TPHCM: Đưa Đề án 06 đến gần hơn và thiết thực hơn với đời sống của người dân

Thứ Năm, 21/11/2024 18:16  | Ngọc Anh

|

(CAO) "Việc làm giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trách nhiệm của chúng ta. Không để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau, mỗi trẻ em đều có quyền lợi cơ bản về an sinh xã hội", ông Huỳnh Thanh Nhân,  Phó Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh.

Ngày 21/11, tại TPHCM đã diễn ra buổi tọa đàm "Thực trạng và giải pháp công tác cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt", do Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Công an Thành phố, Hội bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố và Công Đoàn viên chức Thành phố phối hợp tổ chức.

Cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là trách nhiệm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "TPHCM là địa phương thu hút đông người dân các tỉnh, thành đến sinh sống, làm việc; trong đó có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, di cư cùng gia đình từ vùng sâu vùng xa, có nhiều khó khăn về việc làm giấy tờ tùy thân". Không có giấy tờ tùy thân, các em sẽ không được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội cơ bản như bảo hiểm y tế, giáo dục… Đồng thời, có nguy cơ rơi vào các vấn nạn như lao động sớm, bị khống chế làm việc vi phạm pháp luật. "Chính vì vậy, làm giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trách nhiệm của chúng ta. Không để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau, mỗi trẻ em đều có quyền lợi cơ bản về an sinh xã hội", ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm

Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, thống kê cho thấy, trên địa bàn thành phố có 575 em tại các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương không có giấy tờ tùy thân. Qua rà soát thực tế thì đúng đối tượng là 444 trẻ, số còn lại do trùng lặp danh sách, có quốc tịch nước ngoài hoặc đã di chuyển về các tỉnh, thành khác. Tính đến sáng 21/11, các cơ quan ban ngành liên quan đã phối hợp cấp giấy khai sinh cho 417/444 trường hợp. 21 trong 27 trường hợp còn lại sẽ tiếp tục được giải quyết trong tháng 12/2024, còn lại 6 trường hợp, Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh đang xin ý kiến từ Bộ Tư pháp do vướng mắc về Luật Hộ tịch.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Thượng tá Hồ Thị lãnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Phòng CSQLHC về TTXH) Công an TP.Hồ Chí Minh chia sẻ trong buổi tọa đàm, từ khi Hội đồng nhân dân Thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch số 405/KH-HĐND về Tọa đàm những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp Giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và căn cước công dân đối với các nhóm trẻ em, thanh niên (16-18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn Thành phố, công tác này nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo HĐND, UBND TP thông qua các hoạt động khảo sát, giám sát thực tế tiến độ giải quyết. Từ đó công tác cấp Giấy tờ tùy thân cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt có sự chuyển biến rất tích cực và được sự đồng thuận cao từ các cơ quan, ban ngành. Qua đó góp phần đưa Đề án 06 gần hơn và thiết thực hơn với đời sống của người dân Thành phố.

Đại tá Nguyễn Đình Dương - Phó giám đốc Công an TP.HCM và ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM dự tọa đàm

Gỡ vướng mắc bằng mọi giá

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung phân tích thực trạng và những khó khăn cụ thể trong công tác cấp giấy tờ cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt. Việc thiếu giấy tờ pháp lý không chỉ cản trở các em trong việc học tập, tiếp cận y tế mà còn ảnh hưởng lớn đến tương lai của các em. Theo các đại biểu, hiện việc cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Những vướng mắc chính là thiếu giấy tờ chứng minh từ cha mẹ, khó khăn trong thủ tục hành chính, thiếu sự liên kết dữ liệu giữa các cơ quan, vướng mắc về luật, khiến quá trình cấp giấy tờ trở nên phức tạp.

Thượng tá Hồ Thị lãnh, Phó Trưởng Phòng CSQLHC về TTXH Công an TP.Hồ Chí Minh phát biểu

TS Lê Văn Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học Xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) trình bày kết quả khảo sát tại 41 cơ sở xã hội ngoài công lập. Qua đó cho thấy nguyên nhân phổ biến khiến trẻ gặp khó khăn trong việc làm giấy tờ tùy thân là do không có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh. Nhiều trường hợp, cha mẹ, người giám hộ hoặc chủ cơ sở xã hội chưa quan tâm đến việc làm giấy tờ cho trẻ. Điều này khiến các em bị thiệt thòi, nhất là khi đăng ký đi học, tiếp cận dịch vụ y tế (mua bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh).

“Trẻ em không có giấy khai sinh rơi vào trạng thái vô định, không được công nhận về pháp lý, lớn lên không thể làm căn cước và các giấy tờ khác”, TS Công nói. Ông cũng chỉ ra sự bất cập trong quy định độ tuổi trẻ em của Việt Nam (dưới 16 tuổi theo luật Trẻ em 2016) trong khi Công ước của Liên hiệp Quốc về quyền trẻ em quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi.

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.Hồ Chí Minh trả lời báo chí

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP đã giải quyết cấp giấy khai sinh cho trên 400 trường hợp và đang tiếp tục giải quyết tiếp nhưng từ lúc đó đến giờ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP đã nhận báo cáo thêm gần 100 trường hợp nữa. Hội đã gửi công văn qua CATP và Sở Tư pháp để tiếp tục triển khai.

“Điều này chứng tỏ sự di biến động của đối tượng trẻ em là rất lớn. Đó là khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra còn khó khăn đến từ sự thiếu chủ động phía gia đình các bé, của cơ sở chăm sóc trẻ em, của địa phương; sự phức tạp của việc nhiều thế hệ gia đình các em không có giấy tờ tùy thân…”. Chính vì vậy, để giải quyết cơ bản vấn đề này, theo ông Nghinh, cần sự chủ động phối hợp của nhiều cơ quan, nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan công an và tư pháp. Ông Nghinh cũng kêu gọi sự chung tay của các tổ chức xã hội và nhắc đến sự đồng hành, gắn bó của Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI) đối với chương trình.

 Đại diện các quận huyện, nêu lên những khó khăn, vướng mắc

Là những người trực tiếp làm hồ sơ, đại diện các quận, huyện trình bày vướng mắc về từng hồ sơ một trong 27 hồ sơ chưa thể giải quyết. Ông Cao Thanh Bình đề nghị các đơn vị tiếp tục nỗ lực, phối hợp với nhau để giải quyết dứt điểm, cần thì tổ chức họp liên ngành giải quyết từng trường hợp còn vướng mắc. "Nếu làm bằng tất cả trái tim, trách nhiệm của chúng ta với trẻ em, tất cả các trường hợp vướng mắc đều sẽ có cách giải quyết", ông Bình nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Bình cũng kiến nghị biên soạn tài liệu hướng dẫn, tổng hợp từ các trường hợp đặc biệt đã xử lý và xem nó như "án mẫu" giúp giải quyết hiệu quả các tình huống tương tự trong tương lai.

Phát biểu tại tọa đàm, Đại tá Nguyễn Đình Dương - Phó giám đốc Công an TP.HCM yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát, xử lý triệt để các trường hợp chưa được giải quyết, báo cáo ngay cho Phòng CSQLHC về TTXH. Đồng chí cũng chỉ đạo Phòng CSQLHC về TTXH đảm bảo phối hợp chặt chẽ với địa phương, hành động nhanh chóng để tránh tồn đọng hồ sơ.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu

Đánh giá cao công tác cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của TP.Hồ Chí Minh, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khẳng định, cấp giấy tờ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là điểm nghẽn trong nhiều năm, không chỉ ở TP.Hồ Chí Minh, dẫn đến nguy cơ có nhiều trẻ em sống ngoài vòng pháp luật, bị bỏ lại phía sau, không được hưởng các chính sách an sinh xã hội. TPHCM đã giải quyết được vấn đề tồn tại nhiều năm nay và đang là địa phương đi tiên phong trong công tác này.

“Tôi thực sự xúc động trước hình ảnh đẹp về sự quan tâm của chính quyền TP, của các ban ngành và tổ chức TP trong việc vượt qua các rào cản pháp lý và thiếu đồng bộ để bảo vệ quyền trẻ em, để không trẻ em nào bị bỏ lại sau. TP đã dũng cảm đi đầu vì người dân”, ông Nam chia sẻ. Ông Nam cũng mong muốn những bài học kinh nghiệm từ TP.Hồ Chí Minh, với sự nỗ lực ở cấp quận, huyện, xã, phường, từng hộ gia đình và từng trường hợp cụ thể, sẽ là tài liệu quý giá để các địa phương khác học tập trong tương lai.

Bình luận (0)

Lên đầu trang