em thiếu nhi ở Quận 4, trước giải phóng vào đời sớm, sống kiểu anh chị, trong nhóm có “đại ca’, “đại bàng”. Sau giải phóng được cuốn hút vào các hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và được trở thành Cháu ngoan Bác Hồ. Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ năm 1977 em được ngồi ghế chủ tịch đoàn cạnh chú.

Sau này khi không còn làm Thủ tướng, chú hỏi chúng tôi địa chỉ của “Bảy đầu bò”. Chúng tôi đã tìm ra, em sống trong một ngôi nhà nhỏ, trong một con hẻm nhỏ rộng chỉ 1m ở đường Bến Vân Đồn. Vậy mà chú đã đến thăm gia đình em vào năm 2003 và còn cho người tới giúp sửa chữa, chống dột, cùng giúp thêm một ít vật dụng trong nhà. Bây giờ em cũng chưa khá giả nhưng đã thành một người công dân tốt, có nhiều năm làm công tác bảo vệ cho một cơ quan, ăn mặc đồng phục đàng hoàng. Gặp em dịp Tết hay qua thông tin em cũng khoe con cái phấn đấu tốt, có đứa đã lập gia đình và luôn nói lời cảm ơn Bác Sáu.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chú Kiệt đặc biệt thương yêu, trân trọng và tìm cách phát huy người trẻ, cán bộ trẻ và luôn muốn tạo cho họ cảm giác công bằng, không để mặc cảm bởi “lý lịch” hay quá khứ lỗi lầm. Chú cho rằng “không ai chọn cửa sinh ra”, và luôn muốn đánh thức mọi tiềm năng, khát vọng trẻ, luôn muốn người trẻ hiểu rằng “giờ này là giờ nào của Tổ quốc chúng ta đây?”.

Chú luôn động viên, tạo điều kiện cho thế hệ thứ tư – những người gánh vác sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày giải phóng. Chú gửi gắm nhiều sự trân trọng, nhiều kỳ vọng và luôn mời gọi họ tham gia các công trình lớn, các đại công trường thanh niên, tham gia lực lượng thanh niên xung phong lên rừng, xuống biển… qua đó mà rèn luyện, trưởng thành. Chú xem thanh niên xung phong là lực lượng nòng cốt của đại công trường thanh niên, đó là sức mạnh đi lên làm đẹp cuộc đời, làm đẹp lòng người. Chú luôn có những cuộc gặp gỡ nói chuyện với thanh niên TPHCM, có cuộc lên đến hàng vạn người. Nhiều người trong lứa trẻ hồi ấy vẫn nhớ như in sau cuộc nói chuyện của chú với thanh niên ở Công viên Tao Đàn là cuộc hùng binh của thanh niên ra biên giới và đi đến các công trình thanh niên.

“Kính chào thế hệ thứ tư” là tất cả sự trao gửi, là thông điệp tin yêu mà chú Võ Văn Kiệt dành cho người trẻ. Và sự đáp lại đó là sức mạnh đi lên, không chỉ mang lại giá trị vật chất mà là giá trị tinh thần to lớn, là sản phẩm con người giàu lý tưởng, giàu sự hy sinh vì nghĩa lớn, là lớp lớp cán bộ trưởng thành… Giờ đây khi nhắc lại những năm tháng ấy, thế hệ thanh niên ngày ấy như trào dâng và có chung niềm cảm xúc… Đó là niềm cảm xúc lớn lao của cả một thế hệ.

Câu nói của chú Kiệt với thanh niên thành phố “không ai chọn cửa để sinh ra” có sức dung nạp lớn, đấy cũng chính là nơi gặp gỡ, hội tụ những cuộc đời, những tấm lòng, những tài năng, trí tuệ…

“Kính chào thế hệ thứ tư” – một lời chào, một sự mời gọi, thúc giục của chú đối với thế hệ trẻ sau giải phóng đã có sức rung động lớn, vừa trân trọng, vừa thân thương biết nhường nào.

Giờ đây chú đã đi xa, vậy mà lúc nào cũng thấy như chú vẫn còn đây, vẫn hồn hậu một tấm lòng, một con người đầy nhiệt huyết, đầy sự lo toan cho đất nước, cho nhân dân, cho lớp trẻ… Trong mắt của người trẻ - của thế hệ thứ tư, chú Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo, một hiền tài của thời đại Hồ Chí Minh, một con người đầy dũng khí và bản lĩnh, luôn trẻ trung, năng động trong cách nghĩ, cách làm, luôn lắng nghe và thấu hiểu, luôn ở thế tiến công và vượt qua mọi thử thách, mặt trận nào, công trình nào gắn với tên tuổi Võ Văn Kiệt đều phải chạy đua với tiến độ thời gian và chắc thắng, một con người rất tin dân và được dân tin…

Nói sao cho hết lời về chú, chỉ biết là luôn noi theo gương chú, đồng hành cùng chú Võ Văn Kiệt trên con đường lớn – con đường của nhiều thế hệ đã và sẽ tiếp tục đi, trong đó có thế hệ thứ tư – thế hệ mà chú đã từng vẫy chào, tin yêu và khích lệ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang