Đặc thù có một không hai
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Công trình tải điện 500 kV Bắc - Trung - Nam, là công trình xuyên Việt, không những để lại cho muôn đời sau mà còn gây "chấn động" trên thế giới về quy mô cũng như độ dài mà lúc đầu được cho là "không tưởng" ấy đã thành hiện thực chỉ trong 2 năm.
Qua hồi ức của GS.VS.TSKH Trần Đình Long (người từng được làm việc trực tiếp cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong quá trình xây dựng và vận hành đường dây 500 kV xuyên Việt) cho rằng: "Công trình tải điện 500 kV Bắc - Trung - Nam là một mốc lịch sử quan trọng của sự phát triển ngành Điện lực Việt Nam, là biểu hiện tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trí sáng tạo, tinh thần quyết tâm lao động quên mình và trách nhiệm cao của đông đảo đội ngũ cán bộ phụ trách, kỹ sư và công nhân Việt Nam, trong đó phải nói đến vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ: Thủ tướng Võ Văn Kiệt".
Ý tưởng xây dựng công trình này được hình thành trong bối cảnh kinh tế xã hội khá phức tạp, nước ta vừa bắt đầu công cuộc đổi mới, khó khăn chồng chất, ngành điện lực phát triển không cân đối, miền Trung và miền Nam thiếu điện trầm trọng cho nhu cầu sản xuất và dân sinh.
"Tôi còn nhớ đầu năm 1992, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt đến thăm nhà, sau khi thăm hỏi tình hình gia đình và công việc, Tổng Bí thư nói: Tôi vừa đi thăm TPHCM, tình hình cấp điện thật tồi tệ, mỗi tuần thành phố bị cắt điện 4 đến 5 ngày, gây tác động rất xấu không những về kinh tế, sinh hoạt mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xã hội và an ninh của thành phố. Miền Trung còn tồi tệ hơn, chủ yếu sống nhờ vào các nhà máy điện đã cũ kỹ, trong khi đó ở nhà máy Thủy điện Hòa Bình, các tổ máy phát điện lớn lần lượt được đưa vào vận hành dẫn đến thừa điện phải xả nước thật là vô lý. Phải xây dựng công trình tải điện để đưa điện từ Hòa Bình vào miền Trung và miền Nam càng sớm càng tốt", GS.VS.TSKH Trần Đình Long nhớ như in.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với nụ cười thân thiện Dự án đường dây xuyên Việt 500 kV đã gây rất nhiều tranh luận từ các cấp lãnh đạo Nhà nước, các chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài nước đến dư luận xã hội vì những đặc thù có một không hai của nó. Trước tiên về mặt kỹ thuật, đây là một công trình khó dưới góc độ truyền tải điện vì khoảng cách quá lớn, rất gần với chiều dài được các chuyên gia gọi là "một phần tư bước sóng" (1.500 km). Một chiều dài, về lý thuyết, có thể gây ra rất nhiều khó khăn kỹ thuật trong thiết kế và vận hành đường dây như giới hạn ổn định, khả năng truyền tải thấp, khó giữ điện áp trong giới hạn cho phép, xác suất mất điện khá lớn vì đường dây mạch đơn đi suốt chiều dài đất nước, nhiều đoạn qua những địa hình cực kỳ hiểm trở, điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, mưa bão, lũ lụt hàng năm.
Rút ngắn tối đa thời gian thi công là mục tiêu quan trọng bậc nhất quyết định đến tính hiệu quả của công trình, trong đó việc xây lắp đường dây thông thường là khâu gay cấn nhất. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, để xây lắp khoảng 400 - 500 km đường dây 500 kV với hai trạm biến áp đầu và cuối thường phải mất ba đến bốn năm. Mục tiêu xây dựng hệ thống tải điện Bắc - Nam với chiều dài khoảng gần 1.500 km và gần 3.400 vị trí cột đi qua 14 tỉnh, thành phố, bốn trạm biến áp và một trạm bù trong thời gian hai năm đối với nhiều người, kể cả chuyên gia tư vấn nước ngoài, thoạt đầu đều cho là không tưởng.
Phê duyện công trình được cho là... "không tưởng"
Về mặt xã hội, nhiều người băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả kinh tế của công trình do vốn đầu tư lớn, vật tư thiết bị đa phần nhập từ nước ngoài, thời gian dự kiến hoàn thành công trình quá ngắn so với kinh nghiệm thực tế của thế giới, mức độ an toàn của công trình nhìn từ góc độ xã hội có thể gây lo lắng vì nhiều vùng tình hình an ninh phức tạp, có nơi đường dây đi quá gần với biên giới các nước láng giềng...
Tất cả những khó khăn trên cùng với những kiến nghị về giải pháp khắc phục đã được báo cáo và phân tích chi tiết, đầy đủ. Lúc đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt bảo: "Nhiệm vụ của cán bộ khoa học và kỹ thuật các anh là phải chứng minh và chịu trách nhiệm về tính khả thi của công trình, những việc khác như tiền nong, nhân lực, các vấn đề về xã hội, an ninh đã có Chính phủ lo".
Tiếp nhận những lời lẽ ngắn gọn này như một chỉ thị giao phó trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia vào việc nghiên cứu, thiết kế và thi công công trình và cũng rất phấn khởi, tin tưởng vào sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực thi dự án quan trọng này. Một lần, Thủ tướng nói với GS Trần Đình Long: "Giới khoa học các anh, trong đó có cả một số chuyên gia Việt kiều, có nhiều ý kiến ngược nhau đối với đường dây này, bản thân nhà tôi cũng có nhiều băn khoăn về các vấn đề kỹ thuật, về tính hợp lý và khả thi của công trình. Lúc nào bố trí được thời gian, mời anh đến thăm nhà và trao đổi để cô ấy hiểu rõ thêm". GS Long thoáng nghĩ cũng là lẽ thường tình, trong câu chuyện gia đình đôi khi cũng xen lẫn những vấn đề xã hội, gia đình các nhà lãnh đạo quốc gia cũng vậy, chỉ khác là nhiều câu chuyện ở đây có thể liên quan đến công việc của cả nước.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm bà con đồng bào Gia Lai (năm 1996)
"Tôi được biết phu nhân Thủ tướng Võ Văn Kiệt là Giáo sư Phan Lương Cầm qua nhiều năm công tác tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị là chuyên gia đã được tặng Giải thưởng Cô-va-lép-xkaia về hoạt động trong lĩnh vực Điện hóa và ăn mòn kính - một lĩnh vực có liên quan đến các vấn đề khoa học và công nghệ, đến tính khả thi và các chỉ tiêu kinh tế của công trình. Chị đặc biệt quan tâm đến vấn đề ăn mòn điện hóa các kết cấu kim loại của công trình với hơn 80.000 tấn sắt thép này, một vấn đề thực sự quan trọng nhưng đáng tiếc là tôi hiểu không sâu lắm. Sau buổi nói chuyện, tôi có cảm giác là phu nhân Thủ tướng bớt băn khoăn hơn", GS Trần Đình Long nhớ lại. Và ý tưởng xây dựng công trình tải điện xuyên Việt đã trở thành hiện thực khi vào đầu năm 1992, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật Hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam.
Mái tóc trắng dưới vành mũ bảo hộ lao động đến công trình
Từ quyết định của Thủ tướng đến ngày đóng điện đầu tiên lên đường dây là hơn bảy trăm ngày lao động miệt mài, sáng tạo, khẩn trương đầy gian khổ với tinh thần trách nhiệm cao của hàng chục vạn con người. Bản thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt mặc dù bề bộn công việc của Chính phủ, đã dành rất nhiều thời gian và sự quan tâm đặc biệt đến công trình. Ông tiếp xúc trực tiếp với các nhà khoa học, làm việc thường xuyên với Bộ Năng lượng và các ban ngành liên quan, yêu cầu dành sự ưu tiên cao nhất để giải quyết những vướng mắc về thủ tục, trực tiếp kiểm tra công việc tại những nơi khó khăn nhất.
Giờ đây ngồi xem lại những đoạn băng tài liệu ghi cảnh ông trong chiếc áo màu cỏ úa, mái tóc trắng dưới vành mũ bảo hộ lao động đến tận chân các cột điện cao áp thăm hỏi bắt tay công nhân, cán bộ; những người lao động vây quanh ông với nét mặt phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm; cảnh lao động nặng nhọc của những người thợ đường dây xuyên rừng vượt núi; hình ảnh đồng bào dân tộc gùi trên lưng vật liệu xây dựng leo lên những đỉnh núi cao chót vót mà không xe cộ nào có thể đến được... có thể hình dung lại bức tranh lao động hào hùng trên công trình trải dài khắp đất nước thời gian này.
Công trình xuyên Việt mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Chất lượng công trình và tiến độ là hai vấn đề được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặc biệt quan tâm, luôn nhấn mạnh và nhắc nhở. Việc lựa chọn công nghệ, thiết bị ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và lần đầu tiên trên quy mô lớn, công nghiệp điện lực Việt Nam được tiếp xúc với những thành tựu mới nhất của công nghệ truyền tải điện siêu cao áp trên thế giới. Cũng là lần đầu tiên, những thiết bị bù hiện đại, hệ thống các dụng cụ đo lường, bảo vệ, điều khiển và tự động kỹ thuật số đã được đưa vào sử dụng trong Hệ thống điện Việt Nam. Trục cáp quang xuyên Việt đã được xây dựng và sử dụng, không những chỉ phục vụ cho nhu cầu của ngành điện mà còn cho quốc phòng và mạng bưu chính viễn thông của cả nước.
(Còn tiếp...)
(CAO) Nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mọi người nhắc đến tên gọi thân thương "Chú Sáu Dân" bởi tính cách, con người "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Với người dân cả nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt được nhân dân biết đến là người mang tư duy sáng tạo cho công cuộc đổi mới. Với người dân TPHCM, những công trình, những cống hiến của ông luôn gieo vào lòng người dân sự biết ơn vô hạn.