Đoàn cán bộ Tuyên giáo, báo chí, xuất bản tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Thứ Tư, 16/11/2022 22:58  | Lê Ngân

|

(CAO) Các thành viên trong đoàn đã dâng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt – người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân...

Tiếp tục hành trình “Đất phương Nam”, ngày 16-11, đoàn cán bộ Tuyên giáo, báo chí, xuất bản TPHCM do ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, làm trưởng đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4), xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Tấn Phong cho rằng báo chí cách mạng TPHCM đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định bản sắc báo chí Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, một trong những cái nôi của nền báo chí Việt Nam và báo chí cách mạng Việt Nam.

Tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo TPHCM đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của TP nói riêng, cả nước nói chung; luôn xung kích và không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha nơi "đầu sóng ngọn gió", kịp thời phản ánh về những sự kiện nóng, các vấn đề về kinh tế - xã hội, những kiến nghị, bức xúc của nhân dân.

Các thành viên tham quan hiện vật trưng bày tại Di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4)

Trong những năm qua, báo chí TPHCM tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội; kịp thời phát hiện, cổ vũ những gương điển hình,người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố và vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, khí phách và niềm tin của người Việt Nam.

Phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Phong tin tưởng rằng đội ngũ nhà báo TP bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm, nhiệt huyết với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sự gắn bó với TPHCM, sẽ không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nỗ lực cố gắng làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức, nội dung và tiếp tục tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, xây dựng TP tiếp tục là đầu tàu đột phá, vì cả nước, cùng cả nước.

Cùng chụp hình lưu niệm tại Di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4)

“Thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ đảng viên trung kiên, đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, trong đó có nhân dân Bến Tre anh hùng, các phóng viên, nhà báo nguyện tiếp tục phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt để tấm lòng luôn trong sáng, bản lĩnh luôn vững vàng, ngòi bút luôn sắc bén, xứng đáng là đội ngũ người làm báo cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và dẫn dắt trong hơn 97 năm qua, xứng đáng là những người làm báo của TPHCM” - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM khẳng định.

Tại Di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, các thành viên trong đoàn đã dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí, đồng bào đã từng sống, chiến đấu trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ; nguyện tiếp tục nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mỗi con người Việt Nam…

Được biết, cách đây 53 năm, vào tháng 7-1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, hai đồng chí Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ làm Phó Bí thư, đã lãnh đạo, chia thành nhiều bộ phận nhỏ, bằng nhiều hình thức bí mật di chuyển đến căn cứ xã Tân Phú Tây. Tuy thời gian đóng tại đây không dài nhưng Căn cứ Khu ủy đã để lại những dấu mốc lịch sử đáng nhớ, đó là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng.

Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định qua những tư liệu lịch sử hiện vẫn còn được tỉnh Bến Tre bảo tồn, giới thiệu tại di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia cùng tên, tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những địa điểm di tích thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan hàng năm.

Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định còn có mật danh là T4, Y4, là cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực đô thị Sài Gòn - Gia Định. Đây là vùng mới giải phóng, nhân dân kiên cường, giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, địch không thể đổ quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng trực thăng đổ quân cũng bị nhiều hạn chế.

Trao học bổng cho các học sinh vượt khó

Sau chiến tranh, vùng căn cứ gần như bị phá hủy hoàn toàn. Để nhắc nhớ sự kiện ấy, tháng 11-1997, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre đã phục chế lại hai hầm trú ẩn: hầm số 1 là nơi hội họp điện đài cơ yếu và hầm số 2 là nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt và sau đó mở rộng khoảng 2ha xây dựng thêm một số hạng mục. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23-12-1995.

Tại huyện Mỏ Cày Bắc, đoàn trao tặng 50 phần quà cho các gia đình khó khăn và 50 phần quà cho các em học sinh nghèo hiếu học tại huyện Mỏ Cày Bắc, với số tiền trị giá 100 triệu đồng.

Sau đó, Đoàn cán bộ Tuyên giáo, báo chí, xuất bản TPHCM tiếp tục đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Khu tưởng niệm đồng chí Võ Văn Kiệt, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nhân kỷ niệm 82 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2022) và kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022).

 Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong cùng các thành viên trong đoàn dâng hương tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Tại đây, các thành viên trong đoàn đã dâng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt – người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân; người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, của Nam bộ thành đồng - đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

“Vườn nhà ông Sáu Dân” là tên gọi thân thương, gần gũi mà các kiến trúc sư dành gọi Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (1922 – 2008). Khu lưu niệm tại ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm với diện tích rộng 1,7 ha bao gồm các hạng mục: Nhà trưng bày, nhà làm việc, khu thờ, sân vườn thoáng đãng.

Đây là một công trình văn hóa với không gian mở, thân thiện, gần gũi, thể hiện tính chất trang trọng, thành kính và là nơi vui chơi, giải trí của người dân địa phương phù hợp với ý nguyện của Thủ tướng lúc sinh thời.

Các thành viên trong đoàn chụp hình lưu niệm tại Khu tưởng niệm đồng chí Võ Văn Kiệt

Điểm nhấn của di tích là nhà tưởng niệm và nhà làm việc lúc sinh thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhà trưng bày có nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện sống động quá trình hoạt động cách mạng của Thủ tướng. Nhưng ấn tượng nhất là bức ảnh chân dung của Thủ tướng với nụ cười thân thiện, rạng ngời, ẩn trên nền là 15.000 bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng.

Tiếp tục chương trình, đoàn đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng tại Khu lưu niệm đồng chí Phạm Hùng, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, các thành viên trong đoàn đã thành kính dâng hoa, dâng hương, dành phút mặc niệm để tưởng nhớ công lao Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (1912 – 1988), người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng và Nhà nước đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Phạm Hùng thuộc lớp nhà lãnh đạo tiền bối, người có tầm nhìn sâu sắc, là tấm gương cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản chân chính.

Đoàn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm đồng chí Phạm Hùng

Đồng chí đã phải trải qua thời kỳ đọa đày trong lao tù thực dân; chín năm gian lao kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Nam bộ; thời kỳ tham gia xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; lúc trở về miền Nam kháng chiến chống Mỹ, giữ vai trò Bí thư Trung ương Cục miền Nam; làm Chính ủy Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Để tưởng nhớ công lao to lớn người con ưu tú của quê hương, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân Vĩnh Long đã xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, một công trình lịch sử - văn hóa; nơi góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đoàn cán bộ Tuyên giáo, báo chí, xuất bản với hành trình
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang