Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Tại báo cáo này, giải trình về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật nhằm xử lý những bất cập, vướng mắc hiện nay trong lĩnh vực y tế.
Quá trình rà soát cho thấy, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế (bao gồm cả hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế) chủ yếu là do những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định tại Nghị định 98/2021/NĐ-CP, Nghị định 54/2017/NĐ-CP, Thông tư 14/2020/TT-BYT và Thông tư 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng
Cụ thể, với mua sắm trang thiết bị y tế, Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định giá thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng, nếu giá cao hơn thì phải giải trình nguyên nhân.
“Quy định này dẫn đến bất cập là nếu bắt buộc áp dụng giá gói thầu bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng thì mặc nhiên giá năm sau phải thấp hơn giá năm trước, ngược với quy luật thị trường là giá năm sau thường sẽ cao hơn năm trước và doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận” – Bộ trưởng phân tích và chỉ ra, điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp không muốn tham dự thầu.
Để góp phần xử lý bất cập nêu trên, theo Bộ trưởng Dũng, ngoài việc sửa đổi các văn bản trên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, mua thuốc của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở y tế phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong đơn vị trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế mà không bắt buộc phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Dự luật cũng bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.
Bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được.
Quy định “Thỏa thuận khung mở” để tạo cơ sở pháp lý cho việc lựa chọn nhiều nhà thầu trúng thầu cung cấp hàng hóa, góp phần tăng tính cạnh tranh và bảo đảm khả năng cung cấp hàng hóa của nhà thầu; cho phép đàm phán giá trực tiếp với nhà sản xuất…
Dự luật còn bổ sung quy định cho phép chỉ định thầu, đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất (ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi) để mua sắm thuốc, hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh, cấp bách.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức khi thảo luận tổ đã đề nghị có một chương riêng về đấu thấu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế
Liên quan đến đề nghị bổ sung quy định cho phép nhà thầu trúng thầu cung cấp hóa chất phục vụ xét nghiệm, điều trị được cung cấp kèm theo máy chạy hóa chất đó, Bộ KHĐT nhìn nhận, việc yêu cầu nhà thầu cung cấp hóa chất, kèm theo máy chạy hóa chất đó là phù hợp, tránh tình trạng nhà thầu chào hóa chất với giá rẻ nhưng sau đó lại cung cấp máy chạy hóa chất với giá cao và ngược lại.
“Đây là nội dung có tính kỹ thuật, do các chủ đầu tư quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu và không cần thiết phải quy định trong Luật. Nội dung này sẽ được quy định trong các Thông tư hướng dẫn về Mẫu hồ sơ mời thầu” – ông Dũng giải trình.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, lãnh đạo Bộ KHĐT khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện quy định về đấu thầu mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế bảo đảm phù hợp, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh và nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là các loại hàng hóa đặc thù, đặc biệt nên cần xây dựng một Chương riêng để quy định về các nội dung này nhưng cần thiết kế đơn giản, nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng.
Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng KHĐT khẳng định dự Luật đã có một Mục riêng quy định về đấu thầu thuốc, trong đó đã có các quy định đặc thù, riêng biệt áp dụng riêng cho việc mua sắm thuốc chữa bệnh.
Cạnh đó, Bộ trưởng Dũng thông tin, tại các Điều 21 về chỉ định thầu, Điều 27, 28, 29 về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt cũng đã có những quy định để xử lý những khó khăn, vướng mắc và điều kiện đặc thù, riêng biệt của hoạt động đấu thầu mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (như: bổ sung quy định về chỉ định thầu trong trường hợp cấp cứu người bệnh; chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được; mua thuốc, vắc xin thông qua các tổ chức quốc tế…).
“Như vậy, mặc dù không có một Chương quy định riêng nhưng dự thảo Luật đã có đầy đủ các quy định để áp dụng cho hoạt động mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Bộ KHĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện quy định về lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để bảo đảm cơ sở pháp lý khi triển khai trong thực tế, đáp ứng được các yêu cầu đặc thù, riêng biệt của các gói thầu này.