Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (mở rộng) đã bế mạc vào chiều 14/10. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị với tỉ lệ nhất trí cao (100%).
Thẳng thắn nhìn nhận, nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm
Phát biểu bế mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã đánh giá cao tinh thần làm việc, tham gia thảo luận của các đại biểu tham dự hội nghị.
Trao đổi một số kết quả về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu, chi ngân sách của thành phố 9 tháng đầu năm 2021, đồng chí cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được (tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 75% dự toán, tăng 7,96% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao tăng 12,51% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 56,41% so với cùng kỳ), kinh tế TP ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch lần thứ 4, nhiều chỉ số kinh tế giảm sâu.
Tình hình này, ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của đại dịch Covid-19, còn có nguyên nhân chủ quan. Đồng chí nhấn mạnh, cần thẳng thắn nhìn nhận và thấy rằng có lúc, có nơi công việc còn chậm trễ so với kế hoạch, có lúc có nơi bị động, lúng túng, thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, ứng phó, xử lý các tình huống cụ thể xảy ra khi có dịch bệnh.
Mặc dù trước đó, chúng ta có quan tâm, bàn kế hoạch để duy trì, tận dụng thời cơ nhóm ngành công nghiệp then chốt cố gắng duy trì, không để gián đoạn, giữ cho được sản xuất và chuỗi cung ứng nhưng chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình, nhận định đánh giá để xây dựng và triển khai các phương án vừa phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và dài hạn.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị
Đề cập đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận trong 9 tháng năm 2021, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ, đại dịch Covid-19 biến chủng Delta đi đến đâu tàn phá nặng nề đến đó. Mỗi nước dù với những điều kiện khác nhau cũng có những khó khăn, lúng túng. TP cũng không ngoại lệ.
Trong cam go, thử thách, tưởng chừng như có lúc không thể vượt qua được nhưng với tinh thần đoàn kết, chung sức, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP đã vượt qua khó khăn, lan tỏa sâu rộng. Trong lúc khó khăn nhất tinh thần đoàn kết được phát huy, chúng ta đã đồng tâm hợp lực, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng cùng nhau vượt qua thử thách.
“Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn TP quán triệt nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy, thống nhất nhận thức, trách nhiệm cao nhất, nỗ lực tối đa; đoàn kết, năng động sáng tạo trong cách làm, huy động được sức mạnh của Nhân dân, doanh nghiệp, phát huy tính chủ động hệ thống chính trị, nhất là cấp quận huyện, TP Thủ Đức đã năng động sáng tạo” – Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo dù trong hoàn cảnh nào luôn duy trì công tác kiểm tra giám sát. Việc kiểm tra giám sát không chỉ tìm các điểm yếu để uốn nắn các thiếu sót, mà còn kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả vì nhân dân phục vụ.
Tuy nhiên, cũng qua thử thách công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị bộc lộ một số hạn chế, bất cập, yếu kém, tồn đọng cần nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm. Còn một số nơi chưa nắm chắc tình hình Nhân dân nên xử lý những vấn đề phát sinh còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là thực hiện các biện pháp y tế và an sinh xã hội…
Toàn cảnh hội nghị
Tập trung phát triển kinh tế tri thức, có hàm lượng chất xám cao
Về nhiệm vụ cấp bách thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế. TP tiếp tục xác định phòng chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; kiên trì, chủ động, nhất quán phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” trong giai đoạn chuẩn bị cho bình thường mới.
Đồng chí nhấn mạnh, chúng ta từng bước, từng bước cố gắng nỗ lực để thực hiện, duy trì các biện pháp phòng chống dịch như kế hoạch đề ra. Đồng thời, từng bước phục hồi, vững chắc, an toàn, phối hợp đồng bộ, không nôn nóng nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội. Hai điểm này đặt ra là rất khó khăn nhưng tin vào bản lĩnh của lãnh đạo các quận, huyện sẽ tiếp tục quyết đoán mở tới đâu, mở thế nào, mở cái gì là kiểm soát được.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu khẩn trương ban hành và triển khai hiệu quả chiến lược Y tế - chiến lược trụ cột trong công tác phòng chống dịch. Tập trung củng cố, đầu tư đúng mức, nâng cao chất lượng hệ thống y tế TP, nhất là y tế cơ sở-y tế dự phòng bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất ngay từ cơ sở.
Huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, phát triển lĩnh vực y tế; tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết và phát huy vai trò của người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch.
Đồng chí yêu cầu, ngành Y tế cần chuẩn hóa về nhân sự và điều kiện để tiếp nhận, thay thế các lực lượng tăng cường hiện nay; chuẩn bị các kế hoạch, kịch bản, tình huống, kể cả diễn tập cho giai đoạn mới, giai đoạn nới lỏng giãn cách.
Một trong những nội dung quan trọng là khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế tri thức, kinh tế có hàm lượng chất xám cao, hạn chế tối đa các ngành, lĩnh vực sử dụng lao động giản đơn. Bên cạnh đó là tập trung phân tích, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng của TP.
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách; phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; tái cấu trúc đô thị, quy hoạch sắp xếp; đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; xây dựng chính quyền đô thị, nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị.
Bên cạnh đó là sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Chủ động nghiên cứu đề xuất, mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho TPHCM để phát triển phù hợp quy mô và vai trò của thành phố trên các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư, xây dựng; tài chính, ngân sách; đất đai, môi trường nhằm giải quyết các điểm nghẽn về thủ tục hành chính hiện nay; Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022 – 2025…
Khẩn trương đề xuất và triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhất là về tiếp cận nguồn vốn, nguồn lao động; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, gắn kết chặt chẽ với các giải pháp tiếp tục thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chính quyền cùng doanh nghiệp thi đua vượt chướng ngại vật để tăng tốc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tăng cường đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thái độ cầu thị, thể hiện chia sẻ với nhà đầu tư trong lúc khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài tại TPHCM.
Nghiên cứu tổ chức cầu siêu cho đồng bào, CBCS đã mất trong đại dịch
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu, tập trung triển khai có kết quả chiến lược xã hội – là chiến lược trọng yếu. Trước mắt, nghiên cứu hình thức phù hợp để tổ chức cầu siêu cho đồng bào, cán bộ - chiến sĩ đã mất trong đại dịch vừa qua. Cùng với đó là chăm lo cho trẻ mồ côi, người già neo đơn. Đồng thời, tổng kết, tri ân cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, các tình nguyện viên… đã nỗ lực cống hiến, dũng cảm quên mình, chung tay giúp sức cùng thành phố vượt qua dịch Covid-19.
Đồng thời, nghiên cứu phát động đợt thi đua cao điểm 3 tháng cuối năm với những nội dung cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị để phấn đấu hoàn thành đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cả năm 2021.
Đồng chí lưu ý, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm bảo trợ xã hội của TPHCM và Trung tâm an sinh TPHCM, quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Tập trung rà soát, không để sót người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục vận động người dân yên tâm ở lại TP và tổ chức đưa người dân có nhu cầu về quê bảo đảm chu đáo, an toàn.
Đặc biệt, tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, để xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân để giãn dân và cải thiện môi trường sống cho người dân khi đến TPHCM. Đề nghị các địa phương, yêu cầu chủ nhà trọ điều chỉnh lại, đảm bảo diện tích, khoảng cách theo đúng tiêu chuẩn. Đối với nhà ở xã hội, TPHCM sẽ có kế hoạch, chính sách.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng lưu ý một số nội dung về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận, trong đó yêu cầu từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, để tự giác, gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ được giao với nỗ lực cao nhất.
“Phải nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, tạo ra chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị thời gian tới” – Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đề nghị.
Đồng chí yêu cầu, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp đưa khuyến cáo trực quan để nhắc nhở người dân và doanh nghiệp luôn nhớ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, đưa quy định với từng cấp, từng ngành cụ thể và nơi nào để xảy ra vi phạm thì xử lý nghiêm, có như vậy thì mới có thể sống trong điều kiện bình thường mới.
Khắc phục các tồn tại, hạn chế tại Khu đô thị Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP sẽ đổi tên, bổ sung chức năng nhiệm vụ Ban Chỉ đạo là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Trạng thái hiện nay của TP vẫn chưa là bình thường mới, mà đang trong quá trình chuyển đổi, cần có lộ trình và bước đi phù hợp.
Về kinh tế - xã hội, dự báo khả năng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2021 là rất khó khăn, UBND thành phố đã đề ra 5 nhóm giải pháp để tăng thu hợp lý và chăm lo, nuôi dưỡng, tạo nguồn thu bền vững. Cần phải phối hợp thật nhuần nhuyễn giữa phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, phối hợp giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các địa phương rà soát, đánh giá lựa chọn chỉ tiêu cần phấn đấu đạt được trong thời gian còn lại của năm.
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm cuối năm, đồng chí cho biết tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành chủ lực, có tác động lan toả, dẫn dắt, đóng góp ngân sách lớn… Tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế tại Khu đô thị Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tiếp tục chăm lo an sinh xã hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022; bổ sung hoàn thiện kế hoạch tổ chức dạy và học, tiêu chí trường học an toàn, tiêm vaccine cho học sinh ngay khi có điều kiện.
(CAO) TPHCM rà soát, kiên quyết cắt giảm mạnh vốn đầu tư cho các dự án chưa thật sự cấp bách hoặc các dự án gặp vướng mắc chưa thể triển khai đầu tư và giải ngân sang các nhiệm vụ chi thường xuyên để đảm bảo kinh phí công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua các thách thức, khó khăn của dịch bệnh.