Thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0

Thứ Sáu, 18/09/2020 14:51  | Đào Giang

|

(CAO) Tọa đàm khoa học “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức.

Sáng 18/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức tọa đàm khoa học “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm tuyên truyền các công nghệ nổi bật gần đây và sẵn sàng chuyển giao, đồng thời giới thiệu các mô hình thành công về ứng dụng công nghệ giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và doanh nghiệp; nêu những khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp để thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp.

Đông đảo đại biểu tham gia tọa đàm

Ông Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Viện đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng, đào tạo cán bộ có trình độ cao.

Liên tục 3 năm trở lại đây, lượng văn bằng sở hữu trí tuệ Viện được cấp lớn nhất cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Hàng năm, Viện có khoảng 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Để lan tỏa các kết quả nghiên cứu và đưa vào ứng dụng có sự đóng góp quan trọng của truyền thông, trong đó có Báo Nhân dân.

Theo Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân Quế Đình Nguyên, trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, khoa học và công nghệ đã có những đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nhu cầu sở hữu các công nghệ hiện đại của doanh nghiệp đòi hỏi các nhà khoa học định hướng các nghiên cứu của mình để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn; nhà khoa học cần đẩy mạnh truyền thông tạo cầu nối với doanh nghiệp và cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí.

Trong bối cảnh đó, cơ quan báo chí bên cạnh tuyên truyền cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ tới nhà khoa học, doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm khoa học - công nghệ để tôn vinh, biểu dương các nhà khoa học. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận được các sản phẩm khoa học - công nghệ.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học đã trình bày các kết quả nghiên cứu, công nghệ có tính ứng dụng cao như: Công nghệ cao trong bào chế dược liệu; hệ thống đánh giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại điện tử; mô-đun đèn led chiếu sáng công cộng tản nhiệt bằng chất lỏng các-bon nano; ứng dụng vi sinh vật tạo màng sinh học trên than sinh học để tạo chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu... Một số công nghệ tuy không được sản xuất thành hàng hóa tiêu dùng song lại có tính ứng dụng rất cao như: Công nghệ quan trắc động đất, cảnh báo sóng thần...

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn đề cập các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển công nghệ; đề xuất cơ chế, chính sách để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh...

Đồng thời, các nhà khoa học đề nghị Viện cần xây dựng định hướng chiến lược rõ ràng về hoạt động nghiên cứu ứng dụng gắn với thị trường chuyển giao công nghệ; xây dựng quy định để bảo hộ bản quyền các sản phẩm công nghệ, công bố của các nhà khoa học trong Viện...

Hơn nữa, các cơ quan báo chí cần quan tâm chia sẻ các câu chuyện của doanh nghiệp nhận chuyển giao khoa học và công nghệ thành công để tạo động lực cho các doanh nghiệp, nhà khoa học, góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang