Dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, TPHCM và hơn 600 đại biểu là điển hình thi đua yêu nước TPHCM.
Đây là dịp TPHCM tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng, công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Qua đó biểu dương, khen thưởng 85 tập thể và 102 cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu của các cấp, ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, tầng lớp nhân dân, dân tộc trên địa bàn TP.
Các đồng chí lãnh đạo dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, lịch sử đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước của nhân dân ta những năm qua luôn gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, trở thành truyền thống, phong trào cách mạng, là động lực mạnh mẽ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành mọi thắng lợi.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực Trương Hòa Bình, TPHCM là nơi khởi xướng nhiều phong trào thi đua có sức lan toả lớn, trở thành phong trào của cả nước, qua đó giúp thành phố ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Trong những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 gây nhiều hậu quả năng nề. TPHCM đã thực hiện nhiều quyết sách quan trọng như “Chống dịch như chống giặc”, “Thà hy sinh quyền lợi kinh tế ngắn hạn để đảm bảo sức khỏe của nhân dân”… đóng góp to lớn vào thành công chung của cả nước trong phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19.
Để tiếp tục giữ vững vai trò đi đầu trong các phong trào thi đua của cả nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị chính quyền thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng” của Bộ Chính trị, Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi; đổi mới nội dung phương thức thi đua với nội dung cụ thể, gắn với công việc hàng ngày.
Bên cạnh đó, cách thức tổ chức thi đua phải đa dạng, sáng tạo, thu hút mọi người tham gia; thi đua phải thường xuyên, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, tổng kết rút kinh nghiệm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua, nêu gương cho quần chúng noi theo.
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tại Đại hội
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, TPHCM cần xác định thi đua phải thực chất, không hình thức, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khẩn trương tập trung đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, đội ngũ nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm những cơ hội vàng cho thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố xác định thi đua vừa là giải pháp, vừa là động lực để động viên và huy động mọi nguồn lực trong xã hội, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.
Thành phố và các cấp, các ngành đã chủ động triển khai các phong trào thi đua như “Cả Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”,“Giảm nghèo bền vững theo thang đo đa chiều”,“Doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành cùng thành phố đổi mới - phát triển”,“Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”,“Thanh niên Thành phố khởi nghiệp - lập nghiệp”, “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”…
Các gương điển hình giao lưu tại Đại hội
Với chủ đề “Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, xây dựng Thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”, giai đoạn 2020 – 2025, Thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Thành phố chủ động đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức; đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực, thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, Thành phố tổ chức phát động phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo giai đoạn 2020 – 2025; kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; vận động các tầng lớp nhân dân thành phố hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua đạt được hiệu quả thiết thực.
Tại Đại hội đã diễn ra buổi giao lưu với một số gương điển hình có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và kinh doanh. Kỹ sư Tống Hữu Châu, chủ trại cá Châu Tống (Quận 12) đã chia sẻ thành công mô hình nuôi cá Koi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, kỹ sư Tống Hữu Châu còn chia sẻ cách làm, kinh nghiệm thông qua các buổi nói chuyện với hơn 1.000 nông dân của Thành phố; đồng thời xây dựng 20 “vệ tinh” nông dân, nhóm nông dân để cung cấp sản phẩm cung ứng xuất khẩu. Nhờ đó, nhiều nông dân đã cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập và thoát nghèo.
Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, người nông dân trồng thanh long bị ảnh hưởng nặng nề cho sản phẩm không tiêu thụ được qua đường xuất khẩu. Ông Kao Siêu Lực là gương điển hình có thành tích xuất sắc trong lao động với sáng kiến làm bánh mỳ thanh long bán ra thị trường, được tiêu thụ mạnh mẽ, qua đó góp phần rất lớn trong việc “giải cứu” cho người nông dân.
Không chỉ vậy, ông Kao Siêu Lực còn là người tự chế, lắp ráp và xuất khẩu máy móc sản xuất bánh mỳ “Made in Việt Nam” sang các thị trường ngoại như: Malaysia, Philipines, Đài Loan (Trung Quốc)...
Theo báo cáo của UBND TPHCM, giai đoạn 2015 – 2020, Thành phố có trên 6.000 mô hình, phong trào thi đua do các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện. Đến nay, Thành phố có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 96,4%), huy động được hơn 11.453 tỉ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
Thành phố cũng ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính; đối với đăng ký doanh nghiệp giảm từ 9 ngày làm việc còn 4 ngày làm việc. Tăng trưởng kinh tế bình quân của Thành phố trong giai đoạn này đạt 8,3%/năm, khẳng định là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ cao cấp, có giá trị gia tăng cao, bước đầu hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong 5 năm qua (2015 – 2020), Thành phố đã công nhận 18.643 Tập thể Lao động xuất sắc, 1.496 Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, có 12.891 tập thể và 43.762 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND Thành phố. Cũng trong giai đoạn trên, nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn Thành phố đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng.
Theo đó, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã xét khen thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho 1 tập thể; trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới cho 1 tập thể và 2 cá nhân; trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 3 tập thể và 1 cá nhân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…
(CAO) Sáng 26-6, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước TPHCM lần thứ VII (giai đoạn 2015-2020).