Tổng Bí thư làm trưởng hai tiểu ban Nhân sự và Văn kiện Đại hội XIII

Thứ Bảy, 06/10/2018 18:23  | Hải Triều

|

(CAO) Chiều nay (6-10), Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã họp phiên bế mạc sau 5 ngày làm việc trách nhiệm, khẩn trương.

Chủ trì buổi họp báo sau khi Hội nghị Trung ương 8 kết thúc, ông Bùi Trường Giang, Phó ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Hội nghị Trung ương 8 đã hoàn thành trọn vẹn chương trình đề ra.

Tại Hội nghị này, Trung ương đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; Nội dung cơ bản kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 cũng được thông qua tại hội nghị lần này.

Ông Lê Quang Vĩnh thông tin tại buổi họp báo

Trung ương cũng quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, gồm: hai Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban kinh tế - xã hội do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban và Tiểu ban tổ chức phục vụ Đại hội do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng tiểu ban.

Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, bầu bổ sung 2 uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra.

Cùng với đó, Trung ương xem xét, kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Năng Trần Văn Minh; cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XI đối với nguyên Bộ trưởg Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son.

Ngoài ra, Trung ương cũng xem xét báo cáo của Bộ Chính trị đã xem xét giải quyết từ sau Đại hội XII; báo cáo tài chính Đảng.

Trả lời câu hỏi liệu có sáp nhập hai Văn phòng Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước không, trong trường hợp Tổng Bí thư được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết, hiện nay 4 văn phòng (VP Trung ương, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ, VP Quốc hội) đã có quy chế phối hợp rất chặt chẽ. Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn trong việc tổ chức công việc của Đảng và Nhà nước, vì thế không đặt vấn đề sáp nhập hai cơ quan này.

Ông Vĩnh phân tích, Văn phòng Trung ương Đảng có nhiệm vụ phục vụ Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Trong Văn phòng Trung ương Đảng còn có một bộ phận quan trọng là Văn phòng Tổng Bí thư, gồm các trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư.

Nói thêm về việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước, ông Vĩnh nhấn mạnh, đây là một việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân. “Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đã được thực hiện trong hệ thống chính trị của rất nhiều nước. Người đứng đầu Đảng cầm quyền đều là người đứng đầu Nhà nước. Chúng ta đã có sẵn định chế Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch nước nhưng do điều kiện cụ thể chưa cho phép nên khi thực hiện việc này cũng là vấn đề tự nhiên”, ông Vĩnh nêu rõ.

Giải đáp câu hỏi của PV Báo Công an TP.HCM liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, ông Lê Quang Vĩnh thông tin, theo chương trình nghị sự của Ban Chấp hành Trung ương, năm 2018 sẽ còn một Hội nghị Trung ương (Trung ương 9) vào tháng 12 tới để lấy phiếu tín nhiệm đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, các đồng chí là thường trực cấp uỷ các cấp. Việc lấy phiếu tín nhiệm này được tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn.

Cũng tại Hội nghị Trung ương 9, một số nội dung quan trọng khác sẽ được đưa ra thảo luận, xem xét.

Bình luận (0)

Lên đầu trang