(CAO) "Việc quy định hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là không rõ ràng, khiên cưỡng" là nhận định của một số đại biểu khi cho ý kiến về dự luật cán bộ công chức, viên chức (sửa đổi).
Chiều nay (10-6), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trước phiên họp này, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ đã được gửi đến các vị đại biểu.
Hai cựu bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị xử lý kỷ luật, bắt tạm giam do có nhiều sai phạm trong quá trình đương chức
Một trong những điểm đáng chú ý của lần sửa đổi này là luật hoá xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Theo đó, Khoản 5 điều 84 Dự thảo luật quy định: cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Quy định trên đã nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận tổ, song đề nghị quy định rõ hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đi kèm theo hậu quả nào.
Ví dụ như tước quyền lợi khi đương chức được hưởng (kể cả xét khen thưởng) hoặc trong thời gian đảm nhiệm chức vụ (như hưởng phụ cấp là 1.0) mà vi phạm thì bị phạt tiền. Có ý kiến cho rằng việc quy định hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là không rõ ràng, khiên cưỡng.
Cũng có đại biểu đề nghị làm rõ đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu thì ai là người có thẩm quyền ký quyết định khiển trách, quyết định cảnh cáo, vì người đã nghỉ hưu không bị điều chỉnh bởi luật này nữa.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định kỷ luật người đã về hưu trong luật này, vì họ không còn là cán bộ, công chức, ý kiến khác đề nghị quy định rõ là xử lý hành vi vi phạm ở thời điểm người đó đang là cán bộ, công chức.
Bên cạnh yêu cầu quy định cụ thể về giá trị pháp lý của văn bản, quyết định hành chính được cán bộ, công chức ký trong thời gian bị xóa tư cách, có vị đề nghị quy định theo hướng nếu văn bản đó đúng thì tiếp tục có hiệu lực, văn bản đó xuất phát từ hành vi vi phạm bị kỷ luật thì không còn hiệu lực.
Một số ý kiến tán thành giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 điều 84. Có ý kiến cho rằng đây là việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định, do đó việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức phải quy định trong luật.
Không giải trình ý kiến này, Bộ Nội vụ "khất" sau khi các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cụ thể về các phương án để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thức 8.
Liên quan đến phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ phản ánh, nhiều ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đánh giá cán bộ, công chức nhưng đề nghị nội dung đánh giá phải mang tính định lượng với những tiêu chí cụ thể hơn.
Có đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thi sát hạch đối với công chức để loại ra những công chức không vượt qua được yêu cầu của kỳ thi sát hạch.
Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Bộ Nội vụ cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí đánh giá bảo đảm khách quan, định lượng, chính xác, cụ thể hơn ngay trong luật và chỉnh sửa các quy định có liên quan.