TPHCM hiện chỉ còn 46 trong tổng số 237 chợ hoạt động

Chủ Nhật, 18/07/2021 18:14

|

(CAO) Hiện TPHCM chỉ còn 46 trong tổng số 237 chợ, trong đó bao gồm 3 chợ đầu mối trên địa bàn còn hoạt động, chợ tạm ngưng hoạt động là 191/237, như vậy có đến hơn 3/4 số chợ truyền thống trên địa bàn đã tạm đóng cửa vì có ca F0 hoặc liên quan F0.

Sáng 18/7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đến thăm và kiểm tra tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM.

Đoàn đến thăm và kiểm tra chợ Bình Thới (Quận 11), chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) và chợ Ba Bầu (Quận 12).

Đa phần các chợ đều đảm bảo thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh theo nguyên tắc 5K. Các tiểu thương khi bán hàng đều được xét nghiệm tầm soát bệnh. Người dân khi đến mua sắm tuân thủ nguyên tắc 5K, khai báo y tế, được đo thân nhiệt, sát khuẩn trước khi vào chợ. Tiểu thương bán hàng và người dân bảo đảm giữ khoảng cách trong mua bán...

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với lãnh đạo Quận 11.

Sau khi khảo sát tình hình hoạt động tại các chợ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý khi chợ tổ chức hoạt động phải chú trọng ưu tiên nhất là bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ban Quản lý chợ phải có sự chuẩn bị phát phiếu đi chợ cho người dân, bảo đảm tránh ùn tắc khi cho người dân đến chợ.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị lãnh đạo phường tổ chức xét nghiệm lấy mẫu cho các tiểu thương tham gia bán hàng tại chợ, tránh lây nhiễm bệnh trong thời gian chợ hoạt động, nếu không bảo đảm an toàn phòng chống dịch thì phải đóng cửa ngay.

Bên cạnh đó, địa phương phải chủ động phối hợp với Sở Công thương tổ chức các điểm bán hàng lưu động bảo đảm cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Quyền Chủ tịch UBND Quận 12 Nguyễn Văn Đức cho biết, hiện quận có 10 chợ truyền thống, qua quá trình thực hiện kiểm tra các tiêu chí có 7 chợ tạm ngưng hoạt động. Hiện tại quận còn 3 chợ đang hoạt động, 5 siêu thị và 138 cửa hàng tiện ích. Khi đóng cửa các chợ truyền thống, quận phối hợp với Sở Công thương tổ chức các xe bán hàng lưu động bảo đảm cung ứng sản phẩm cho người dân.

Thời gian tới, quận tiếp tục tăng cường kiểm tra các điều kiện để mở lại các chợ truyền thống và bảo đảm công tác phòng chống dịch theo Chỉ thị 16. Địa phương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát giá cả, tình hình cung ứng hàng hóa và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ tăng giá. Hiện nay giá cả tại các chợ đã khá ổn định, không có hiện tượng tăng giá quá cao.

Một số tiểu thương tại các chợ cho biết, hiện giá cả hàng hóa có tăng hơn ngày thường và số lượng người dân cũng đến chợ ít hơn trước, nhưng các tiểu thương vẫn cố gắng lấy hàng hóa để bán với giá cả ổn định nhất.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiểm tra tại chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp).

Hiện tại TPHCM chỉ còn 46 trong tổng số 237 chợ; trong đó bao gồm 3 chợ đầu mối trên địa bàn còn hoạt động. Chợ tạm ngưng hoạt động là 191/237, như vậy có đến hơn 3/4 số chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố đã tạm đóng cửa vì có ca F0 hoặc liên quan F0.

Sở Công thương TPHCM đã nghiên cứu, đề xuất và được lãnh đạo TP chấp thuận phương án cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống ở những khu vực tương đối an toàn. Với phương án này, mỗi chợ sẽ không mở cửa lại toàn bộ mà chỉ lựa chọn một số tiểu thương có đủ năng lực cung cấp các mặt hàng thiết yếu là cá, thịt và rau, củ quả.

Hàng hóa được chia sẵn theo từng túi, bán đồng giá để đảm bảo giao dịch diễn ra nhanh chóng; người mua đến lấy hàng, thực hiện quy định 5K, để lại tiền, hạn chế tiếp xúc; các tiểu thương chia ca ra bán theo giờ, theo buổi; chỉ bán khu vực thông thoáng, có nắng; vận động người dân chia ca đi chợ hoặc người bán giao hàng tận nhà cho khách.

Hiện tại Sở Công Thương đang lên kế hoạch tổ chức mở bán thí điểm các mặt hàng rau củ quả tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố. Sau đó tùy theo kết quả thực hiện để xem xét mở bán thí điểm thêm các mặt hàng thịt heo, gạo, thủy hải sản…

Ban Quản lý chợ sẽ hướng dẫn tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn sản phẩm để thuận tiện mua bán, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán-người mua và thông qua khu phố, tổ dân phố để thông tin về việc tổ chức các điểm bán đến người dân (thời gian, mặt hàng, quy cách, giá bán...).

Ban Quản lý chợ sẽ phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bố số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hoá cung ứng và hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang