TPHCM: Tiêm vắc xin cho người có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi, người nghèo

Thứ Ba, 13/07/2021 06:35  | A. Quân

|

(CAO) Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 5 của TPHCM với khoảng hơn 1,1 triệu liều (1 triệu liều vắc xin Moderna, 100.000 liều vắc xin AstraZeneca và hơn 54.000 liều vắc xin Pfizer) cho người mắc bệnh mãn tính, người có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi, người nghèo...

Chiều 12/7, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh và Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông TP Từ Lương chủ trì họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Phó trưởng ban Thường trực Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh và Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông TP Từ Lương chủ trì họp báo. Ảnh: Khang Minh

Thiếu hàng hóa chỉ xảy ra cục bộ

Thông tin về tình hình hệ thống phân phối hàng hóa trên toàn TP, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết toàn TP có 169 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối) và 4 siêu thị đang tạm ngưng hoạt động. Trong đó, 4 siêu thị tạm ngưng do có ca nhiễm COVID-19, các chợ truyền thống do địa phương đánh giá theo tiêu chí an toàn và yêu cầu tạm ngưng hoạt động.

Ông Phương khẳng định, việc thiếu hàng hóa chỉ xảy ra tại các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ, nhất là các cửa hàng tiện lợi. Với đặc thù diện tích cửa hàng nhỏ, không có kho dự trữ hàng hóa, nên trong một thời điểm nhiều người cùng mua hàng sẽ làm hàng hóa bị gián đoạn hoặc thiếu hàng cục bộ.

“Các hệ thống siêu thị lớn có kho hàng dự trữ lớn, số lượng quầy kệ nhiều nên nguồn hàng dự trữ đầy đủ, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng. Giá cả cũng được đảm bảo giữ mức bình ổn, không có hiện tượng tăng giá”, ông Phương cho biết thêm.

Lưu lượng giao thông giảm 70-80% so với ngày thường

Hơn 1.400 tin, bài tuyên truyền về phòng, chống dịch

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh đánh giá, trong 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16 đã có hơn 400 tin bài của các cơ quan báo chí Trung ương và hơn 1000 tin bài của các cơ quan báo chí TP phản ánh, tuyên truyền giải pháp phòng chống dịch của TP cũng như các giải pháp hay ở cơ sở.

Điều đó cho thấy sự nỗ lực và đồng lòng của đội ngũ báo chí cùng chung tay với TP trong công tác tuyên truyền các giải pháp phòng chống dịch.

Các nội dung và vấn đề mà báo chí quan tâm cũng đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP lắng nghe và cung cấp thông tin kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và các cơ quan chức năng của TP.

Đánh giá chung về tình hình giao thông trên địa bàn TP trong 3 ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho rằng, cả người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP đã phối hợp và chấp hành các quy định tương đối tốt. Lưu lượng giao thông tại TP đã giảm 70-80% so với ngày thường.

Tuy nhiên, trong sáng 12/7 xảy ra hiện tượng ùn ứ tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) - đây là nơi có lượng người lưu thông lớn. Lực lượng chức năng đã linh hoạt xử lý, sau 30 phút chốt kiểm soát đã thông thoáng hơn.

Theo Sở GTVT, toàn TP hiện có 12 chốt kiểm soát với các tỉnh lân cận và 310 chốt kiểm soát trong nội thành. Đối với các chốt trong nội thành, Sở đã có văn bản đề nghị địa phương chủ động triển khai linh hoạt, điều chỉnh vị trí và số lượng phù hợp với từng địa bàn. Sở sẽ phối hợp với địa phương điều tiết phân luồng từ xa, kết nối giữa các quận để tránh tình trạng ùn ứ và tập trung đông người.

“Trong lúc này, biện pháp căn cơ để hạn chế người dân đi lại, trước hết cần ý thức của người dân trong việc phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện nghiêm quy định về giãn cách.

Cùng với đó, các quận, huyện, TP.Thủ Đức cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định phòng dịch tại các đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt số lượng người đi làm và tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh có đúng với quy định hay không”, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở GTVT, TP đã thống nhất việc không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 tại các chốt trong nội thành, chỉ kiểm tra tại các chốt kiểm soát giáp danh với các tỉnh thành lân cận.

Sở GTVT thông tin thêm, hoạt động vận tải hàng hóa được đảm bảo lưu thông từ các tỉnh về TPHCM và ngược lại. Trong 3 ngày, TP đã cấp Giấy ưu tiên tạo “luồng xanh” cho 17.000 phương tiện, gồm xe chở hàng hóa hóa thiết yếu, xe ra vào cảng…

Tiêm vắc xin cho người có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi, người nghèo

Thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin trong đợt tiếp theo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết TP dự kiến triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 5 với khoảng hơn 1,1 triệu liều; bao gồm 1 triệu liều vắc xin Moderna do Mỹ hỗ trợ, 100.000 liều vắc xin AstraZeneca từ nguồn tài trợ của Nhật Bản và hơn 54.000 liều vắc xin Pfizer được Chính phủ phân bổ cho TPHCM.

Theo kế hoạch, Sở sẽ sử dụng cơ sở y tế sẵn có để tổ chức các điểm tiêm, mỗi trạm y tế sẽ tổ chức 2 bàn tiêm, tại nơi diện tích nhỏ có thể tổ chức 1 bàn tiêm và 1 điểm tiêm lưu động. Tổ chức tiêm cho 120 người/1 điểm tiêm/1 ngày. Thời gian tiêm từ 2-3 tuần.

Sở Y tế cho biết, đối tượng ưu tiên tiêm trong lần tiêm chủng đợt 5 bao gồm nhóm những người mắc bệnh mãn tính, người có bệnh lý nền, người già trên 65 tuổi, người nghèo, người hưởng chính sách xã hội, đối tượng người lao động làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiện ích, công nhân người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn TP.

Các quận-huyện, TP Thủ Đức sẽ tổng hợp danh sách đối tượng tiêm chủng lần này dựa trên dữ liệu quản lý tại địa phương, nhằm đảm bảo phân bổ tới đúng đối tượng theo quy định.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, với phương châm “Tiêm tới đâu an toàn tới đó, Sở sẽ tăng cường đội ngũ y bác sĩ hỗ trợ tại các điểm tiêm, ngoài ra bố trí xe cấp cứu ở những điểm tiện lợi nhất, đảm bảo trong vòng 3 phút có mặt xử lý khi xảy ra sự cố.

Huy động khách sạn để cách ly nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam, việc thí điểm cách ly F1 tại nhà, Sở đã hướng dẫn địa phương triển khai, đảm bảo các điều kiện an toàn theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Đối với công tác cách ly tại khách sạn, TP đã được áp dụng từ đợt dịch năm 2020, việc cách ly theo yêu cầu của người cách ly, trả chi phí tùy vào mức dịch vụ của khách sạn.

Hiện nay, một số quận - huyện đã huy động khách sạn trên địa bàn triển khai cách ly nhằm giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung. Trong thời gian đầu, quận-huyện sẽ chi trả kinh phí cách ly hoặc người dân phải trả kinh phí rất thấp.

Đối với việc lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, Sở Y tế cho biết sẽ áp dụng theo nguyên tắc không lấy toàn bộ mà tổ chức lấy mẫu có trọng tâm trọng điểm, tập trung ưu tiên khu vực có nguy cơ rất cao rồi đến các khu vực còn lại.

Trong vùng lõi thì lấy mẫu từng nhà, đối với khu vực phong tỏa lấy mẫu đơn, ngoài khu vực nguy cơ lấy mẫu gộp (nguy cơ cao mẫu gộp 5 hoặc mẫu gộp 10), các quận - huyện quyết định chọn người đại diện trong gia đình để lấy mẫu.

Ngoài ra, các địa phương linh động trong việc tổ chức lấy mẫu, chia nhóm nhỏ theo từng cụm gia đình để tránh tụ tập đông người.

Xử phạt 12.433 vụ vi phạm chống dịch với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương cho hay, tính từ 0h ngày 9/7 đến 17h ngày 12/7, 21 quận - huyện và và TP Thủ Đức đã tổ chức 7.305 cuộc kiểm tra với 603 đoàn kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính 12.433 vụ; tổng số tiền xử phạt là 3 tỷ 310 triệu đồng.

Trong 2 ngày đầu, lực lượng chức năng chủ yếu xử phạt và nhắc nhở, 2 ngày tiếp theo đã tăng cường xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Tính riêng trong 2 ngày (từ 17h ngày 10/7 đến 17h ngày 12/7), các địa phương đã xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng, gấp 4 lần so với 2 đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

"Trong những ngày tới, đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền để người dân hạn chế tối đa việc ra đường, hướng đến mục tiêu kiểm soát, khoanh vùng và dập dịch trong giai đoạn vàng 14 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16", ông Từ Lương nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang