(CAO) Đa số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án 1, theo đó chỉnh sửa quy định theo hướng với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.
Hôm nay, 3/11, Quốc hội dành nguyên ngày thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, dù đã được chỉnh sửa, hoàn thiện nhiều nội dung lớn, nhưng đến nay, nhiều chính sách chưa được thiết kế phương án tối ưu.
“Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án luật” – ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phiên làm việc của Quốc hội sáng 3/11
Tại dự thảo trình Quốc hội, có đến 16 nội dung quan trọng đang được thiết kế “2 phương án”, “3 phương án”.
Chẳng hạn, về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân (sổ đỏ) đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền, dự thảo luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1, đề nghị quy định thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014.
Phương án 2, đề nghị chỉnh sửa thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.
Về nội dung cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, dự thảo luật thiết kế 3 phương án, quy định về điều kiện.
Phương án 1, phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp. Phương án 2, không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này.
Phương án 3, phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại Luật Đất đai.
Nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không bày tỏ chính kiến mà xin ý kiến Quốc hội.
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước).
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo
Một số ý kiến thì đề nghị giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).
Tiếp tục xin ý kiến Quốc hội, dự thảo luật thiết kế 2 phương án, trong đó phương án 1: tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
“Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo.
Phương án 2, giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Ông Thanh cho hay, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1. Đồng thời, do Nghị quyết số 18 không đề cập nội dung về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển quyền sử dụng đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã bỏ 4 điều, bổ sung 06 điều, sửa đổi 229 điều.