Theo ông Lương Ngọc Khuê, hiện ngành Y tế đang tham mưu sửa Chỉ thị của Thủ tướng theo hướng quyết liệt hơn.
“Quan điểm rất mạnh là có thể phong tỏa Quảng Ninh, Hải Dương. Tuy nhiên, hiện tại còn trình xin ý kiến Thủ tướng” – ông Khuê nói và nhấn mạnh, các địa phương khác đều có khả năng lây lan diện rộng.
“Đây cũng là cảnh báo đến cả nước”, theo ông Khuê.
Liên quan đến các giải pháp, ông Khuê khẳng định, sẽ được đề cập trong Chỉ thị của Thủ tướng.
“Các ca bệnh liên quan đến chủng mới nên nguy cơ lây lan rất nhanh. Trước kia chu kỳ ủ bệnh khoảng 4 ngày thì bây giờ nhanh hơn, có khi chỉ 2-3 ngày. Tốc độ lây lan cũng nhanh hơn” - ông Khuê lưu ý.
ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế
Ông Khuê cũng thông tin, cơ chế lây nhiễm có liên quan đến chủng mới ở Anh, lây lan rất nhanh. Tiếp xúc và độ lây lan lớn.
Tình hình đang được kiểm soát
Trước đó, trao đổi nhanh với báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, thông tin để người dân cảnh giác nhưng cũng không nên gây hoang mang.
Ông Đam khẳng định “dù rất mệt, nhưng hoàn toàn có niềm tin chúng ta sẽ kiểm soát được”.
“Giờ hỏi Phó Thủ tướng có mệt không, Phó Thủ tướng cho biết đã thức suốt đêm từ chiều tối hôm qua, buổi chiều họp với Bộ Y tế, đến đêm cũng họp suốt cả đêm để chỉ đạo nhưng tình hình đang được kiểm soát” – ông Đam tự tin.
“Mình phải sử dụng các biện pháp, tất cả nâng lên 1 bước để phòng chống dịch, từ thực hiện nghiêm chiến lược, sách lược, phân vùng, cách ly, dập dịch, điều trị và xét nghiệm, tất cả nâng cao trên một mức” – ông Khuê nói rõ.
Thông tin về tình hình ở sân bay Vân Đồn, theo ông Khuê, sẽ phải đóng cửa toàn bộ. “Số lượng nhân viên ở đó xét nghiệm dương tính là hơn 10 người và 1 người nhà nữa, sân bay phải đóng cửa toàn bộ để xét nghiệm” – ông Khuê nhấn mạnh và cho biết cơ quan chức năng đang phân tích các chuyến bay.
Đáng lo ngại, thời điểm phát hiện ca nhiễm thì số lượng lây lan đã rất nhanh và chưa xác định được F0.
“Qua phân tích Hải Dương và Quảng Ninh cũng có mối liên quan về yếu tố dịch tễ” – ông Khuê nói và nhắc lại, Thủ tướng sẽ có chỉ thị cụ thể, theo hướng mạnh mẽ, khuyến cáo người dân cảnh giác, đề phòng vì liên quan chủng mới, lây lan nhanh.
“Đây là ổ dịch lớn nhất phát hiện trong cộng đồng từ đầu năm đến nay. Chưa chính xác nhưng Hải Dương có 72 ca và Quảng Ninh 11 ca. Nhưng xét nghiệm chắc chắn chúng tôi mới công bố” – ông Khuê nói.
*Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng chống COVID-19 tại phòng họp thuộc Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (nơi diễn ra Đại hội Đảng XIII).
Hai ca bệnh được công bố sáng nay (28/1) gồm BN 1552, nữ, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam.
Bệnh nhân là công nhân công ty TNHH POYUN, có địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Bệnh nhân có giao tiếp gần với bệnh nhân nữ được phát hiện dương tính sau khi nhập cảnh Osaka (Nhật Bản). Sau đó, bệnh nhân đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm khẳng định tối 27/1 cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội).
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
BN 1553, nam, 31 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Bệnh nhân là nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn, có địa chỉ thường trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Do có biểu hiện sốt, ho khan, đau họng, bệnh nhân đã tự đến bệnh viện khám. Bệnh viện đã lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm tối 27/1 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ninh khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội).
Trước đó, sau khi nhận được thông tin từ phía Nhật Bản về việc phát hiện một phụ nữ Hải Dương dương tính với SARS-CoV-2 sau khi nhập cảnh vào Osaka, ngày 27/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cử ngay đoàn công tác của Bộ Y tế gồm lãnh đạo và chuyên gia chống dịch của 3 đơn vị, bao gồm Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tới Hải Dương hỗ trợ địa phương triển khai điều tra, giám sát dịch tễ và các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng, chống dịch.
Quang cảnh phiên họp sáng nay (28/1) do Thủ tướng chủ trì
Cuối giờ chiều 27/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tổ chức cuộc họp khẩn với Thường trực Ban chỉ đạo tại Bộ Y tế. Ngay sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã trực tiếp tới Hải Dương chỉ đạo công tác phòng chống, dịch khẩn cấp tại tỉnh.
Tối muộn 27/1, sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, xác nhận 2 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến với 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, để nghe đoàn công tác của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của hai địa phương báo cáo về việc triển khai các biện pháp khoanh vùng, phát hiện và đưa đi cách ly các ca có tiếp xúc gần với các ca dương tính tại nơi ở và làm việc, triển khai công tác xét nghiệm và điều trị.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế tiếp tục điều động các chuyên gia xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y tế Công cộng và Trường Đại học Y Hà Nội tới Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm ngay trong sáng 28/1.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương cử cán bộ và sinh viên tham gia vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Về công tác điều trị, Bộ Y tế đã điều động Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giúp tỉnh Hải Dương thiết lập ngay hệ thống điều trị tại địa phương để thực hiện điều trị tại chỗ, chỉ trường hợp nặng mới chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Trong đêm 27 và sáng 28/1, Bộ Y tế điều các đơn vị của Bộ Y tế tới Hải Dương hỗ trợ lấy mẫu và xét nghiệm. GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ trực tiếp chỉ đạo công tác xét nghiệm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Do thời điểm cận kề với Tết Nguyên đán, nên việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phải cao hơn một cấp. Hải Dương phải tự đặt trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây, Bộ Y tế sẽ chi viện tối đa, tuy nhiên Hải Dương phải tập trung cao độ, làm sao để trong 10 ngày phải khoanh vùng triệt để”.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, do ca bệnh ở Hải Dương có liên quan tới ca bị nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới theo thông tin của phía Nhật Bản, nên cần đặc biệt cẩn trọng, đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng phòng, chống dịch.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần thực hiện truy vết tới tận F3, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và thường xuyên báo cáo tình hình, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.