Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo có tư duy kiệt xuất:

Kỳ 5: Dấu ấn trên khắp đất nước - Khai sinh Đại học Quốc gia

Thứ Sáu, 18/11/2022 09:52

|

(CATP) Nhắc đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt là mọi người nhớ ngay đến một cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dấu ấn của Thủ tướng có trên nhiều công trình, lĩnh vực trải dài cả 3 miền đất nước. Ông là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam, là "tổng công trình sư” của nhiều dự án táo bạo. Dù ở bất kỳ cương vị nào, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn quan niệm: "Tất cả những ai nặng lòng với đất nước đều sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp chung". Niềm tin ấy giúp ông thành công trong mọi bước đi.

Tổng công trình sư

Dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thời xây dựng đất nước rất nhiều. Tên ông gắn với những biệt danh "Chủ tịch gạo", "Tướng xé rào", "Thủ tướng điện"... bởi ông là người triển khai, thực hiện các công trình, dự án lớn. Từ lo gạo cho dân, lo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, sản xuất "bung ra", lo cứu ngành y tế và phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng các công trình điện năng lớn như: Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây 500 kV Bắc - Nam, các công trình giao thông như đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận, hay khai thác, phát triển Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, thoát lũ ra biển Tây, nhà máy lọc dầu Dung Quất...Thế nên mọi người nhắc đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhắc đến một "Tổng công trình sư” là vì vậy.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà cải cách, đổi mới mang tầm chiến lược, có những quyết sách có tính mở đường trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngoại giao... Các nhà ngoại giao của đất nước cho rằng, ông là người góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện tư tưởng vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, tranh thủ thời cơ đưa đất nước thoát nghèo, đuổi kịp các nước đi trước. Việc phá thế bị bao vây, cô lập, xúc tiến bình thường hóa với Mỹ, gia nhập ASEAN... có công lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon từng nhận xét: "Như một động lực chính của những cải cách kinh tế tại Việt Nam, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng". Thủ tướng Võ Văn Kiệt được mệnh danh là "một tổng công trình sư” của thời kỳ đổi mới cùng với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (nói đi đôi với làm, những việc cần làm ngay) và những nhà lãnh đạo cùng thời, lớp học trò kế cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khắc họa một thế hệ những nhà lãnh đạo một lòng, một dạ vì dân, luôn có niềm tin vững chắc vào những quyết sách của mình, bởi những quyết sách ấy luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trước hết, trên hết và tất cả.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người biết lắng nghe và dám quyết, bởi những quyết định đó có hàm lượng tri thức khoa học, có thực tiễn cuộc sống và còn có cả những ân tình, khát vọng của nhân dân. Ông là một nhà lãnh đạo có khả năng và cả sức chịu đựng trong lắng nghe. Ông nghe được nhiều chiều, nhiều tiếng nói phản biện, nhiều khi rất "xốn", rất "rát tai". Chính vì vậy mà mọi quyết định của ông không ra đời từ kiểu quan liêu, bàn giấy.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt được nhắc nhớ như một con người phi thường mà rất gần gũi, bình dị, thân thương, luôn quý trọng đối với mọi người thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, ở các dân tộc, tôn giáo khác nhau, ở mọi thành phần, người Việt Nam trong nước và ngoài nước. Một nhà lãnh đạo có sức cảm hóa và thu phục nhân tâm với tinh thần hòa hợp dân tộc, tạo nên sự đồng thuận vì sự phát triển đi lên của đất nước. Điều mà ông luôn tâm đắc là sức mạnh đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước. Ông đặc biệt thương yêu, trân trọng và tìm cách phát huy người trẻ, cán bộ trẻ, luôn muốn tạo cho họ cảm giác công bằng, không để mặc cảm bởi "lý lịch" hay quá khứ lỗi lầm. Ông cho rằng "không ai chọn cửa sinh ra" và luôn muốn đánh thức mọi tiềm năng, khát vọng của người trẻ.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là hình ảnh của một nhà lãnh đạo có đầu óc canh tân, nụ cười hồn hậu, tấm lòng vì con người, vì đất nước. Dù đã đi xa, nhưng trong tâm tưởng mọi người vẫn thấy như luôn có nguồn động viên, khích lệ từ ông. Làm gì cũng sợ trách nhiệm, thiếu lửa nhiệt huyết, thiếu cảm hứng sáng tạo... thì khó có hiệu quả và thành công.

"Cha đẻ” của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM

Một trong những thành tựu đáng kể của ngành giáo dục Việt Nam là sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của hai trường Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội và TPHCM. Điều đáng nói, sự ra đời của hai trường ĐH này đều mang đậm "dấu ấn Võ Văn Kiệt". Việc trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH có thể so sánh như một thứ "Khoán 10" trong giáo dục ĐH. Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển ĐH trên thế giới, đặc biệt là trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão.

Trong hồi ký của GS.VS Nguyễn Văn Đạo (nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: "Chủ trương tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường ĐH và cao đẳng, xây dựng các ĐHQG, đã được đặt ra từ lâu (QĐ 73/HĐBT) và được bàn nhiều lần, ở nhiều cấp nhưng trong một thời gian dài không triển khai được. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng ĐHQG với những ý tưởng mới về một nền giáo dục ĐH. Sự ra đời của hai ĐHQG là mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện loại trường ĐH đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Việc xây dựng ĐHQG nhằm mục tiêu để Việt Nam nhanh chóng có những trung tâm ĐH mạnh, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các ĐHQG được xây dựng sẽ có tác dụng thúc đẩy đối với toàn bộ hệ thống ĐH của nước ta".

Ngày 10-12-1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Nghị định thành lập ĐHQG Hà Nội. Tiếp theo đó là thời gian hoàn thiện ý tưởng và mô hình ĐHQG, thể hiện trong bản Quy chế đầu tiên về ĐHQG Hà Nội được ban hành vào ngày 05-9-1994. Quy chế này đã phản ánh khá đầy đủ những ý tưởng chiến lược của Thủ tướng về giáo dục ĐH.

Khi hai ĐHQG được hơn một chục năm xây dựng và phát triển, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: "Bất cứ một chủ trương nào mà coi là đúng thì cũng phải có thời gian kiểm nghiệm. Quyết định thành lập ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM đã được hơn 12 năm. Tới nay, nói chung chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định đó là chủ trương đúng. Bởi lẽ nước ta trong tiến trình đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và thế giới, thì điều quan trọng hàng đầu là đào tạo con người, xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức trẻ có tâm và tài, đủ năng lực bắt kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến. Khi cân nhắc, lượng sức mình thì thấy không có cách nào khác hơn là chọn một số trường mũi nhọn để nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện còn khó khăn, nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển. Chính vì thế, sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, giáo dục có uy tín, lúc bấy giờ Chính phủ quyết định thành lập hai ĐH là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM ở hai trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội lớn của đất nước, tạo cho mỗi trường một số điều kiện thuận lợi và trao cho mỗi trường một quy chế tự chủ rộng rãi".

Ngày 27-01-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định 16/CP thành lập ĐHQG TPHCM với sứ mệnh làm đầu tàu và nòng cốt cho hệ thống giáo dục ĐH nước nhà, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Đến nay, ĐHQG TPHCM là một hệ thống bao gồm 38 đơn vị, trong đó có 07 trường ĐH thành viên (ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH An Giang), 01 viện nghiên cứu khoa học thành viên (Viện Môi trường và Tài nguyên), 02 khoa trực thuộc (Khoa Y, Khoa Chính trị - Hành chính), 01 phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 27 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ. Hiện có 5.992 viên chức quản lý và viên chức chuyên môn; trong đó có 1.063 tiến sĩ với 30 giáo sư, 305 phó giáo sư trên quy mô 82.586 sinh viên đại học và 7.224 học viên cao học, 1.037 nghiên cứu sinh...

(Còn tiếp...)

Kỳ 4: Thổi luồng gió mới
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang