Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Đừng để du khách một đi không trở lại'

Thứ Ba, 09/08/2016 16:39  | Xuân Hoài

|

(CAO) Ngày 9-8, tại Hội An (Quảng Nam), Chính phủ tổ chức một hội nghị du lịch quy mô lớn toàn quốc với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam. Hội nghị cho thấy mục tiêu “phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” đang được đẩy nhanh tiến độ…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị này không bàn thành tích nhiều mà chủ yếu đánh giá thêm thực trạng nào bất cập, tập trung tháo gỡ khó khăn của ngành là gì để quy mô cao hơn, chất lượng tốt hơn, hiệu quả tốt hơn. “Làm du lịch làm sao họ muốn trở lại chứ để 'một đi không trở lại' thì chưa tốt”, Thủ tướng nêu.

Tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng sở dĩ chọn Hội An vì địa phương này là một mô hình tiêu biểu trong quản lý, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào phát triển du lịch. Du lịch thì cộng đồng là yếu tố quan trọng và Hội An làm được điều đó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo

Thủ tướng nêu rõ: “Trong 3 yếu tố quan trọng phát triển du lịch thì có yếu tố cộng đồng làm du lịch. Cộng đồng ở Quảng Nam – Đà Nẵng ứng xử với khách rất vui vẻ, thân thiết với du khách. Điều đó rất quan trọng đối với phát triển du lịch. Do đó phải rút kinh nghiệm từ cộng đồng, làm du lịch hiệu quả từ ngay Hội An.

Thứ hai là phải xây dựng thương hiệu du lịch. Đà Nẵng đang làm thương hiệu du lịch tốt. Do đó phải xác định những cách làm thương hiệu tốt. Cơ quan quản lý Nhà nước phải xác định nhiệm vụ phải làm để tạo dựng và phục vụ sự phát triển. Do đó phải bàn đến việc xây dựng thương hiệu, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quy mô.

Trăm hoa đua nở, mọi người đua chen làm du lịch, nhưng nếu không có thương hiệu lớn thì khó phát triển. Những tập đoàn khách sạn lớn thế giới, đi đâu họ cũng quảng bá thương hiệu rất tuyệt vời. Chính vì thế du khách tìm tới họ, nơi có mặt họ là có sự văn minh trong phục vụ, trong chất lượng”.

“Làm du lịch, đừng để xảy ra tình trạng chèo kéo, và Quảng Nam - Đà Nẵng làm được điều ấy, các tỉnh thành khác cũng có thể làm được nếu biết cách”, Thủ tướng gợi mở.

Theo Thủ tướng, bên cạnh những thành công bước đầu của ngành như du lịch đang đóng góp 6,6% GDP cả nước, lan tỏa và gián tiếp đóng góp gần 14% GDP, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp đến 2,25 triệu người, giá trị xuất khẩu đến 8,5 tỷ USD, đón được gần 8 triệu khách du lịch trong năm 2015.

“Tuy chúng ta nỗ lực nhưng phải nhìn vào khu vực để phấn đấu, có giải pháp thúc đẩy du lịch trong nước phát triển quy mô lớn, phấn đấu đóng góp 10% vào GDP cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lần đầu tiên tổ chức hội nghị du lịch toàn quốc quy mô lớn

Thủ tướng cho rằng, ngành du lịch trong nước cần nhìn vào kinh nghiệm du lịch những nước trong khu vực (như Thái Lan thu hút 30 triệu khách quốc tế, Malaysia đón 26 triệu khách, Singapore 15 triệu khách...) để học hỏi những kinh nghiệm và rút ra những bài học để phát triển du lịch một cách bền vững.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận ngành du lịch vẫn còn tồn tại những hạn chế, yếu kém, nguồn lực cho xúc tiến quảng bá du lịch thấp. Trong khi các nước khác đầu tư 80 - 100 triệu USD/năm thì Việt Nam mới đầu tư khoảng 2 triệu USD/năm cho công tác xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch quốc gia.

Phát triển du lịch còn thiên về số lượng, chưa quan tâm đúng mức chỉ tiêu chất lượng. Mức độ mở cửa quốc tế chưa cao, hiện Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân 22 nước trong khi so với Thái Lan miễn cho 61 nước, vùng lãnh thổ, Singapore miễn cho 158 nước… Một số sân bay mới được đầu tư rơi vào quá tải.

Tại hội nghị này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tiếp thu để hoàn thiện Đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trình Bộ Chính trị trong tháng 10-2016.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2015, lượng khách quốc tế là trên 7,9 triệu lượt, khách nội địa là 57 triệu lượt. Chỉ nửa đầu năm nay, khách quốc tế đã là 5,5 triệu lượt, khách nội địa trên 38 triệu lượt. Tổng doanh thu nửa đầu năm là trên 235.000 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2015.

Bộ VH-TT&DL kiến nghị Chính phủ quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong tháng 8-2016 để tăng cường nguồn lực phát triển du lịch, thúc đẩy hợp tác công tư. Về nguồn thu của quỹ, ngân sách nhà nước cấp không quá 30% tổng nguồn vốn, Nhà nước cấp vốn ban đầu để hình thành quỹ là 300 tỉ đồng, nguồn thu của quỹ từ lệ phí thị thực nhập cảnh, phí tham quan du lịch, các chủ thể hưởng lợi từ hoạt động du lịch…

Bình luận (0)

Lên đầu trang