(CATP) Thủ tướng Võ Văn Kiệt được nhận xét là "người năng động sáng tạo", là "vị thủ tướng trọn đời vì nước, vì dân", dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam được thi công khi còn có ý kiến trái chiều, có người cho rằng "chủ trương phiêu lưu, mạo hiểm, lãng phí tài nguyên quốc gia và chỉ để xây dựng thanh danh"...
uy nhiên, với tinh thần quyết tâm và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, sự ủng hộ của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước, ngày 27-5-1994 đã đi vào lịch sử ngành năng lượng nói riêng, của cả nước nói chung khi đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam chính thức đi vào vận hành, đưa dòng điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.
Kinh nghiệm quý giá với cả thế giới
Công trình đường dây 500kV Bắc - Nam gắn liền với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, như thể là một cuộc chạy đua với thời gian. Công trình được khởi công khi chưa có thiết kế chi tiết đầy đủ, công việc được tiến hành theo phương châm "vừa thiết kế, vừa thi công". Cán bộ khảo sát và giám sát thi công được phân thành hàng trăm tổ, rải đều trên toàn tuyến để kịp thời phát hiện và hiệu chỉnh những bất hợp lý trong thiết kế. Quá trình thiết kế chi tiết, xem xét đấu thầu, chọn nhà cung cấp thiết bị, nhập và vận chuyển những máy móc "siêu trường, siêu trọng" hàng trăm tấn qua hệ thống cầu đường còn rất ọp ẹp thời bấy giờ đến tận chân công trình cũng được tiến hành rất sáng tạo và khẩn trương.
Để đẩy nhanh tiến độ xây lắp, Thủ tướng đã chỉ đạo chia việc thi công đường dây thành nhiều đoạn làm việc song song. Đây là một giải pháp rất khoa học, đảm bảo rút ngắn một cách cơ bản thời gian xây lắp đường dây - nhiệm vụ phức tạp và nặng nề nhất của dự án. Thực ra, ý tưởng chia một công việc lớn (nếu làm tuần tự đòi hỏi nhiều thời gian) thành nhiều việc nhỏ tiến hành song song cũng thường được sử dụng để đảm bảo thời gian hoàn thành công trình trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng và tổ chức thi công các hệ thống lớn. Tuy nhiên, ở các nước công nghiệp phát triển, áp dụng giải pháp này trong xây dựng các đường dây tải điện không có lợi về kinh tế vì đòi hỏi phải huy động đồng thời một số lượng lớn xe, máy móc, phương tiện thi công cơ giới để rải trên toàn tuyến công trình.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn liền với công trình xuyên Việt 500 kV
Trong điều kiện Việt Nam lúc bấy giờ, phần lớn công việc xây lắp đường dây được thực hiện thủ công hoặc bán thủ công. Đặc biệt là công tác vận chuyển vật liệu, cột, dây sứ và phụ kiện đến chân công trình, với nguồn nhân lực rẻ và dồi dào thì giải pháp này tỏ ra rất hữu hiệu. Tại Hội nghị khoa học thường kỳ của CIGRÉ (Hội đồng Quốc tế về các hệ thống điện lớn)tổ chức ở Paris (Pháp) vào mùa hè năm 1994, sau khi nghe Đoàn đại biểu của Việt Nam trình bày báo cáo khoa học về hệ thống tải điện 500 kV của Việt Nam, bên cạnh những câu hỏi liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, nhiều câu hỏi về phương tiện và biện pháp tổ chức thi công để hoàn thành công trình trong một thời gian ngắn kỷ lục được đặt ra. Chuyên gia của các nước đang phát triển đánh giá việc tổ chức xây dựng đường dây 500 kV Việt Nam là một kinh nghiệm quý giá đối với họ.
Trong buổi lễ gặp mặt "Mừng dòng điện 500 kV" diễn ra vào năm 1994 tại Dinh Thống Nhất, TPHCM, khi các vị khách nước ngoài hỏi về kinh nghiệm chỉ đạo của Chính phủ và bản thân Thủ tướng đối với công trình quan trọng này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tươi cười nói: "Nhiều kinh nghiệm chỉ đạo kháng chiến trước đây của chúng tôi bây giờ lại rất hữu ích trong xây dựng kinh tế, kinh nghiệm nhiều mũi giáp công. Chia đường dây thành nhiều đoạn để thi công song song, kết hợp giữa hiện đại và thô sơ, giữa máy móc và thủ công, phát huy tối đa tính sáng tạo của mọi tầng lớp lao động đã đảm bảo hoàn thành công trình trong thời gian mà hai năm trước đây nhiều người khó tin".
Sừng sững theo thời gian…
Hệ thống tải điện 500 kV Bắc - Nam đã được đưa vào sử dụng đúng như dự kiến với mọi chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật đều đạt và vượt yêu cầu của luận chứng ban đầu. Sau nhiều năm hoạt động, công trình vẫn đứng sừng sững trước những đợt thiên tai lớn chưa từng có ở những địa phương có đường dây đi qua, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện trầm trọng và triền miên ở miền Trung và miền Nam trước đây. Với mức chênh lệch giá điện giữa các loại nguồn điện khác nhau ở ba miền của đất nước trong những năm vừa qua, công trình 500 kV có chỉ tiêu hoàn vốn vào loại nhanh nhất so với nhiều dự án điện lực lớn khác. Hệ thống tải điện 500 kV đặc biệt có hiệu quả trong 3 năm đầu vận hành (1995 - 1997). Chỉ sau 3 năm vận hành, hệ thống tải điện 500 kV Bắc - Nam đã hoàn vốn đầu tư.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm, động viên công nhân tại công trình
Tổng vốn đầu tư phê duyệt quyết toán (theo Quyết định phê duyệt quyết toán số 569/QĐ-BTC ngày 23-05-2000 của Bộ Tài chính) là: 5.204.161.653.199 đồng (trên tổng số vốn dự toán được duyệt là 5.713.980.000.000 đồng), đường dây 500 kV được hợp nhất ba hệ thống điện Bắc - Trung - Nam hoạt động riêng lẻ trước đây thành hệ thống điện Quốc gia thống nhất với Trung tâm điều độ - cũng là một hạng mục của công trình 500 kV - đặt tại Thủ đô Hà Nội. Đây là tiền đề quan trọng để cuối năm 1994, chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam, một trong những doanh nghiệp lớn của Nhà nước ra đời trong thời kỳ này, hoạt động theo hướng xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước.
Trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày đưa đường dây vào vận hành, tại Hà Nội đã tổ chức một Hội thảo khoa học quốc tế lớn với sự tham gia của đại biểu từ hàng chục nước khác nhau, để thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghệ tải điện siêu cao áp hiện đại và những kinh nghiệm rút ra từ công trình tải điện của Việt Nam. Sau hội thảo, các nhà khoa học và đại biểu đã đến thăm và báo cáo với đồng chí Võ Văn Kiệt - lúc bấy giờ đã là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, về những kết quả chính của hội thảo. Tuy không còn trực tiếp đứng đầu Chính phủ, nhưng ông vẫn rất quan tâm đến sự phát triển của ngành điện và nhiều vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng khác của đất nước. Nói về khả năng xây dựng đường dây 500 kV Bắc - Nam thứ hai, ông liên hệ với dự án đường Hồ Chí Minh, trục giao thông thứ hai của Tổ quốc nhằm giải quyết cơ bản ách tắc giao thông của cả nước trong mùa mưa bão và phát triển kinh tế các địa phương trên đường Trường Sơn cũ.
Sừng sững theo thời gian...
Khi các nhà khoa học báo cáo về công nghệ mới được các chuyên gia Nhật Bản sử dụng để xây kênh cấp thoát nước cho khu nhiệt điện Phú Mỹ, ông nói ngay đến ý tưởng kết hợp xây dựng đồng bộ hệ thống kênh thoát nước và công trình ngầm với mạng lưới đường giao thông thành phố. Đề cập đến cuộc tranh cãi kéo dài "không phân thắng bại" về công trình thủy điện Sơn La, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét: "Hồi ấy giá cứ để tranh luận triền miên kiểu này thì không thể nào có đường dây 500 kV được. Việc thảo luận công khai, dân chủ, tranh cãi cho hết lẽ đối với những vấn đề quan trọng của đất nước là rất cần thiết, tuy nhiên cuối cùng phải có ai đó đứng ra giải quyết, dám chịu trách nhiệm của mình và có giải pháp, quyết tâm thực thi thì vấn đề mới được giải quyết".
Ngẫm lại, những Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành, thành phố Saint - Peterbourg, Đập thủy điện Tam Môn Hiệp... đều gắn liền với một tên tuổi nhất định. Một chính trị gia đương đại nói: "Lịch sử được viết lên bằng những con người hành động". Đất nước trên con đường tiến hóa cần biết bao những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao đối với những quyết định liên quan đến sự tồn vong của Tổ quốc.
(Còn tiếp...)
(CAO) Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người để lại rất nhiều dấu ấn, tên tuổi ông gắn với rất nhiều công trình lớn, mang tầm quốc gia, trong đó dấu ấn đậm nét là với công trình Đường dây 500 kV Bắc - Nam. Sự quyết liệt và gắn bó của ông với công trình xây dựng một lưới điện thống nhất cả nước trong vai trò Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ cho thấy tầm nhìn chiến lược, góp phần quan trọng vào việc giải quyết tình trạng thiếu điện ở phía Nam, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế đất nước.