Thi hành luật gặp khó do... thiếu tiền

Thứ Tư, 11/09/2019 10:32

|

(CAO) Lo ngại này được các thành viên UBTVQH nêu ra trong phiên thảo luận Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 diễn ra vào sáng nay (11-9).

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, khi thông qua Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đề ra mục tiêu là đến hết Khoá XIII sẽ hoàn thành các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Do đó, quá trình làm luật giai đoạn này rất vất vả.

Toàn cảnh phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 

Tuy nhiên, sau đó, thực hiện một số Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội lại sửa một số luật. Có những luật mới làm như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa sửa một thời gian ngắn lại sửa tiếp. Điều này, bà Nga nhận xét, đã bộc lộ hạn chế trong việc dự báo để hoạch định chính sách.

Bàn sâu về hệ thống luật điều chỉnh lĩnh vực tư pháp, Chủ nhiệm Lê Thị Nga khẳng định đến nay đã khá đầy đủ, song việc thi hành đang có những vướng mắc.

Chẳng hạn như để cụ thể hoá quyền con người, quyền công dân đã quy định trong Hiến pháp, luật tố tụng hình sự đã có nhiều quy định như quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can như một giải pháp vừa để làm căn cứ chứng minh cho hoạt động của cơ quan điều tra, vừa chống bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, thực tế quy định này chưa được thực thi do không có tiền để xây phòng hỏi cung có trang bị máy cũng như không có tiền mua máy ghi âm, ghi hình.

Chưa hết, thiếu tiền cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại của hệ thống cơ quan tư pháp hiện nay khi kinh phí không đủ hoạt động, chế độ chính sách không có đặc thù. Mới đây, khi thảo luận về dự luật Giám định tư pháp, khó khăn về kinh phí giám định cũng đã được đặt ra. Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, hiện Bộ vẫn đang nợ tiền các cơ quan giám định khi giám định các vụ án lớn.

“Vấn đề lớn nhất để phục vụ việc đảm bảo quyền công dân, quyền con nguời như quy định của Hiến pháp là tiền… không có” – bà Lê Thị Nga phàn nàn.

Cũng phân tích về những hạn chế trong thực hiện cơ chế đảm bảo cho công dân thực hiện quyền Hiến định, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hiện đang nợ cử tri quy định để thực hiện quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND khi đại biểu không còn xứng đáng.

“Thực tế, từ đầu nhiệm kỳ Khoá XIV đến nay, Quốc hội đã làm tốt, kịp thời việc cho thôi làm nhiệm vụ với nhiều trường hợp đại biểu bị phát hiện có vi phạm. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể, chưa có chế tài để cử tri có thể trực tiếp thực hiện quyền này trong khi đó là nội dung được ghi trong Hiến pháp” – ông Phúc phản ánh.

Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại danh mục, Quốc hội, UBTVQH đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…

Đối với nhóm quyền con người, quyền công dân trong tư pháp như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bào chữa của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, quyền bình đẳng trước pháp luật… cũng đã được cụ thể hóa trong các đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự...

Theo Chính phủ, việc ban hành Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đã giúp cho Nhà nước và nhân dân có thêm công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong phòng, chống tội phạm, thể hiện tính nhân đạo, tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội của Đảng và Nhà nước, đồng thời đề cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang