(CAO) Sáng 10-6, UBND H.Tri Tôn (An Giang) tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Cầu sắt Vĩnh Thông và lễ tưởng niệm ngày mất cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Lễ kỷ niệm và lễ giỗ diễn ra trong thời điểm Đảng bộ H.Tri Tôn đang nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 180 năm hình thành vùng đất Tri Tôn, 40 năm tái thành lập huyện và kỷ niệm 25 năm nhân dân, lực lượng vũ trang huyện nhà được tuyên dương anh hùng.
Ông Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Tri Tôn phát biểu.
Ông Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Tri Tôn nhấn mạnh, cầu sắt Vĩnh Thông nằm trên Tỉnh lộ 955B nối liền Ba Chúc với Lạc Quới. Đoạn đường này, trước đây thực dân Pháp cho sửa cao hơn mặt ruộng 2m, được làm vững chắc, mặt đường trải đá. Đây là đoạn đường quan trọng phục vụ cho hoạt động quân sự từ Châu Đốc vào núi Dài.
Với âm mưu của địch là phong tỏa biên giới, làm bàn đạp đánh chiếm vào căn cứ cách mạng nên thực dân Pháp đưa một tiểu đoàn lính Âu Phi thuộc binh đoàn do tướng Ny-Ô chỉ huy đóng tại khu vực Lạc Quới.
Tại ngã ba Lạc Quới, địch xây dựng một đồn kiên cố có trận địa pháo 105 ly yểm trợ. Hằng ngày, địch cho 1 trung đội lính Âu Phi hành quân vào khu vực cầu sắt Vĩnh Thông, khảo sát ngày đêm xây lô cốt nhằm làm bàn đạp tấn công vào núi Tượng.
Nắm được ý định của địch, Đại đội 2006, 2005 của Liên Trung đoàn 126 - 128 chuẩn bị kế hoạch chu đáo, trong đêm bí mật đào công sự, tạo thế tiến công bất ngờ đánh tiêu diệt địch.
Lão thành cách mạng chụp ảnh tại cầu sắt Vĩnh Thông - nơi có trận đánh đi vào lịch sử.
Kết quả qua 7 ngày đánh thắng 3 trận liên tục, ta tiêu diệt gần 300 tên lính Âu Phi, bắt sống 7 tên, thu 213 súng các loại, xóa tan âm mưu của địch lấn chiếm vùng Bảy Núi, giữ vững vùng giải phóng. Chiến công vang dội Cầu sắt Vĩnh Thông đã đi vào lịch sử oanh liệt của quân và dân An Giang.
Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Cầu sắt Vĩnh Thông năm nay trùng với lễ giỗ, tưởng niệm lần thứ 11 ngày mất cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Để ghi nhớ công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 10-7-2009, tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và dựng bia tưởng niệm cố Thủ tướng ở đầu tuyến kênh này.