Nhiều động lực mới đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan phát triển toàn diện, vững chắc hơn

Thứ Tư, 16/11/2022 12:35

|

(CAO) Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 tổ chức tại Bangkok, từ ngày 16-19/11.

Chuyến thăm chính thức Thái Lan lần này là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII và là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Thái Lan sau 24 năm, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan đang phát triển tốt đẹp, hai nước vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2021 và đang hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023.

Quan hệ chính trị-ngoại giao luôn được duy trì thường xuyên, hiệu quả

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á, có nền văn hóa tương đồng và có mối quan hệ hữu nghị lâu đời. Kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/8/1976, đến nay quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện rõ tinh thần Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan.

Sau khi ký thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 9/1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Thái Lan, chuyến thăm này hai bên đã ra thông cáo chung vạch đường hướng, tạo nền tảng cho quan hệ hai nước.

Từ năm 1993 đến nay, vượt qua thử thách của một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, quan hệ hai nước đã nồng ấm trở lại.

Hai bên đã nối lại các chuyến thăm cấp cao, đánh dấu bằng chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 10/1993) và chuyến thăm của Thái tử Maha Vajiralongkorn (nay là Nhà Vua Rama X) tới Việt Nam (tháng 11/1992).

Nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 6/2013), Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lực" và trở thành hai nước trong khối ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhau.

 Năm 1995, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã vượt qua nhiều thách thức, không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển, nhất là kể từ khi hai nước ra Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Thái Lan trong thập niên đầu của thế kỷ XXI (tháng 2/2004).

Đặc biệt, nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 6/2013), Việt Nam và Thái Lan đã chính thức nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lực" và trở thành hai nước trong khối ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhau.

Tiếp đó, năm 2019, hai bên nâng quan hệ lên thành "Đối tác chiến lược tăng cường" nhằm thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa.

Hợp tác chính trị được đẩy mạnh thông qua trao đổi đoàn cấp cao thăm viếng lẫn nhau và nhiều cơ chế hợp tác mới, thực chất đã được thiết lập sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược tăng cường, như Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương, Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng, Tham vấn lãnh sự.

Tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nhân chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41, sáng 11/11/2022, tại Thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp một số lãnh đạo các nước ASEAN. (Ảnh: TTXVN)

Từ năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song các hoạt động tiếp xúc cấp cao, các cơ chế song phương vẫn được duy trì thường xuyên, hiệu quả, góp phần tăng cường quan hệ hai nước, nổi bật có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha (tháng 5/2021) và tiếp xúc bên lề Hội nghị COP26 (tháng 11/2021), hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ (tháng 5/2022); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai (tháng 5/2021), đồng chủ trì Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương lần thứ 4 theo hình thức trực tuyến (tháng 11/2021); Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit đồng chủ trì kỳ họp lần 4 Ủy ban hỗn hợp thương mại Việt Nam-Thái Lan tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) (tháng 4/2022); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu và thăm Thái Lan (tháng 6/2022); Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị ESCAP 78 tại Thái Lan (tháng 5/2022); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp xúc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong-Lan Thương tại Myanmar (tháng 7/2022)...

Hai nước hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thái Lan coi trọng vai trò của ASEAN, phối hợp tốt trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020, nỗ lực cùng các nước giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.

Thái Lan cũng tham gia tích cực trong nhiều cơ chế tiểu vùng như Đối thoại Hợp tác châu Á (ACD), Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Mekong-Lan Thương, Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc, Mekong-Ganga (Ấn Độ), sáng kiến hạ nguồn Mekong-Mỹ (LMI) và Mekong và những người bạn (FLM).

Trong vấn đề Biển Đông, Thái Lan ủng hộ lập trường chung của ASEAN, thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, coi trọng việc khôi phục lòng tin, sự tin cậy giữa các quốc gia trong khu vực để tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại đây; thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Năm 2021, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Hợp tác kinh tế-thương mại: Điểm sáng trong quan hệ song phương

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Thái Lan là điểm sáng ấn tượng trong quan hệ song phương. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và giao thương giữa các nước bị hạn chế, kim ngạch thương mại hai nước vẫn giữ được đà tăng trưởng, giúp Thái Lan giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Thái Lan và thứ 2 sau Malaysia trong ASEAN.

Tuần lễ sản phẩm Thái Lan được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt gần 16 tỷ USD; năm 2021 đạt 18,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 16,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Hai nước đặt mục tiêu sớm đạt kim ngạch thương mại song phương 25 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng và cùng có lợi.

Về đầu tư, tính đến tháng 9/2022, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN (sau Singapore) với 670 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là hơn 13 tỷ USD.

Nhà đầu tư Thái Lan chủ yếu tham gia trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 17 dự án đầu tư tại Thái Lan với tổng vốn đăng ký là 32,8 triệu USD, đứng thứ 33/79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Thái Lan.

Ngoài ra, hai nước duy trì hiệu quả các cơ chế song phương về quốc phòng-an ninh, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, giáo dục-đào tạo… Hợp tác về lao động, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân phát triển tích cực. Về hợp tác phòng chống COVID-19, chính phủ Thái Lan đã tặng Việt Nam 10.000 kit xét nghiệm, 300.000 liều vaccine AstraZeneca và hỗ trợ qua nhiều kênh. Việt Nam cũng ủng hộ Thái Lan vật tư y tế trị giá 50.000 USD.

Cộng đồng người Thái Lan gốc Việt hiện đang sinh sống ở Thái Lan có hơn 100.000, đóng vai trò quan trọng là cầu nối hỗ trợ cho mối quan hệ Việt Nam-Thái Lan, góp phần cho sự phát triển kinh tế xuyên quốc gia.

Thế hệ trẻ cũng giúp thúc đẩy sự hiểu biết đa văn hóa giữa hai nước. Tiếng Thái và tiếng Việt đều là ngôn ngữ có thanh điệu, được giảng dạy như môn học chính thức hoặc môn học tự chọn ở các trường đại học cả hai đất nước.

Thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Thái Lan (TICA), thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan, các tình nguyện viên người Thái đã đến giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng…

Có thể thấy rõ, sau hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày nay, quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan ngày càng sâu rộng, hiệu quả và thực chất, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước và là nền tảng vững chắc để quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp.

Trên đà những thành công đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lần này là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết, quyết tâm của Việt Nam tiếp tục tăng cường và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới, ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

Chủ tịch nước và Phu nhân dự kiến sẽ có cuộc hội kiến với Nhà Vua Thái Lan và Hoàng hậu; Chủ tịch nước và lãnh đạo một số bộ sẽ hội đàm với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và các thành viên nội các Thái Lan; dự lễ ký kết một số văn kiện hợp tác, trong đó có Bản Kế hoạch hành động triển khai đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2022-2027; gặp Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai và các vị lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện Thái Lan; dự cuộc gặp với các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam và Thái Lan; dự lễ khai trương Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan và các hoạt động khác.

Đặc biệt, hai bên sẽ ra Tuyên bố chung khẳng định ý nghĩa của chuyến thăm, trong đó nhấn mạnh các biện pháp mới nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị và làm sâu sắc hơn hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực trong bối cảnh quốc tế hiện nay; tiếp tục phối hợp lập trường trong một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển của hai quốc gia cũng như với tiềm năng phát triển của hai nước, quan hệ Việt Nam-Thái Lan sẽ có nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á cũng như trên thế giới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang