TPHCM: Dự kiến dành thêm 2.000 ha đất phục vụ các doanh nghiệp

Chủ Nhật, 08/12/2019 16:13

|

(CAO) Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM khoá IX, sáng 8/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng, HĐND TP thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2020.

Tham dự phiên thảo luận có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.

Kinh tế tăng trưởng bền vững

Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) đánh giá cao sự tăng trưởng kinh tế của TP trong năm 2019, nhất là có những chỉ tiêu tăng cao hơn cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, các ĐB cũng đề nghị TP cần có những giải pháp để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao đổi cùng các đại biểu tại buổi họp sáng nay

ĐB Võ Thị Ngọc Thúy, quận Thủ Đức phân tích: Theo đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế TPHCM trong năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2019 có sự tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của TP chiếm 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng nếu đánh giá vào sự tăng trưởng của 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, chế tạo điện tử, cao su - hóa chất - nhựa, chế biến lương thực thực phẩm đang có tăng trưởng chậm so với cùng kỳ.

Do đó, cần đánh giá lại xem đâu là ngành công nghiệp TP thực sự tập trung trong thời gian tới, có cần phải điều chỉnh lại các ngành công nghiệp hay không và cần phát huy danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Chẳng hạn như ngành da giày không mãi chỉ cung cấp các loại nguyên liệu mà phải tiến tới ngành công nghiệp thời trang; hay ngành chế biến lương thực, thực phẩm, TP phải trở thành trung tâm chế biến lương thực, thực phẩm chất lượng cao cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phải hướng đến mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu đóng góp vào doanh thu từ ngành này.

ĐB Võ Thị Ngọc Thúy cũng cho rằng: Một tín hiệu tốt của kinh tế TP thời gian qua là ngành dịch vụ. Cụ thể, năm 2019, ngành dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GRDP là 60,42%; trong đó có 3 lĩnh vực đang có ưu thế là khoa học - công nghệ, y tế, ăn uống và du lịch…

Vì vậy, ĐB Võ Thị Ngọc Thúy khuyến nghị khi tín hiệu thị trường đã có, TP cần tập trung đầu tư một cách thích đáng hơn cho các ngành dịch vụ. Trong đó, cần tập trung đầu tư quỹ đất cho dịch vụ; cần rà soát lại giá trị sản xuất công nghiệp và các ngành công nghiệp chủ lực, tập trung vào một số ngành dịch vụ, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của các doanh nghiệp (DN).

Cũng theo ĐB Võ Thị Ngọc Thúy, việc thành lập DN mới năm nay không đạt chỉ tiêu không phải là vấn đề quá quan trọng mà phải tạo ra phong trào để DN khởi nghiệp mạnh dạn, chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN có thực chất.

Do đó, TP cần học tập mô hình khu công nghiệp thông minh mà hiện nay trên thế giới đang áp dụng với cơ sở hạ tầng, nhà xưởng có sẵn để giúp DN vừa và nhỏ mạnh dạn đăng ký thành lập DN trong sản xuất công nghiệp giúp họ lớn mạnh dần.

Cũng tại buổi thảo luận, các ĐB đề nghị TP cần có giải pháp quản lý những phát sinh ở chung cư; chấn chỉnh tình trạng hoạt động của các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ; xử lý tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động trên địa bàn.

ĐB Tăng Hữu Phong, quận Tân Bình cho biết: Vấn đề cử tri và người dân rất quan tâm là việc quản lý các chung cư mới xây dựng, nhất là những tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư, dù vấn đề này, Thường trực HĐND TP khóa này đã có hội nghị giải trình nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo.

Do đó, lãnh đạo TP cần dành sự quan tâm thỏa đáng và có giải pháp mang tính chung nhất, có một nhạc trưởng để giải quyết vấn đề giữa chủ đầu tư, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Rà soát quỹ đất phục vụ cho DN thành lập mới

Phát biểu giải trình làm rõ các nội dung ĐB đặt ra liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Về số lượng DN thành lập năm 2019 theo dự kiến 46.200 DN nhưng chỉ đạt hơn 44.000 DN. Số DN thành lập năm 2019 từ hai nguồn là tự nhiên và từ hộ kinh doanh chuyển sang. Số DN không đạt chủ yếu do hộ kinh doanh chuyển sang.

Tuy chỉ tiêu số lượng thành lập DN không đạt so với chỉ tiêu đề ra, nhưng các chỉ tiêu cho thấy doanh nghiệp TP vẫn ngày càng giữ vững và phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng của TP. Cụ thể, số DN thành lập không đạt nhưng hộ kinh doanh cá thể suốt từ 2017 - 2019 phát triển lên DN có chiều hướng tăng.

Đồng thời, số DN giải thể năm 2019 giảm hơn so với 2018. Bình quân về số vốn DN thành lập mới từ năm 2016 đến nay cũng tăng trưởng liên tục như: Năm 2016, số vốn điều lệ mới thành lập bình quân của DN là 8 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 là trên 16 tỷ đồng/doanh nghiệp thành lập mới; trong năm 2019 số DN có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng đạt con số hơn 715 DN và số vốn điều lệ hơn 400.000 tỷ đồng chiếm 70% trong tổng số DN thành lập mới trên địa bàn. Ngoài ra, số DN tạm ngưng hoạt động quay trở lại hoạt động cũng tăng so với năm 2018 trên 24%.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho hay: Trong năm 2019, đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài thì 3 ngành chủ yếu mà DN góp vốn nhiều nhất là ngành nghề chế biến chế tạo chiếm 40% số vốn, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 20%, hoạt động khoa học - công nghệ chiếm 14,53%.

Số lượng DN trong nước về cơ cấu ngành nghề thì ngành thương mại, buôn bán chiếm 32%, với số vốn đăng ký là 152.000 tỷ đồng; tiếp đến ngành xây dựng, chế biến chế tạo.

Đặc biệt, trong 13 ngành kinh doanh chính có số lượng DN thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 có 3 ngành là sản xuất cung ứng điện, nước; dịch vụ; vận tải kho bãi logistics.

Để cho các ngành đóng góp nhiều cho GRDP, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai thông tin: TP sẽ tạo điều kiện cho các DN đầu tư thêm vốn kinh doanh, lĩnh vực đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả. TP rà soát quỹ đất để phục vụ cho DN thành lập mới sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, TP có 17 Khu công nghiệp - Khu chế xuất khoảng 4.000 ha, dự kiến 5 năm tới có 23 Khu công nghiệp - Khu chế xuất với khoảng 6.000 ha. Bên cạnh đó, đẩy nhanh, củng cố 10 chỉ số liên quan năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ DN phát triển.

Liên quan đến việc quản lý các dự án chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình thông tin: Vừa rồi, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư thay thế Thông tư 02 về hướng dẫn về quản lý vận hành nhà chung cư. Trong Thông tư 06 có nhiều điểm mới và Sở sẽ thực hiện một số bước để tìm cách quản lý được các nhà chung cư, tránh khiếu nại, khiếu kiện nhiều hơn.

Về giải pháp cụ thể trong quản lý chung cư, trách nhiệm chính là Ban Quản trị chung cư, thứ 2 là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm suốt vòng đời dự án chung cư, thứ 3 là các quận - huyện, phường - xã phải tham gia quá trình kiểm tra giám sát.

Bình luận (0)

Lên đầu trang