Sớm hoàn thiện pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa rửa tiền

Thứ Ba, 15/11/2022 15:03

|

(CAO) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung. 

483/488 đại biểu đã đồng ý thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền vào chiều nay, 15/11. Luật gồm 4 chương, 66 điều, có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.

Báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn vì sao có một số khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) vẫn chưa được thể chế hóa trong dự thảo Luật, bao gồm việc quản lý tài sản ảo và tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu, giải trình Luật Phòng, chống rửa tiền

Đại biểu đề nghị xem xét, nghiên cứu bổ sung, dẫn chiếu các quy định của các nước đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo.

Cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo Luật về vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực này do tiền ảo, tài sản ảo có thể dễ dàng được trao đổi trên phạm vi toàn cầu và thực tế thời gian qua có rất nhiều người tham gia vào các hoạt động của các sàn tiền ảo.

Cần làm rõ để tạo hành lang pháp lý kiểm soát những hành vi có thể lợi dụng thông qua rửa tiền để tài trợ khủng bố, chuyển đổi tiền thu được từ các hoạt động bất hợp pháp thành tiền séc hoặc chuyển qua các tài khoản thông qua việc mua bán, trao đổi tiền ảo, nhất là các đối tượng có yếu tố nước ngoài; tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát các hoạt động có rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi rửa tiền thông qua công nghệ sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải một tình tiết tăng nặng như quy định của Bộ luật Hình sự. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung điều khoản quy định về việc tịch thu tài sản ảo, tiền ảo theo chuẩn mực quốc tế. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về tiền ảo, tài sản ảo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, để phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, một số khuyến nghị như công nghệ mới (tài sản ảo), cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước chưa đưa ngay vào dự thảo Luật hoặc một số khuyến nghị khác sẽ được sửa đổi tại các quy định pháp luật khác có liên quan.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật phòng, chống rửa tiền

Đối với nội dung liên quan tài sản ảo, ông Thanh cho biết, từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là đầu mối, phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế đối với vấn đề này.

Hiện các Bộ ngành đang triển khai nghiên cứu, do đó, chưa có đủ cơ sở để quy định ngay các biện pháp phòng chống rửa tiền đối với hoạt động này tại dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng các hoạt động mua bán, trao đổi các tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo, tài sản ảo quốc tế hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn nhiều rủi ro về rửa tiền cũng như rủi ro cho chính cá nhân tham gia, do đó, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động mua bán, trao đổi tài sản ảo cũng như các biện pháp phòng chống rửa tiền thông qua các hoạt động này là cần thiết.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để có căn cứ bổ sung quy định liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo cũng như hoạt động khác có thể phát sinh trong tương lai, vừa bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành, vừa bảo đảm sự chặt chẽ trong quy định pháp luật, dự thảo Luật đã quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền chưa được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.

Cũng ở lần sửa đổi này, Luật đã bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Về nghĩa vụ của đối tượng báo cáo, để bảo đảm tính khả thi, tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, rà soát giảm bớt trách nhiệm của đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ trong việc xây dựng quy định nội bộ, giảm 4/10 nội dung so với các đối tượng khác.

Đồng thời, để tránh phát sinh nhiều chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho các đối tượng báo cáo, dự thảo Luật đã có một số quy định như: cho phép đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật, thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức khác hoặc bên thứ ba quy định tại Luật này để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp, được gửi dữ liệu điện tử hoặc báo cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử trong trường hợp cần thiết, điều chỉnh thời hạn gửi báo cáo giao dịch đáng ngờ từ 2 ngày làm việc lên 3 ngày làm việc...

Bình luận (0)

Lên đầu trang