(CAO) Những ngày này, trong ngôi nhà nơi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sinh ra và lớn lên ở thôn 3, xã Đông Mỹ rất đông người dân địa phương có mặt. Bởi khi nghe tin người con ưu tú của quê hương từ trần, bà con ai nấy đều thương tiếc, bùi ngùi.
Ngôi nhà quá đỗi đơn sơ
Con đường dẫn chúng tôi về ngôi nhà nơi đã gắn bó cả tuổi thơ của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dường như tấp nập hơn. Có mặt tại ngôi nhà cấp 4 của nguyên Tổng Bí thư ở thôn 3, xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội), khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ.
Ngôi nhà giản dị và thoáng mát được lợp mái pro xi măng và tường ốp nhựa. Ngôi nhà đơn sơ chỉ có một bộ bàn ghế tiếp khách và hai chiếc giường nhỏ. Xung quanh nhà có nhiều cây xanh tỏa bóng mát và sân được lát bằng gạch đỏ truyền thống nhuốm màu thời gian.
Di vật mà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để lại chỉ là đôi hoành phi câu đối ở bàn thờ gia tiên và bức tượng nhỏ ở cửa ra vào. Ngôi nhà này vẫn giữ được gần như nguyên trạng và chỉ tu sửa lại những chỗ hư hỏng nặng. Đây cũng là nơi con cháu của nguyên Tổng Bí thư tập trung mỗi khi Tết đến xuân về.
Ngôi nhà đơn sơ ở quê hương của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười
Vừa là cháu ruột của nguyên Tổng Bí thư và cũng là người trông nom ngôi nhà này trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Duy Yên cho biết, ngôi nhà mà nguyên Tổng Bí thư đã sinh ra và lớn lên qua năm tháng vẫn giữ được gần như nguyên trạng và chỉ tu sửa một số chỗ xuống cấp.
Theo ông Yên, ngôi nhà trước đây được làm bằng vách đất, lợp lá gồi, nhưng sau này do mưa bão làm hư hỏng nặng nên cách đây 20 năm gia đình đã xây dựng lại bằng gạch non, ngói to với 3 gian, 2 chái. Tuy nhiên, sau nhiều năm ngôi nhà đã xuống cấp, tường bục và ngói hỏng, nhưng mỗi khi xin ý kiến dỡ xây dựng lại, cụ Đỗ Mười đều không đồng ý nên gia đình đã sửa lại bằng cách lợp thêm tấm lợp xi măng ở trên để đảm bảo.
Ông Yên (áo đen) kể về kỉ niệm năm 1971 khi ngôi nhà bị tốc mái
“Khi còn khỏe, năm nào ông tôi cũng về để thăm họ hàng và thắp hương cho các cụ. Trong mỗi dịp về, ông tôi đều yêu cầu phải giữ nguyên trạng ngôi nhà, không được thay đổi kiến trúc. Ngày trước, đã có nhiều người muốn sửa sang lại ngôi nhà nhưng ông không đồng ý", ông Yên chia sẻ và nhắc đi nhắc lại lời căn dặn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Ngôi nhà này vẫn ở tốt. Nếu có xuống cấp quá thì tu sửa lại. Nhiều nơi bà con còn khốn khổ hơn mình họ vẫn sống tốt đó thôi. Nếu bác mất, các con muốn làm gì ngôi nhà này cũng được, nhưng bây giờ bác muốn để nguyên như vậy”.
Một con người giản dị, tình cảm
Trong ngôi nhà giản dị ấy, ông Nguyễn Duy Yên, cháu ruột của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nghẹn ngào tâm sự với chúng tôi: “Dù biết bác đã cao tuổi và đang điều trị tại bệnh viện nhưng khi nhận tin bác qua đời, tôi cùng người thân vẫn bàng hoàng”.
Khi nhắc về những đóng góp của nguyên Tổng Bí thư với đất nước và nhân dân, ông Yên cho biết, bản thân rất tự hào khi được là cháu của nguyên Tổng Bí thư. Bởi, khi còn sống ông Đỗ Mười là người sống rất giản dị và tình cảm.
Ông Yên kể về kỉ niệm vào năm 1971, khi ngôi nhà của nguyên Tổng Bí thư tốc hết mái, nhà vách đất siêu vẹo bởi bão lũ. “Tôi đạp xe lên gặp bác trình bày: Bác ơi nhà thờ ông bà tốc hết mái rồi và đề xuất bác viết cho mấy chữ để về mua 1.000 lá gồi lợp lại mái nhà”, ông Yên nhớ lại. Bác Mười nói: Bác không viết cho cháu được, dân còn khổ lắm, mỗi nhà mình được lợp lá gồi hay sao, giờ cháu về đi, bà con hàng xóm lợp mái thế nào thì nhà mình cũng lợp vậy thôi.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thắp hương lên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết
Xuyên suốt những hồi ức về nguyên Tổng Bí thư của cụ Phạm Thận là sự giản dị và gần gũi. Cụ Phạm Thận năm nay đã 80 tuổi là người sinh hoạt cùng chi bộ với nguyên Tổng Bí thư và cũng là người có nhiều kỉ niệm về bác Mười.
Trong suốt câu chuyện kể về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Thận luôn dành cho nguyên Tổng Bí thư một cách xưng hô gần gũi: “Anh Mười”. “Anh Mười”. Tuy đảm nhận những chức vụ cao của Đảng và Nhà nước, nhưng đối với gia đình, làng xóm… ông luôn là người gần gũi và thân mật. Lần nào về thăm quê, “Anh Mười” cũng ngồi quây quần bên mọi người ăn trầu, uống nước rất đơn giản. Với “anh Mười”, chúng tôi không có sự quan cách, mà trái lại, luôn luôn là sự gần gũi như người thân trong gia đình.
Cụ Phạm Thận đang hồi tưởng về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười
Cũng theo chia sẻ của ông Yên, khi còn sống, tuy tuổi đã cao nhưng nguyên Tổng Bí thư vẫn rất minh mẫn và có sức làm việc “khó có ai theo kịp”. Nguyên Tổng Bí thư thường dậy sớm và thích tự làm mọi việc. Trong căn phòng đơn sơ của ông không có vật dụng gì giá trị ngoài sách. Ngày chưa lâm bệnh, nguyên Tổng Bí thư vẫn chăm đọc sách và tin tức trên báo chí. Ngoài ra, bữa ăn hàng ngày của bác cũng rất giản dị, đạm bạc với đậu phụ, vừng, lạc…
Tuy bận bịu với công việc đất nước nhưng nguyên Tổng Bí thư vẫn dành nhiều thời gian cho con cháu. Trong các cuộc trò chuyện với người thân, ngoài việc thăm hỏi động viên các con các cháu, bác Mười thường trao đổi những quan điểm sống trân quý cũng như các vấn đề nhân sinh quan. Không những thế, cứ mỗi lần về thăm quê, nguyên Tổng Bí thư còn động viên, khuyến khích bà con trong xã, trong huyện đoàn kết và tập trung phát triển kinh tế để nâng cao hơn nữa đời sống người dân.
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng cây đa lưu niệm tại xã Đông Mỹ năm 1996
“Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người cả đời sống vì lý tưởng cộng sản, vì đất nước, vì nhân dân; không bao giờ lợi dụng chức quyền để làm giàu cho riêng mình, để con cháu được nhờ vả. Chúng tôi tự hào vì điều đó” - ông Nguyễn Duy Yên nói.