Luật hóa cấm uống rượu bia khi lái xe: Biện pháp mạnh cần thiết

Thứ Hai, 10/06/2019 14:18  | Hải Triều

|

(CATP) Tai nạn giao thông (TNGT) vẫn được xem là một nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay. Đáng chú ý, trong các vụ tai nạn xảy ra có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ việc tài xế đã sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

MA MEN DẪN LỐI

Những năm gần đây tình trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang tăng lên ở mức báo động. Năm 2017, mức tiêu thụ bình quân đầu người của Việt Nam đã lên đến 8,9 lít cồn/người (so với mức trung bình là 6,4 lít cồn/người), tăng 24,5 lần so với năm 1990 (0,3 lít), đứng thứ 5 thế giới về mức tăng tiêu thụ bình quân đầu người.

Đi liền với mức tăng này là sự gia tăng số vụ TNGT do tài xế sử dụng rượu, bia gây ra mà vụ tai nạn nghiêm trọng ở đường Láng (Hà Nội) đêm 22-4 làm chết một nữ lao công hay vụ xe ôtô đâm tử vong 2 phụ nữ điều khiển xe môtô tại hầm Kim Liên rạng sáng 1-5 là những ví dụ rõ nét, gây phẫn nộ trong dư luận nhiều ngày qua. Trong cả 2 vụ việc, nguyên nhân gây tai nạn đều được xác định do tài xế sử dụng rượu bia.

Tại Bình Định hôm 11-4 cũng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 10 người thương vong. Những người này cũng là nạn nhân bất đắc dĩ của ma men khi nồng độ cồn đo được của tài xế là 0,315 mg/lít khí thở.

Đại biểu Quốc hội cho ý kiến bằng cách bấm nút điện tử về các nội dung trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV

Trong một vụ việc khác xảy ra tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai, 12 người đã phải nhập viện (trong đó có 3 người tử vong, 3 người khác bị thương nặng) khi chiếc Fortuner lấn làn rồi đấu đầu với xe khách 16 chỗ. Kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển xe Fortuner, lực lượng chức năng nhận kết quả dương tính, đạt mức 38 mg/dl máu. Tài xế xe khách 16 chỗ cũng có nồng độ cồn trong máu đạt mức 39 mg/dl máu.

Mỗi vụ TNGT xảy ra để lại nhiều nỗi xót xa cho những người ở lại. Thêm nhiều mảnh đời bất hạnh ra đời. Có lẽ thấm thía điều này mà ngay quá trình thảo luận về dự luật Phòng chống tác hại rượu bia, không ít đại biểu đã đề nghị mạnh tay hơn với việc xử lý những tài xế bị dẫn lối bởi ma men.

Đại biểu Nguyễn Minh Hiền (Phú Yên) đã phải thốt lên: “Nếu đặt mình vào từng con người, từng gia cảnh đang đối mặt với các mất mát, đau thương, kể cả những người vì rượu, bia mà vướng vào vòng lao lý thì chúng ta có thể hiểu được nỗi đau hay bản án lương tâm mà họ đang trải qua mỗi ngày”.

Bà Hiền cho rằng, dùng ruợu, bia mà không hiểu rõ tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm, và chẳng có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi về tính mạng, sức khỏe, mạng sống, tương lai của con người.

CẦN MỘT THÁI ĐỘ RÕ RÀNG

Có một thực tế là “văn hóa rượu bia” đang bị lạm dụng quá mức trong thói quen sinh hoạt hiện nay của người Việt. Rượu bia xuất hiện trong mọi cuộc vui, buồn, hiếu, hỉ. Vui uống rượu ăn mừng. Buồn uống rượu giải sầu. Nhiều người uống rượu bia nhưng vẫn lái xe tham gia giao thông mà không mảy may nghĩ đến hậu quả, không quan tâm đến sự an toàn của bản thân và mọi người.

Việc lạm dụng rượu bia trong đời sống thường nhật, theo đại biểu Quàng Thị Vân (Điện Biên), còn làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của đất nước. “Ở Việt Nam mức tiêu thụ rượu, bia không ngừng tăng lên. Dân số Việt Nam đứng thứ 8 châu Á nhưng mức tiêu thụ rượu, bia thì đứng thứ 3. Tổng số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia ở nam giới là 32,4%, nữ giới là 19,6%” - đại biểu Vân chỉ ra.

Nữ đại biểu của Điện Biên cũng khẳng định, việc tiếp cận rượu bia quá dễ đã trở thành hiểm họa, gánh nặng cho xã hội. Nếu không áp dụng các chính sách chặt chẽ để giảm sử dụng rượu bia thì dự báo đến năm 2025 và 2030, mức tiêu thụ của người Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh, lên đến 14 lít và 18 lít cồn/người.

Một thống kê khác cho thấy, năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, riêng 4 tháng đầu năm 2019 con số này gần 50.000 trường hợp. Tuy nhiên, việc xử phạt này vẫn chỉ được coi là giải quyết phần ngọn, trong khi cái gốc của câu chuyện là phải được kiểm soát bằng luật pháp.

Lâu nay chúng ta vẫn nghe quen tai câu nói “chế tài không đủ sức răn đe”. Vậy thì đây có lẽ đang là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện thái độ mạnh mẽ của mình trong việc nói “không” với bia, rượu, để bảo vệ tính mạng những người vô tội trước khi họ có thể trở thành nạn nhân của những tài xế lạm dụng bia, rượu khi tham gia giao thông.

Một biện pháp mạnh là cần thiết lúc này, như Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận: “Chúng ta cần có thái độ rất rõ về việc này”. Trước lo ngại về tính khả thi mà nhiều đại biểu đặt ra nếu cấm hoàn toàn rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, bà Hải khẳng định, vấn đề chỉ là tổ chức thực thi thế nào thôi.

Từ thực tiễn xây dựng và thực thi pháp luật ở Việt Nam cho thấy, nếu các quy định của pháp luật không thống nhất, không giải quyết tận gốc các mâu thuẫn trong quan hệ xã hội do bị chi phối bất hợp lý thì những quy định đưa ra không thể “sống”. Câu chuyện về việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy là một ví dụ rõ ràng.

Thời điểm đó, khi việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm còn bị tác động bởi nhiều quan điểm khác nhau, người ta đã đưa ra quy định “đội mũ bảo hiểm khi ra khỏi các thành phố, thị xã, thị trấn”. Thế nhưng, việc quy định “đội mũ bảo hiểm” theo... địa giới hành chính như trên không những không thành công mà còn phát sinh nhiều tiêu cực, làm gia tăng chi phí, thời gian, công sức của lực lượng kiểm tra, kiểm soát. Và chỉ đến khi quy định đã đi xe máy là phải đội mũ bảo hiểm được ban hành, triển khai thực hiện trên toàn quốc thì việc này mới cơ bản được thực thi tốt, dần tạo thói quen cho mọi người.

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn khi xe BMW tông 5 xe máy và ôtô ở ngã tư Hàng Xanh (TPHCM) vào khuya 21-10-2018, khiến 7 người thương vong. Tài xế xe BMW là Nguyễn Thị Nga trước đó uống rượu bia

Trở lại với câu chuyện đang gây tranh cãi trên diễn đàn Quốc hội liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, có thể thấy nếu chỉ quy định “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông” thì dường như luật pháp vẫn muốn du di theo thói quen, theo nếp sống và tập quán hiện tại. Quy định này thoạt đầu có vẻ hợp lý nhưng sẽ làm phát sinh nhiều kiểu “lách luật”, nhiều tiêu cực và người ta không khỏi lo lắng về “số phận” của một điều khoản luật.

Thực tế quy định cấm kể trên đã và được thực hiện nhưng tính hiệu quả còn mờ nhạt. Quy định đó không khiến số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện uống rượu bia gây ra giảm đi mà còn có chiều hướng gia tăng. Như thế, việc “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu có nồng độ cồn” (cấm hoàn toàn) là phù hợp nhất. Quy định này không cản trở những phong tục tập quán vốn có, cũng chẳng can thiệp vào các mối quan hệ và những sở thích riêng tư.

Nó không những giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người điều khiển xe mà còn ngăn ngừa tai nạn, thiệt hại, tổn thất mà người này có thể gây ra cho người khác, cho gia đình, cho xã hội. Thời gian cấm cũng không lâu, không ảnh hưởng đến sinh hoạt và việc riêng của mỗi người. Ở góc độ nào đó, nó còn giúp người ta có kế hoạch sinh hoạt, làm việc hợp lý và thực hiện tốt hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Mỗi quy định pháp luật khi được ban hành cần tính hợp lý, cần thể hiện một thái độ rõ ràng của pháp luật. Thái độ lừng khừng trong thiết kế các điều luật sẽ là nguyên nhân khiến cho quy định đó không “sống” được mà thực tế đã không ít lần minh chứng.

Quốc hội có bị “tác động” khi làm luật?

Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Quốc hội lần đầu vào cuối năm 2018, qua hai lần thảo luận tại hội trường, dự kiến sẽ được các đại biểu bấm nút thông qua vào ngày 14-6 tới đây. Tuy nhiên, vừa qua có dư luận cho rằng dự luật này “đã bị tác động” khiến nhiều quy định trong dự thảo “yếu đi”.

Gần đây nhất, khi Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến đại biểu về 3 nội dung còn ý kiến khác nhau của dự luật, trong đó quy định về việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông. Kết quả lấy ý kiến cho cả 2 phương án (“cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông” và “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn”) đều không quá bán.

Từ kết quả này, tiếp tục có dư luận rằng “Quốc hội không muốn cấm uống rượu, bia”.

Hiểu như vậy là không chính xác và điều này đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích rất rõ. Bà Ngân khẳng định không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông mà hiện nay luật hiện hành đã có quy định. Qua bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu, bia lái xe gây TNGT thì có ý kiến đề nghị tăng chế tài lên, không cần tính tới nồng độ cồn, cứ uống rượu, bia là không được lái xe. Phương án nữa, là giữ nguyên như hiện nay.

Trước đó, sau khi lấy ý kiến các đại biểu về các nội dung trên, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: “Quốc hội chúng ta rất dân chủ. Không có bất cứ thế lực nào, nhóm lợi ích nào có thể can thiệp vào Quốc hội của chúng ta”.

Chưa luật hoá được việc cấm uống rượu, bia khi lái xe
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang