Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo có tư duy kiệt xuất:

Kỳ 4: Thổi luồng gió mới

Thứ Năm, 17/11/2022 08:22

|

(CATP) Với tầm tư duy chiến lược, quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát thực tế, gần dân, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với mong muốn cho dân giàu, nước mạnh, mọi người dân đều sống ấm no, hạnh phúc, nhà cách mạng Võ Văn Kiệt đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc đổi mới của đất nước. Ông đã có nhiều đóng góp về lý luận và thực tiễn để xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp; hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Nhắc đến ông - đồng chí, đồng đội, người dân đều nhớ tới một nhân cách cao thượng của một con người luôn sống và cống hiến cho nhân dân.

Tất cả vì nhân dân…

Hướng đến Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), xã hội, cộng đồng doanh nhân và mọi người dân bồi hồi tưởng nhớ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một trong số những nhà lãnh đạo công cuộc đổi mới. Ký ức sâu đậm nhất về Thủ tướng Võ Văn Kiệt là ông luôn hướng đến người dân, hướng đến doanh nhân và toàn xã hội để phát triển đất nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sài Gòn (từ ngày 02-7-1976 là TPHCM) và các địa phương phía Nam bị cuốn vào guồng máy tập trung, quan liêu, bao cấp.

Khi chiến tranh đã kết thúc, non sông thu về một mối thì cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp tự nó lại trói buộc, làm kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, cản trở doanh nghiệp làm giàu trong khuôn khổ pháp luật. Ngày ấy, TPHCM ở cạnh vựa lúa của cả nước mà lại lo thiếu đói, nạn đói cận kề, do "ngăn sông cấm chợ", giao thương bị ách tắc. Công ty Lương thực Miền Nam là một doanh nghiệp lớn cũng bị... "trói tay", bị ngăn cản thu mua và vận chuyển lúa gạo về TPHCM. Vì thế, TPHCM lúc đó hơn 4 triệu dân phải ngày ngày ăn cơm độn sắn, độn khoai, ăn hạt bo bo. Nhớ lại thời kỳ đó, đêm trước đổi mới, chuyển được vài chục ký gạo ra khỏi vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long là cả sự trần ai.

Vào khoảng cuối năm 1976 đầu năm 1977, trong một cuộc gặp mặt các phóng viên báo chí và bà Ba Thi (bà Nguyễn Thị Ráo, Phó giám đốc Sở Lương thực TPHCM, người phụ trách mua lương thực cho TPHCM, năm 1980 là Giám đốc Công ty Lương thực TPHCM), Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt đã nói: "Chúng ta không thể để dân đói, không thể để doanh nghiệp khát nguyên liệu. Sống bên cạnh vựa lúa mà đói, sống trên đống vàng mà chết khát là sao? Ta tự buộc trói tay chân của ta, phải tự cởi trói từ cơ chế, thoát khỏi ngăn sông cấm chợ thì dân mới không đói, doanh nghiệp mới thoát ra khỏi khó khăn".

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm các công nhân

Sau bao nhiêu năm đất nước đổi mới, nghe lại lời tâm sự từ đáy lòng của một trong những nhà lãnh đạo tâm huyết, chúng ta thấy bình thường, nhưng soi rọi vào thời kỳ năm 1976 - 1985 thì quả là một kỳ tích về tư duy đổi mới, về tầm nhìn của một vị lãnh đạo tất cả vì dân, vì cuộc sống của người lao động, hướng tới xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp, cường thịnh.

Tại cuộc gặp mặt các nhà báo ngày đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt bày tỏ tính quyết đoán: "Tôi đã làm việc với lãnh đạo các ngân hàng, đã bàn với lãnh đạo Sở Lương thực, thảo luận với lãnh đạo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Lương thực xuống đó mua gom lúa gạo của dân, giá lúa gạo thu mua cần tương đương giá thị trường, không để nông dân thiệt, đưa lúa về TPHCM xay xát thành gạo, cấp cho dân cứu đói, tất cả đều cố gắng".

Dám làm, dám chịu trách nhiệm

Và những cuộc "xé rào" đã diễn ra. Lúc ấy, Ủy ban Vật giá Nhà nước kiện lên Trung ương về việc TPHCM "phá giá thị trường" khi thu mua lúa gạo. Trung ương triệu tập Bí thư Thành ủy TPHCM ra Hà Nội báo cáo và cử các chuyên gia vào TPHCM kiểm tra, theo dõi diễn biến tình hình. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt trình bày rõ ràng việc TPHCM đang làm và đúc kết một câu: "Làm cái gì mà cứu được dân khỏi đói, kinh tế đi lên thì chúng tôi xin phép làm, xin chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước người dân".

Nghe rõ ngọn nguồn chuyện Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt "tự cởi trói", tuy lúc đó vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã đồng tình và giao cho TPHCM vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Công cuộc đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới về quản lý kinh tế mà Đảng chính thức công bố tại Đại hội VI, tháng 12-1986 đã bắt đầu từ thực tiễn cuộc sống, từ cơ sở, từ sự vận động "cởi trói" cho doanh nghiệp là như thế.

Trong thời điểm nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp quốc doanh như Xí nghiệp Dệt Phước Long, Dệt Thành Công, Bột giặt Viso... hay một số nông trường cao su sống dở chết dở do không có "đầu ra", nhà lãnh đạo có tư duy kiệt xuất Võ Văn Kiệt cho thành lập ngay "Câu lạc bộ giám đốc" để họ được hiến kế, trình bày các giải pháp chống khủng hoảng, những kiến nghị tâm huyết từ cơ sở.

Lắng nghe ý kiến từ cuộc sống, từ chính doanh nghiệp, hợp tác xã, từ công nhân, nông dân, người lao động, Bí thư Thành ủy TPHCM cho phép các giám đốc xí nghiệp "xé rào có kiểm soát", vượt qua những quy định quản lý kinh tế không còn phù hợp, kìm hãm sản xuất. Cho phép giám đốc quyền tự chủ làm những việc có lợi như kích thích sản xuất, tăng năng suất lao động, có lãi, công nhân được lợi, khoán công, khoán việc, đi liền với đó là khen thưởng bằng lợi ích vật chất thỏa đáng, kỷ luật đúng mức. Tất cả được lắng nghe, xử lý thấu đáo, có sức lan tỏa nhanh, thổi luồng gió mới vào xã hội, vào doanh nghiệp, hợp tác xã, vào đời sống kinh tế.

Cảng Sài Gòn phát triển giao thương sau những lần "xé rào"

Nhiều năm sau này, trên cương vị Phó chủ tịch và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau đó là Thủ tướng Chính phủ, nhà cách mạng Võ Văn Kiệt cùng nhiều nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đường đi nước bước của công cuộc đổi mới. Đổi mới tư duy, cách nhìn, cách quản lý doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp ngày nay là lực lượng đông đảo, hùng hậu, đi tiên phong xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện an sinh xã hội, là niềm tự hào chính đáng của đất nước.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường nói và khẳng định, doanh nghiệp giàu thì người lao động giàu, Nhà nước giàu, đất nước cường thịnh. Đảng, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp được "cởi trói", biết "tự cởi trói" để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nhớ khắc khoải về ông

Trong cuốn sách "Ký ức theo dòng đời" của chuyên gia Phan Chánh Dưỡng cũng có đoạn ký ức viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông viết: "Việc xóa bỏ ngăn sông cấm chợ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm cho nền kinh tế cả nước liên thông (thay vì trước đó mỗi tỉnh, thành như là một quốc gia nho nhỏ), nhờ đó người nông dân được làm chủ sản phẩm của mình và thông qua thị trường, trị giá của sản phẩm được phản ánh đúng đã khuyến khích người dân tăng gia sản xuất. Đồng thời qua thương lái, đưa sản phẩm hàng hóa nhanh chóng đến những nơi cần thiết, qua đó bài toán nhu yếu phẩm và lương thực ở các vùng khó khăn của cả nước được giải quyết ngay".

TPHCM phát triển là đầu tàu kinh tế của cả nước...

Kết quả này đã khẳng định những chủ trương tháo gỡ, "vượt rào" cản của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là đúng đắn, tạo nền tảng cho tư duy đổi mới, từng bước xây dựng cơ chế điều hành Nhà nước với phương thức quản lý kinh tế phù hợp với thị trường như cải cách hệ thống ngân hàng, cơ chế giá, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, đã tạo tiền đề cho chủ trương mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đưa đất nước thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp, vươn lên thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, nâng cao vị trí, vai trò nước ta trong khu vực và trên thế giới. Điều ngạc nhiên nhất là những vấn đề kinh tế, xã hội cốt lõi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra với góc nhìn mới, quan tâm đến những khía cạnh khác nhau, với tầm nhìn tương lai, những lợi ích lâu dài của nhân dân, của đất nước.

Về phong cách làm việc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thường lắng nghe ý kiến phát biểu của từng người và tiếp theo là ý kiến nhận xét riêng của ông để mọi người góp ý hay phản biện. Sau đó, ông mời riêng những người có ý kiến mà ông quan tâm, bàn sâu hơn để chốt lại nội dung ý tưởng. Bởi vậy, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng viết rằng: "Mỗi năm, đến ngày giỗ cố Thủ tướng làm tôi khắc khoải nhớ về ông. Đây không phải cảm xúc mà là hình ảnh của ông hiện về qua những ý tưởng, những đề tài kinh tế còn dở dang, như một kỷ niệm không bao giờ quên".

(Còn tiếp...)

Kỳ 3: Kinh nghiệm quý giá...
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang