(CAO) Chiều 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 56. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, đạt 99,57%, cao hơn cả tỷ lệ cử tri đi bầu của khóa trước (đạt hơn 98%). Địa phương có tỷ lệ đi bầu thấp nhất cũng đạt trên 98%.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta đã tiến hành bầu cử trong hoàn cảnh rất đặc biệt, chưa từng có từ trước đến nay, đó là COVID-19 bùng phát lần thứ tư, nhanh hơn, với những chủng mới nguy hiểm hơn, tác động tới khoảng 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có những địa bàn bị tác động rất nặng nề như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc,…
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của Hội đồng Bầu cử quốc gia, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Bầu cử các cấp ở các địa phương, sự đồng hành, hưởng ứng của nhân dân, đến nay, có thể khẳng định, cuộc bầu cử đã được tổ chức một cách dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm, tuyệt đối an toàn; thành công rất tốt đẹp, thực sự là Ngày hội non sông, Ngày hội của toàn dân.
Bế mạc Phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có nhiều bài học không chỉ áp dụng trong điều kiện dịch bệnh mà còn có thể áp dụng cho điều kiện bình thường khác như việc vận động bầu cử bằng hình thức kết hợp trực tiếp kết hợp trực tuyến. Mặc dù số lượng cuộc tiếp xúc không nhiều nhưng số lượng cử tri được tiếp xúc rất lớn. Đặc biệt, cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử có nơi được phát thanh trực tiếp trên hệ thống phát thanh của địa phương, người dân đang làm việc ngoài đồng vẫn có thể biết được chương trình hành động của ứng cử viên. Qua bầu cử trong mùa đại dịch, càng thấy được sức mạnh trùng trùng, điệp điệp của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là dấu ấn rất tốt đẹp, cần được tiếp tục đánh giá, phân tích kỹ để rút kinh nghiệm cho các kỳ bầu cử sau.
Đánh giá về việc phân luồng cử tri đi bầu theo khung giờ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cách làm này không chỉ tốt trong điều kiện phòng, chống dịch mà cả điều kiện bình thường, cử tri đi bầu rất trật tự, an toàn, đỡ phải chờ đợi, không gây ùn ứ ở các khu vực bỏ phiếu. Điều đáng mừng là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã bầu đủ được 500 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Trước đó, vào đầu giờ chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý ngân sách Nhà nước, kết quả thu ngân sách nhà nước tăng 185 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có việc tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương (khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng); cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách (ngân sách Trung ương tiết kiệm được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao). Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1.000 tỷ đồng) và 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm (khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng)...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương rất lớn của Đảng, đã được thể chế hóa thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đôi khi, thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí có nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn trầm trọng hơn, lớn hơn tham nhũng. Vì vậy, vấn đề này phải được hết sức coi trọng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra; bố trí thời gian thích hợp để các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, ở hội trường.