Sáng 18/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Queen Sirikit, thủ đô Bangkok, Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 29 các nhà lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các hoạt động liên quan.
Đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo APEC sau 3 năm gián đoạn bởi đại dịch, với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao, trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên họp hẹp lần thứ nhất - Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 29. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Với chủ đề “Rộng mở, Kết nối và Cân bằng”, hội nghị thảo luận 3 định hướng ưu tiên của hợp tác APEC gồm cởi mở với tất cả các cơ hội, kết nối trên mọi khía cạnh và cân bằng trên mọi phương diện, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với bền vững môi trường.
Nhận thức sâu sắc về những thách thức mà khu vực phải đối mặt, các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm cùng tìm kiếm giải pháp để các nền kinh tế bước ra từ cuộc khủng hoảng ngày càng mạnh mẽ hơn, với sức chống chịu bền bỉ hơn, linh hoạt nắm bắt cơ hội và ứng phó với các thách thức trong tương lai.
Theo đó, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết hiện thực hóa Tầm nhìn APEC Putrajaya về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai; nhất trí củng cố vai trò lãnh đạo của APEC và vị thế là diễn đàn kinh tế hàng đầu ở khu vực, là vườn ươm ý tưởng hiện đại và hiệu quả.
Các nhà lãnh đạo khẳng định hợp tác APEC cần mang lại những giải pháp thiết thực đối với các thách thức chung và bổ trợ cho các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.
Chia sẻ đánh giá về tình hình và tương lai của APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thế giới đang chứng kiến những biến động sâu sắc, mang tính lịch sử với nhiều yếu tố bất định và khó lường.
Diễn đàn APEC cũng đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, vì vậy, những gì các thành viên thống nhất trong nhận thức và hành động hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với APEC và cho nhiều thế hệ mai sau.
Chủ tịch nước nhấn mạnh một châu Á-Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và phát triển bền vững là mục tiêu, là trách nhiệm chung, đòi hỏi sự chung tay, kề vai sát cánh của tất cả các nền kinh tế APEC, dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển.
Các thành viên APEC cần vượt qua khác biệt, tăng cường đối thoại, phối hợp hành động vì lợi ích chung của cộng đồng, để bảo vệ những thành quả và giá trị của APEC trong 3 thập kỷ qua, đồng thời củng cố nền tảng cho hợp tác và phát triển trong tương lai.
Phát biểu tại phiên thảo luận về “Tăng trưởng bền vững, bao trùm và cân bằng", Chủ tịch nước nhận định châu Á-Thái Bình Dương bước sang giai đoạn phát triển mới, APEC cần đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công.
Theo đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh một số yếu tố “cân bằng” trong hợp tác gồm: Cần coi người dân là trung tâm để tạo sự cân bằng trong mỗi nền kinh tế giữa các lĩnh vực, giữa các thành phần xã hội; và cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nền kinh tế, các khu vực.
Mục tiêu là chung, nhưng các biện pháp cụ thể phải được điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù, trình độ phát triển của mỗi nơi; Cần cân bằng giữa bảo đảm tính tự chủ, tự cường của mỗi nền kinh tế và chủ động mở cửa, hội nhập và liên kết kinh tế để vừa phát huy nội lực, phát huy lợi thế so sánh, vừa tăng thêm nguồn lực tạo ra sự phát triển lan toả giữa các vùng miền; Cần cân bằng giữa đổi mới, chuyển đổi với bảo đảm sự ổn định. Quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phải được thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao về kinh tế nhưng giảm thiểu tác động, xáo trộn đến an sinh xã hội, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh mạng.
Chủ tịch nước hoan nghênh nhiều sáng kiến mới được các thành viên APEC đưa ra nhằm hỗ trợ tài chính cho phát triển, chuyển đổi năng lượng sạch, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số; nhấn mạnh APEC chỉ có thể hợp tác thành công khi cùng nhau mở ra các cơ hội tiếp cận cân bằng và rộng mở các nguồn vốn và công nghệ sạch, hiện đại.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ chủ trương của Việt Nam về chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với người dân là trung tâm, chủ thể và mục tiêu cao nhất của phát triển; khẳng định Việt Nam đang nỗ lực để thực hiện COP26 và mong nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và các thành viên APEC
Những chia sẻ và nhận định của Chủ tịch nước nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo APEC; và được phản ánh trong văn kiện và các quyết định của hội nghị.
* Trưa 18/11, Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã có phiên đối thoại và ăn trưa làm việc với các khách mời là Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Hoàng Thái tử, Thủ tướng Vương quốc Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Đối thoại không chính thức giữa Lãnh đạo APEC và các khách mời. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đối thoại là dịp để Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC cùng với các khách mời từ các khu vực khác nhau trên thế giới cùng trao đổi về các thách thức chung của khu vực và thế giới, thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác và phát triển.
Các nhà lãnh đạo chia sẻ những đánh giá về khó khăn của kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt nguy cơ suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu; và nhất trí cho rằng phối hợp hành động và hợp tác ở cấp độ toàn cầu có ý nghĩa then chốt để ứng phó thành công với những thách thức hiện nay.
Các nhà lãnh đạo đã trao đổi nhiều ý tưởng, giải pháp thiết thực nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế. Các bên cũng chia sẻ kinh nghiệm, chính sách về chuyển đổi năng lượng sạch, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và bao trùm, bảo đảm đời sống của người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra 3 đề xuất nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy hợp tác liên khu vực. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tiềm năng hợp tác giữa APEC và Liên minh châu Âu (EU) cũng như các quốc gia vùng Vịnh là rất lớn, xuất phát từ tính bổ trợ cao giữa các nền kinh tế và nền tảng hợp tác hiện có về thương mại, kinh tế và định hướng phát triển. Trên cơ sở đó, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy hợp tác liên khu vực, Chủ tịch nước nêu 3 đề xuất.
Thứ nhất, tăng cường hợp tác tạo thuận lợi thương mại và đầu tư thông qua xác định các điểm nghẽn để cùng tìm giải pháp; nâng cao hiệu quả thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã có và nghiên cứu khả năng hình thành các thoả thuận thương mại mới; thúc đẩy các sáng kiến kết nối và liên kết kinh tế quốc tế; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tại thị trường của nhau; và bảo đảm tính minh bạch trong các chính sách kinh tế, thương mại.
Thứ hai, chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại chính sách về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, khuyến khích các nhóm công tác chuyên ngành của APEC trao đổi, giao lưu với các đối tác từ EU, ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC); nghiên cứu khả năng triển khai một số dự án thí điểm về hợp tác nhiều bên về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thương mại điện tử.
Thứ ba, nghiên cứu khả năng hình thành cơ chế đối thoại thường niên giữa APEC với đại diện EU, GCC, ASEAN và một số tổ chức khu vực khác để tăng cường sự phối hợp giữa các diễn đàn/tổ chức và duy trì đà hợp tác.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn đối thoại là khởi đầu cho các chương trình hợp tác mới hiệu quả, đem lại lợi ích cho tất cả các bên, hướng tới các mục tiêu chung về phát triển bền vững và bao trùm.
Những đề xuất rất thiết thực của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được các nhà lãnh đạo đánh giá cao và nhất trí nghiên cứu khả năng triển khai trong thời gian tới.
* Chiều 18/11, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã có phiên Đối thoại với các thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC).
Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự hoạt động có Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch ABAC của Việt Nam Phạm Tấn Công.
Đối thoại là hoạt động được tổ chức thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, để các nhà lãnh đạo lắng nghe các kiến nghị và trao đổi thực chất với cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong báo cáo trình lên các nhà lãnh đạo APEC, các thành viên ABAC bày tỏ lo ngại các thách thức lớn về địa chính trị, kinh tế và môi trường đang tác động tiêu cực đến tiến trình hiện thực hóa Tầm nhìn 2040 của APEC. Theo đó, ABAC đã đưa ra nhiều khuyến nghị, nhằm kiểm soát lạm phát, chấm dứt vòng xoáy lương-giá trong ngắn hạn và đẩy nhanh phục hồi kinh tế bền vững.
Để có được tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường, APEC cần có cách tiếp cận toàn diện, triển khai đồng thời hợp tác trên các lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu; chuyển đổi năng lượng sạch và chuyển đổi số; liên kết và hội nhập kinh tế khu vực; và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nghiệp thích ứng và phục hồi sau đại dịch.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những khuyến nghị và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp vào phục hồi kinh tế sau đại dịch; cho biết sẽ xem xét các đề xuất của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng định hướng hợp tác của APEC, cũng như trong chính sách cụ thể của từng nền kinh tế, nhằm mang lại những kết quả thiết thực hơn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự phiên họp toàn thể Đối thoại giữa Lãnh đạo APEC và ABAC. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trao đổi tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ủy ban, nhóm công tác APEC và ABAC cần tăng cường đối thoại, tích cực hợp tác triển khai tầm nhìn dài hạn về thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, củng cố hệ thống thương mại đa phương.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc và luật lệ, với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là trung tâm.
Trong bối cảnh nhiều cơ chế song phương và khu vực mới được hình thành, WTO vẫn được coi là cơ chế hợp tác đa phương mang tính “nền tảng” giúp duy trì ổn định và bình đẳng trong quan hệ kinh tế thương mại quốc tế, đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững toàn cầu.
Chủ tịch nước cũng kêu gọi các nền kinh tế APEC thúc đẩy các thảo luận/đàm phán quan trọng trong WTO hiện nay về trợ cấp thủy sản, nông nghiệp và cải cách WTO.
Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC trong triển khai các kết quả của Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên WTO lần thứ 12 và giải quyết các vấn đề chưa đạt được đồng thuận trong WTO.
Chủ tịch nước chia sẻ Việt Nam là nền kinh tế mở, đã ký và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác; đã và đang hợp tác chặt chẽ với các thành viên APEC thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực theo Tầm nhìn APEC 2040. Việt Nam hoan nghênh và đang tham gia một số sáng kiến nhiều bên về doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; thương mại và trao quyền kinh tế cho phụ nữ; và đang nghiên cứu để hiểu thêm về các sáng kiến khác.
Chủ tịch nước đề nghị ABAC tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong APEC vì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng cho mọi người dân.