(CAO) Sáng 28/5, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số, với sự tham gia của đại diện một số quận huyện, sở ngành và doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo bà Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, thành phố là địa phương có mức GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước, tăng đều trong giai đoạn 2016-2020; đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD/người/năm, cao gấp 2,26 lần mức bình quân của cả nước. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ. Điều này thể hiện thông qua đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP tăng liên tục qua các năm, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 38,42%.
Bà Chu Vân Hải cho biết thêm, Sở Khoa học và Công nghệ được UBND TP giao nhiệm vụ xây dựng các nhiệm vụ liên quan chuyển đổi số như kế hoạch phát triển các Trung tâm đổi mới công nghệ phục vụ chuyển đổi số; Quy chế hỗ trợ thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo (sandbox); hướng dẫn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số...
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ, giới thiệu tổng quan về xu hướng ứng dụng công nghệ chuyển đổi số hiện nay; thảo luận về công nghệ phục vụ chuyển đổi số, đồng thời kết nối các yêu cầu ứng dụng công nghệ phục vụ chuyển đổi số tại thành phố.
Bà Ngô Thúy Hân - Giám đốc Công ty cổ phần BravoHR cho rằng, chuyển đổi số tác động lên toàn bộ doanh nghiệp, từ thương hiệu đến vận hành, tập trung vào hai vấn đề chính là chuyển đổi kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu tổ chức. Việc chuyển đổi công việc kinh doanh bằng cách xem xét lại mô hình kinh doanh, tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, suy nghĩ về thương hiệu và khám phá các cơ hội mới thông qua đổi mới nhanh chóng. Trong khi đó, chuyển đổi tổ chức bằng cách điều chỉnh văn hóa, giới thiệu các cách làm việc mới và xây dựng các năng lực phù hợp với thực tế...
Phân tích thực trạng hiện nay về quản lý nhân sự, theo bà Ngô Thúy Hân, hiện hầu hết các phần mềm quản lý nhân sự đều phục vụ cho bộ phận nhân sự, thiếu giao diện tương tác cho nhân viên; nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng bảng tính hay thậm chí là giấy tờ thủ công; bộ phận nhân sự sử dụng nhiều phần mềm, ứng dụng quản lý khác nhau nhưng chưa hiệu quả… Do vậy, việc áp dụng công nghệ, phần mềm quản lý nhân sự tốt, có sự tương tác cao là rất cần thiết, giúp nhân viên gắn bó hơn, qua đó đóng góp cho sự thành công của doanh nghiệp.
Trong khi đó, doanh nghiệp khởi nghiệp Educommerce cũng giới thiệu giải pháp công nghệ “Người nhân tạo” (Digital Humans), là sự kết hợp của nhiều nền tảng công nghệ tiên tiến và mới nhất hiện nay gồm trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và đồ họa 3D. “Người nhân tạo” có thể làm việc liên tục, năng suất làm việc gấp hàng chục ngàn lần so với nhân sự thông thường. Với tính năng thân thiện, dễ sử dụng, "Người nhân tạo" tiếp cận mọi đối tượng khách hàng, kể cả khách hàng khả năng hạn chế về công nghệ.
Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Educommerce, việc ra đời giải pháp “Người nhân tạo” nói tiếng Việt là một bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ, thúc đẩy việc chuyển đổi số ở thị trường Việt Nam sang một bước ngoặt mới. Điều này cụ thể hóa trí tuệ nhân tạo AI bằng một diện mạo rõ ràng, phù hợp để đưa vào phục vụ trong mọi ngành nghề, mọi cá nhân người dùng có nhu cầu một cách hiệu quả và thân thiện.
Dịp này, đại diện các doanh nghiệp và địa phương cũng giới thiệu một số giải pháp công nghệ như hệ thống số hóa trường học (TK Smart Vision); ứng dụng chatbox giúp việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả; trao đổi, đặt hàng hoàn thiện hệ thống quản lý hoạt động trong lĩnh vực quản lý chợ...