Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì
phiên họp.
Tập trung giải ngân vốn đầu tư công
Báo cáo một số kết quả thực hiện kinh tế - xã hội năm 2022, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho biết, năm 2022 các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố tăng 9,44% so với cùng kỳ (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%); Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 19,92% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao.
Trong 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 theo Nghị quyết số 117/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND Thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến có 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt và có 3/19 chỉ tiêu chưa có cơ sở tính toán và đánh giá.
Trong năm 2022, UBND Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn là 37.463,673 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 2.479,640 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 34.984,033 tỷ đồng. Căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước Thành phố cung cấp, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố đã giải ngân đến ngày 31/10/2022 là 11.418,639 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,48% tổng kế hoạch vốn giao. Đến hết niên độ Kế hoạch đầu tư công năm 2022 (ngày 31/1/2023), Thành phố dự kiến giải ngân vốn là 28.753,707 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thành thắng lợi kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND Thành phố đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại Quyết định số 1351/QĐ-UBND ngày 26/4/2022, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mang tính thường xuyên, đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ quan thực hiện, đảm bảo tối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Thành phố.
Thông tin về tình hình xăng dầu, Giám đốc Sở Công thương TP Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay: Sau rất nhiều nỗ lực của TP cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay cơ bản khó khăn đã giảm bớt. Tính đến chiều hôm qua thì chỉ còn 18 cửa hàng thiếu xăng, so với giai đoạn cao điểm là 137 cửa hàng thiếu nên tình hình này cũng đã được cải thiện. Những giải pháp thời gian tới, tập trung hỗ trợ mạnh hơn nữa ngoài những chương trình của TP về hỗ trợ chính sách vĩ mô, trong đó có việc rất quan trọng là khả năng tiếp cận dòng vốn để sản xuất. Phối hợp với ngân hàng để có những chính sách về nguồn vốn ưu đãi cho các nhóm doanh nghiệp sản xuất và phân phối phục vụ cho chương trình bình ổn thị trường. Hiện TP đã chuẩn bị lượng vốn với 17.000 tỉ đồng để phục vụ hàng Tết.
TS Trần Du Lịch góp ý tại phiên họp.
Góp ý tại phiên họp, TS Trần Du Lịch cho rằng, điểm sáng lớn nhất về KT-XH của TP là chương trình phục hồi kinh tế đạt kết quả hơn 9%. Nhưng cũng cần quan tâm đến 2 điểm đó là điểm nghẽn hấp thụ vốn và thời điểm này, tâm lý thị trường không được tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, mặc dù còn gặp khó khăn nhưng không phải không có dư địa để TP phát triển. Do vậy, từ nay đến cuối năm, TS Trần Du Lịch đề nghị cần tập trung ổn định tình hình tài chính ngân hàng, hoạt động thương mại; gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ổn định xăng dầu; tập trung hoàn thiện Nghị quyết thay Nghị quyết 54.
Năm 2023, TS Trần Du Lịch đưa ra mục tiêu xây dựng chính sách là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng, ổn định việc làm, bảo đảm an ninh xã hội, ngăn chặn nguy cơ suy giảm tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, tập trung gỡ điểm nghẽn đặc thù, các nguồn vốn đầu tư thông qua nâng cao trách nhiệm của bộ máy hành chính công vụ các cấp, đẩy nhanh các công trình trọng điểm quốc gia, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế tri thức gắn với phát triển KHCN. Liên quan đến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023, căn cứ vào dự báo của Viện nghiên cứu phát triển, TS Trần Du Lịch đề nghị TP năm tới đặt mục tiêu tăng trưởng cân đối là khoảng 7,5%. Nhưng trong chỉ đạo điều hành, nếu có cơ hội thì có thể tăng lên.
Đánh giá sát tình hình để xây dựng trọng tâm kế hoạch năm 2023
Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị, các sở ngành, quận huyện chuẩn bị tổng kết năm và xây dựng kế hoạch năm 2023 với tinh thần phải đánh giá sát tình hình để xác định được trọng tâm và đưa ra giải pháp. “Mặc dù tình hình còn khó khăn, nhưng vẫn còn dư địa, điều quan trọng là tìm dư địa để tập trung phát triển, phải nhìn thấy những cái phát sinh trước mắt, đánh giá cho đúng để có giải pháp, chứ không bị động” – đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận phiên họp.
Từ nay đến cuối năm, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các sở ngành được giao các nội dung trình Thường vụ, Ban Chấp hành, trình HĐND thì khẩn trương rà soát lại và hoàn thành theo tiến độ vì không còn thời gian. Vừa qua, Chủ tịch UBND TP có văn bản gửi thủ trưởng cơ quan TP, chủ tịch các quận huyện, TP Thủ Đức đề nghị thực hiện nghiêm, trong đó cần nắm sát tình hình, phản ứng kịp thời và cái gì vượt quá thẩm quyền cần báo cáo ngay cho Thường trực UBND xử lý để tránh bị động.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình an ninh trật tự sẽ có nhiều khó khăn cho nên các địa phương cần phải theo sát xử lý kịp thời. Do vậy, các đơn vị cần quan tâm thể hiện trách nhiệm hành chính của các cơ quan, mỗi công chức cần tập trung tháo gỡ, thúc đẩy công việc. Nếu làm tốt thì cũng tạo ra được động lực mới đóng góp cho tăng trưởng.
Về vấn đề giải ngân đầu tư công, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, đến giờ này mới chỉ được 31% sẽ tiếp tục phải rà lại, từng sở, từng chủ đầu tư, quận huyện phải rà lại nhiệm vụ đầu tư công trên địa bàn từ đây đến cuối năm, còn vướng chỗ nào để trực tiếp tháo gỡ. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện văn bản để báo với Đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ về thay Nghị quyết 54.
Liên quan đến các công trình trọng điểm trong đó có dự án Vành đai 3, chú ý mốc thời gian ngày 31/11 phải phê duyệt dự án kể cả giải phóng mặt bằng và xây lắp, các sở ngành, quận huyện liên quan đến quy hoạch phối hợp Sở Quy hoạch – Kiến trúc hoàn thành hồ sơ, đảm bảo tiến độ phê duyệt dự án.