Dễ dàng kích hoạt "TKĐDĐT mức 2"
Tất cả công dân cần có căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, tuy nhiên những công dân được cấp CCCD gắn chíp đã được đăng ký sẵn TKĐDĐT mức 2 càng thêm thuận tiện, dễ dàng hơn trong việc kích hoạt tài khoản. Để kích hoạt TKĐDĐT mức 2, nhằm thực hiện giao dịch thuận lợi vì đã tích hợp nhiều loại giấy tờ vào tài khoản và trải nghiệm nhiều tiện ích... người dân có thể tự làm hoặc đến Công an phường, xã để kích hoạt. Chuyên đề Công an TPHCM sẽ thông tin cặn kẽ để mọi công dân có thể dễ dàng thao tác, thực hiện, tự mình kích hoạt và tích hợp các loại giấy tờ tại nhà một cách thuận tiện nhất. Thứ nhất, công dân vào TKĐDĐT mức 2, cần phải tải ứng dụng VNeID.
Ngoài ra, công dân có thể đến trực tiếp cơ quan Công an địa phương nơi mình sinh sống để đăng ký, kích hoạt TKĐDĐT mức 2, kể cả khi chưa có TKĐDĐT mức 1. Trong đó TKĐDĐT cá nhân được chia thành 2 mức độ (1 và 2) với thông tin và giá trị sử dụng không giống nhau. Cụ thể: "Thông tin TKĐDĐT cá nhân mức 1" gồm các thông tin về số định danh cá nhân, họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính. Trường hợp là người nước ngoài thì có thêm thông tin về số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Đối với "Thông tin TKĐDĐT cá nhân mức 2" có đầy đủ thông tin cá nhân như mức 1, ngoài ra còn có thêm thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay. Sau khi công dân đã có TKĐDĐT mức 2 mới có thể tích hợp các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các loại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc giấy tờ khác vào thẻ CCCD gắn chíp.
Lực lượng công an giúp người dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng TKĐDĐT mức 2
Công an TPHCM cũng hướng dẫn công dân cách tải và cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại di động. Công dân truy cập vào một trong hai đường dẫn tùy theo thiết bị di động của mình sử dụng hệ điều hành Android hay iOS. Sau khi tải và cài đặt ứng dụng thành công, công dân mở ứng dụng: Đối với các trường hợp công dân được cấp CCCD gắn chíp trước 01/4/2022: Đăng ký TKĐDĐT mức 1. Đăng ký TKĐDĐT mức 2 với hình thức này, công dân muốn thao tác dễ dàng hơn nên đến trực tiếp cơ quan Công an nơi cư trú và làm thủ tục đăng ký TKĐDĐT mức 2.
Công dân cần chuẩn bị các loại giấy tờ mang theo khi đi đăng ký TKĐDĐT mức 2, gồm: thẻ CCCD gắn chíp và các giấy tờ có nhu cầu tích hợp hiển thị lên ứng dụng VNeID như Thẻ Bảo hiểm y tế, Giấy phép lái xe, Đăng ký xe, Thông tin về mã số thuế... Khi công dân đến cơ quan Công an để làm thủ tục, nhận được kết quả phê duyệt, cấp TKĐDĐT của Bộ Công an, sau đó làm thủ tục đăng ký TKĐDĐT mức 2. Hồ sơ đăng ký sẽ được các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an xem xét, phê duyệt.
Kết quả đạt, công dân sẽ nhận được tin nhắn SMS gửi đến số điện thoại đã đăng ký. Nội dung tin nhắn mẫu như sau: Cục Cảnh sát QLHC về TTXH thông báo: "Ho so dang ky tai khoan dinh danh dien tu cua cong dan **** da duoc phe duyet. De nghi truy cap ung dung VNeID hoac dia chi https://vneid.gov.vn de kich hoat tai khoan" (phần **** sẽ thể hiện thông tin họ và tên đầy đủ không dấu của công dân).
Cũng xin nhắc lại, hiện nay, tại Công an các phường, xã trên địa bàn TPHCM đang có cán bộ, chiến sĩ trực để giúp công dân đăng ký TKĐDĐT mức 2 trực tiếp, mà không cần thông qua bước tạo TKĐDĐT mức 1. Đối với các trường hợp CCCD gắn chíp được cấp sau ngày 01/4/2022 đã được đăng ký sẵn TKĐDĐT mức 2 khi làm CCCD gắn chíp, tuy nhiên công dân cần phải tải ứng dụng VNeID để kích hoạt tài khoản. Sau khi có TKĐDĐT mức 2 đã được kích hoạt có thể chính công dân tự tích hợp giấy tờ tại nhà.
Phát động toàn dân đăng ký và sử dụng
TPHCM đang phát động toàn dân đăng ký và sử dụng TKĐDĐT mức 2, nên mọi công dân chưa thực hiện cần nhanh chóng kích hoạt để trải nghiệm nhiều tiện ích do TKĐDĐT mức 2 mang lại. Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2023 (Đề án 06/CP) là một đề án quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. TKĐDĐT được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia - VNeID.
Người dân sử dụng TKĐDĐT sẽ có rất nhiều lợi ích, như tiết kiệm được thời gian, chi phí trong biểu mẫu, giảm nhiều khâu, nhiều thủ tục. TKĐDĐT mức 2 có giá trị tương đương thẻ CCCD gắn chíp, có giá trị như sổ hộ khẩu điện tử (có thông tin về cá nhân, các nhân thân và nơi cư trú của các thành viên trong cùng hộ gia đình), có giá trị thay thế các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên TKĐDĐT mức 2.
Bên cạnh đó, công dân sử dụng TKĐDĐT mức 2 để phản ánh, kiến nghị về tình hình an ninh trật tự, tố giác về tin báo tội phạm và thực hiện các giao dịch tài chính, như: thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền... Công dân có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi nhưng bảo đảm được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.
Lực lượng Công an đến từng các khu phố ở Q5, TPHCM hỗ trợ cấp và kích hoạt TKĐDĐT cho bà con
Cũng nhằm tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023, UBND TPHCM vừa tổng kết công tác CCHC TP năm 2022 và triển khai công tác CCHC năm 2023. Trong năm 2022, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được xác định là công tác trọng điểm và được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ. TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp tập trung rà soát, quyết tâm thực hiện đạt và vượt 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, 89 nhiệm vụ công tác CCHC năm 2022.
Tập trung đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua Tháng hành động "Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày"..., hoàn thành kết nối toàn bộ dữ liệu kinh tế - xã hội của quận, huyện, TP.Thủ Đức với TPHCM.
CBCS Công an tận tụy với công việc, được người dân tin yêu
Bên cạnh đó, trước đây UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, chú trọng thực hiện tốt các quy định công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Rà soát những vị trí việc làm có nguy cơ tham nhũng để có biện pháp giám sát, kiểm tra, phòng ngừa hiệu quả. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình công tác, gắn với thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích, quy tắc ứng xử, những việc không được làm đối với người có chức vụ, quyền hạn. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc.
Với sự phát động trên địa bàn TPHCM, mỗi công dân trở thành công dân số, từ đó góp phần xây dựng chính quyền điện tử và quốc gia số, người dân TPHCM hiện chưa đăng ký và sử dụng TKĐDĐT mức 2, thì hãy nhanh chóng thực hiện, để trải nghiệm tiện ích mà TKĐDĐT mức 2 mang lại, phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số trên toàn địa bàn TPHCM, góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Với xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay gắn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ứng dụng VNeID trở nên quen thuộc với công dân. Do vậy, công dân có thể đăng ký và sử dụng các tiện ích từ TKĐDĐT mức 2, thông qua ứng dụng VNeID là ứng dụng do Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ Công an xây dựng phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, có giá trị sử dụng thay thế các loại giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số. TKĐDĐT tạo công cụ để người dân có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử bảo đảm tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả. Công dân được miễn phí hoàn toàn khi đăng ký TKĐDĐT.