TPHCM sẽ đề xuất hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương vì dịch

Thứ Tư, 25/03/2020 20:28  | A. Quân

|

(CAO) Chiều 25/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TPHCM tổ chức giao ban trực tuyến. Tại điểm cầu UBND TP có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.

Lắp camera, tăng cường công tác an ninh trật tự cho các khu cách ly

Tại buổi giao ban đại diện các sở - ngành, quận, huyện của TP đã báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, số trường hợp Covid-19 (từ ngày 9/3/2020 đến nay) là 31 ca đã được Bộ Y tế công bố. Có 6 ca đã xét nghiệm dương tính lần 1, đang chờ Bộ Y tế xét nghiệm khẳng định. Số trường hợp nghi ngờ trong ngày là 19 trường hợp, 14 trường hợp âm tính, 5 trường hợp đang đợi kết quả. Số trường hợp đang cách ly tập trung trong ngày là 9.678 trường hợp.

Hiện các Trung tâm Y tế quận, huyện đã phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát người nhập cảnh từ ngày 8/3 chưa được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. Đến 12 giờ trưa 25/3/2020 đã tiếp cận 518 trường hợp và đang rà soát tiếp tục. Các địa phương cũng đang khẩn trương thực hiện công tác ra soát các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chủ trì buổi giao ban.

Tại cuộc họp, một số ý kiến đề xuất để đảm bảo việc cách ly hiệu quả, cần tăng cường công tác an ninh trật tự cho khu cách ly; phối hợp chính quyền địa phương bảo vệ, triển khai lắp đặt camera quan sát để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống, nhất là việc tụ tập đông người để tiếp tế cho người thân đang được cách ly.

Trên địa bàn quận 2, cần cách ly riêng lẻ các tòa tháp ở khu chung cư Masteri. Đối với các trường hợp liên quan đến quán bar Buddha sẽ đưa vào khu cách ly tập trung của TP và điều tra dịch tễ. Tuy nhiên, cần bổ sung lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo kịp thời. Đối với các trường hợp là người nước ngoài trên địa bàn, Sở Ngoại vụ có thông tin và trao đổi với các Lãnh sự quán các nước tại TPHCM để hướng dẫn thực hiện đúng quy trình.

Phạt nghiêm người không chấp hành cách ly, khai báo y tế

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn các cấp, các ngành, lực lượng và các quận-huyện đã và đang ngày đêm nỗ lực vượt qua khó khăn gian khổ, chiến đấu với dịch bệnh vì sự an toàn của Nhân dân TP.

Trên cơ sở đánh giá khái quát tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và tại TP cũng như đề xuất của các sở, ngành, địa phương, với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, các cấp chính quyền, các ngành và địa phương cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân về các chủ trương, giải pháp phòng chống dịch của TP vì mục đích bảo vệ sức khỏe cho người dân và cộng đồng.

Về công tác cách ly, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu rõ, các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để người cách ly tại nhà ra khỏi nhà. Từ nay đến ngày 6/4/2020, TP dự kiến hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc cho 7.000 người đang cách ly ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM để tiến hành khử khuẩn và sẵn sàng cho đợt cách ly tiếp theo.

Đối với các vi phạm quy định về áp dụng biện pháp phòng chống dịch, như: không chấp hành cách ly, khai báo y tế,… thì căn cứ vào Điều 11 Nghị định 176 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để tiến hành xử phạt nghiêm theo luật định. UBND TP giao Sở Y tế xây dựng các kịch bản cho các tình huống cách ly trong trường hợp số lượng người nhiễm tăng lên và số lượng người cần cách ly cũng tăng theo.

Đối với việc rà soát tất cả người ở nước ngoài về nước từ ngày 8/3/2020 chưa được cách ly tập trung, chưa lấy mẫu xét nghiệm, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các địa phương triển khai rà soát trên diện rộng, tổng hợp danh sách để báo cáo TP trong ngày 26/3/2020.

Cùng với đó, cần tiếp tục khuyến khích người dân chỉ đi ra ngoài khi cần thiết; các doanh nghiệp làm việc online; khuyến khích các hình thức kinh doanh trực tuyến, giao hàng tận nơi, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp. Các cơ quan tổ chức họp trực tuyến, hạn chế số lượng, đảm bảo khoảng cách ngồi trong cuộc họp.

Đối với trường hợp người lao động mất việc, không có bảo hiểm; các giáo viên mầm non, tiểu học phải nghỉ không lương… vì dịch bệnh Covid-19, UBND TP sẽ có văn bản trình HĐND TP vào cuộc họp ngày 28/3/2020 tới để thông qua các chính sách hỗ trợ kịp thời.

Theo Sở Tư pháp TPHCM, các trường hợp không tuân thủ việc cách ly bắt buộc thực hiện phòng chống dịch Covid-19, TP sẽ áp dụng chế tài xử phạt theo Điều 11 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với các mức dưới đây:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;

b) Không thông báo UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch

b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch;

b) Thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;

b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh;

c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A;

b) Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;

c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch;

b) Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;

c) Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;

d) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

b) Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước;

c) Buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 5 và Điểm d Khoản 6 Điều này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang